Hiện nay, nhãn hiệu không chỉ là biểu tượng nhận diện mà còn là tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Để duy trì quyền sở hữu và bảo vệ quyền lợi của mình, các doanh nghiệp cần thực hiện quy trình gia hạn đăng ký nhãn hiệu theo đúng quy định pháp luật. Đây là bước quan trọng trong quá trình bảo hộ nhãn hiệu – việc nhà nước thông qua hệ thống pháp luật, xác lập quyền của các chủ thể đối với nhãn hiệu và bảo vệ quyền đó, chống lại bất kỳ sự vi phạm nào của bên thứ ba đối với nhãn hiệu dựa trên cơ sở pháp lý là văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Trong bài viết này, Công ty luật Việt An tư vấn các nội dung liên quan đến gia hạn nhãn hiệu theo quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ hiện hành.
Thời điểm cần gia hạn nhãn hiệu
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.
Nhãn hiệu có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm. Để gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp lệ phí gia hạn hiệu lực.
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể bị chấm dứt hiệu lực trong trường hợp chủ sở hữu nhãn hiệu không nộp lệ phí duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định.
Gia hạn Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là thủ tục bắt buộc cần thực hiện để duy trì hiệu lực Văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu đã được cấp văn bằn bảo hộ.
Lưu ý thời điểm nộp hồ sơ gia hạn nhãn hiệu
Để được gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, trong vòng 06 tháng tính đến ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực, chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ đơn yêu cầu gia hạn và phí thẩm định yêu cầu gia hạn, lệ phí gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, phí sử dụng văn bằng bảo hộ, phí đăng bạ và phí công bố quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ.
Đơn yêu cầu gia hạn có thể nộp muộn hơn thời hạn quy định nêu trên nhưng không được quá 06 tháng kể từ ngày Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hết hiệu lực và chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải nộp thêm 10% lệ phí gia hạn hiệu lực muộn cho mỗi tháng nộp muộn.
Mục đích của gia hạn nhãn hiệu
Mục đích của thủ tục gia hạn là duy trì tính toàn vẹn của hệ thống nhãn hiệu và đảm bảo rằng các lợi ích của nhãn hiệu đang được sử dụng như dự định (sử dụng tích cực, đúng cách, chủ động kiểm soát nhãn hiệu, ngăn chặn pha loãng hoặc suy yếu nhãn hiệu).
Đồng thời, việc duy trì và gia hạn đăng ky nhãn hiệu sẽ giúp cân bằng giữa việc bảo vệ quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu hợp pháp và đảm bảo quyền tự do cạnh tranh trên thị trường bằng cách ngăn chặn việc “tích trữ” nhãn hiệu hoặc ngăn chặn việc một cá nhân/tổ chức cố tình ngăn người khác sử dụng các nhãn hiệu không được sử dụng trong thương mại.
Thời hạn gia hạn đăng ký nhãn hiệu nghiêm ngặt cũng đảm bảo rằng các nhãn hiệu không còn được sử dụng trong thương mại sẽ được cá nhân/tổ chức khác sử dụng chứ không chiếm chỗ trong hệ thống nhãn hiệu và qua đó khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng.
Hồ sơ gia hạn nhãn hiệu
Theo Điều 31 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, hồ sơ yêu cầu gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu gồm các tài liệu sau đây:
Tờ khai yêu cầu gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ (Mẫu số 07 quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định 65/2023/NĐ-CP):
Bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (trường hợp văn bằng bảo hộ được cấp dưới dạng giấy và có yêu cầu ghi nhận việc gia hạn vào văn bằng bảo hộ);
Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục cho cá nhân hoặc Giấy uỷ quyền thực hiện thủ tục cho tổ chức (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);
Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).
Lưu ý: Hồ sơ yêu cầu gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể yêu cầu gia hạn hiệu lực cho một hoặc nhiều văn bằng bảo hộ nếu có cùng loại đối tượng và cùng chủ sở hữu.
Thủ tục gia hạn nhãn hiệu
Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ gia hạn đăng ký nhãn hiệu
Khi Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đế thời hạn gia hạn, chủ sở hữu nhãn hiệu tiến hành chuẩn bị đơn yêu cầu gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Đơn có thể nộp trực tiếp hoặc qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc 2 Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ
Trong thời hạn 01 tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ yêu cầu gia hạn, Cục SHTT xem xét hồ sơ và thực hiện các thủ tục sau đây:
Trường hợp hồ sơ hợp lệ, ra quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ, ghi nhận vào văn bằng bảo hộ (nếu có yêu cầu), đăng bạ và công bố quyết định gia hạn hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trên Công báo Sở hữu công nghiệp trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày ra quyết định;
Ra thông báo dự định từ chối gia hạn, có nêu rõ lý do và ấn định thời hạn 02 tháng kể từ ngày ra thông báo để người yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Hồ sơ yêu cầu gia hạn không hợp lệ hoặc được nộp không đúng thủ tục quy định; Người yêu cầu gia hạn không phải là chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tương ứng.
Nếu kết thúc thời hạn đã ấn định mà người yêu cầu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hoặc có ý kiến phản đối nhưng không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối gia hạn hiệu lực Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Bước 3: Nhận kết quả
Kết quả thực hiện: Ra Quyết định ghi nhận gia hạn hiệu lực VBBH và công bố trên Công báo SHCN hoặc Quyết định từ chối gia hạn hiệu lực VBBH. Cập nhật nội dung gia hạn vào bản gốc VBBH (nếu có) và trả văn bằng cho chủ sở hữu.
Sau khi thủ tục gia hạn đã hoàn tất, trường hợp chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ ghi nhận quyết định gia hạn hiệu lực vào Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu phải thực hiện thủ tục sửa đổi văn bằng bảo hộ và nộp phí, lệ phí theo quy định.
Chi phí gia hạn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam
Theo Thông tư 263/2016/TT-BTC về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp; được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 31/2020/TT-BTC và Thông tư 63/2023/TT-BTC, phí, lệ phí gia hạn đăng ký nhãn hiệu như sau:
Từ ngày 01/7/2024 đến hết 31/12/2024:
Mức phí sẽ là: 50.000 đồng/nhóm sản phẩm, dịch vụ.
Mức phí này được áp dụng cho cả hai hình thức nộp hồ sơ.
Từ ngày 01/01/2025 đến hết ngày 31/12/2025:
Nếu nộp hồ sơ trực tiếp: 100.000 đồng/nhóm sản phẩm, dịch vụ
Nếu nộp hồ sơ qua dịch vụ trực tuyến: 50.000 đồng/sản phẩm, dịch vụ
Từ ngày 01/01/2026 trở đi: Mức phí là 100.000 đồng/sản phẩm, dịch vụ. Mức phí này áp dụng cho cả hai hình thức nộp hồ sơ.
Lưu ý, đối với trường hợp nộp hồ sơ muộn hơn so với quy định, chủ văn bằng sẽ phải nộp thêm lệ phí gia hạn hiệu lực muộn. cụ thể, đối với mỗi tháng nộp muộn, chủ văn bằng sẽ phải nộp thêm 10% lệ phí.
Các mức lệ phí, phí khác có liên quan:
Phí thẩm định yêu cầu gia hạn: 160.000 đồng
Phí sử dụng văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu (10 năm) cho mỗi nhóm sản phẩm/dịch vụ: 700.000 đồng
Phí công bố Quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng
Phí đăng bạ Quyết định gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.
Quý khách hàng có nhu cầu thực hiện dịch vụ gia hạn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam hoặc các nước trên thế giới đã được cấp văn bằng bảo hộ xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!