Đại diện ngoài tố tụng là hình thức đại diện pháp lý, trong đó một cá nhân hoặc tổ chức được ủy quyền hoặc được pháp luật quy định để thực hiện các giao dịch hoặc hành vi pháp lý thay mặt cho một cá nhân hoặc tổ chức khác, nhưng không liên quan đến việc tham gia vào các phiên tòa hoặc quá trình tố tụng tại tòa án. Vậy trường nào được đại diện ngoài tố tụng, ai được phép tham gia với tư cách đại diện ngoài tố tụng? Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách những vấn đề pháp lý liên quan đến: Đại diện ngoài tố tụng là gì?
Các trường hợp đại diện ngoài tố tụng
Hiện nay, các trường hợp đại diện ngoài tố tụng có thể kể đến:
Đại diện ngoài tố tụng trong trợ giúp pháp lý: theo Luật Trợ giúp pháp lý 2017.
Đại diện ngoài tố tụng của Luật sư: Luật Luật sư năm 2006, được sửa đổi bổ sung năm 2012, năm 2015.
Đại diện ngoài tố tụng theo ủy quyền: theo Bộ luật Dân sự năm 2015.
Đại diện ngoài tố tụng trong trợ giúp pháp lý
Phạm vi đại diện
Căn cứ theo Điều 27 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 thì đại diện ngoài tố tụng là một trong các hình thức trợ giúp pháp lý. Đại diện ngoài tố tụng trong trợ giúp pháp lý là việc trợ giúp viên pháp lý, luật sư thay mặt cho người được trợ giúp pháp lý thực hiện quyền và nghĩa vụ của họ trong quan hệ pháp luật (quan hệ pháp luật hình sự, quan hệ pháp luật dân sự, quan hệ pháp luật hành chính…) trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Các công việc này không nằm trong giai đoạn, thủ tục tố tụng.
Như vậy, phạm vi đại diện của người thực hiện trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực này thường hẹp, phụ thuộc vào ý chí của người được trợ giúp pháp lý và các quy định của pháp luật trong từng lĩnh vực quản lý; và chỉ đại diện thực hiện quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Chủ thể được đại diện
Căn cứ theo Điều 33 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định về đại diện ngoài tố tụng như sau: Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý trước cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Như vậy, chỉ có Trợ giúp viên pháp lý, luật sư được thực hiện trợ giúp pháp lý bằng hình thức này.
Ngoài ra cần lưu ý:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm cử người đại diện ngoài tố tụng cho người được trợ giúp pháp lý.
Việc cử người đại diện ngoài tố tụng phải được lập thành văn bản và gửi cho người được trợ giúp pháp lý.
Đại diện ngoài tố tụng của Luật sư
Phạm vi đại diện
Dịch vụ pháp lý của luật sư bao gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác. Theo Điều 22 Luật Luật sư năm 2006, được sửa đổi bổ sung năm 2012, năm 2015, một trong những phạm vi hành nghề luật sư là “Đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng để thực hiện các công việc có liên quan đến pháp luật”.
Như vậy, ngoài việc tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp hoặc người bào chữa trong các vụ án tại các cơ quan tố tụng, Luật sư còn tham gia đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng.
Theo Điều 29 Luật Luật sư năm 2006, hoạt động đại diện ngoài tố tụng của luật sư bao gồm đại diện cho khách hàng để giải quyết các công việc có liên quan đến việc mà luật sư đã nhận theo phạm vi, nội dung được ghi trong hợp đồng dịch vụ pháp lý hoặc theo sự phân công của cơ quan, tổ chức nơi luật sư hành nghề với tư cách cá nhân làm việc theo hợp đồng lao động.
Một số trường hợp đại diện
Một số trường hợp đại diện ngoài tố tụng của Luật sư có thể kể đến như:
Đàm phán và ký kết hợp đồng thương mại, dân sự;
Đại diện cho khách hàng xin giấy phép kinh doanh, thủ tục đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, giải quyết khiếu nại hành chính.
Đại diện khách hàng thương lượng, hòa giải với các bên tranh chấp để đạt được thỏa thuận mà không cần đưa vụ việc ra tòa.
Tham gia để bảo vệ quyền lợi của khách hàng trong giai đoạn trước khi vụ việc được đưa ra tòa án, như thương lượng, hòa giải tranh chấp,…
Khi luật sư hỗ trợ pháp lý chuyên sâu như về đầu tư, kinh doanh, sở hữu trí tuệ,…
Đại diện ngoài tố tụng theo ủy quyền
Phạm vi đại diện
Ngoài đại diện ngoài tố tụng trong trợ giúp pháp lý, đại diện ngoài tố tụng của luật sư, thì đại diện ngoài tố tụng còn bao gồm đại diện theo ủy quyền theo Bộ luật Dân sự năm 2015.
Cụ thể theo Điều 138 Bộ luật Dân sự 2015, cá nhân, pháp nhân có thể ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo ủy quyền, trừ trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười tám tuổi trở lên xác lập, thực hiện.
Cần lưu ý: Giao dịch do người đại diện xác lập thực hiện với người thứ ba phải phù hợp với phạm vi đại diện làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người được đại diện. Người đại diện phải thông báo cho bên giao dịch biết về phạm vi đại diện của mình.
Một số trường hợp đại diện
Một số trường hợp về ủy quyền ngoài tố tụng theo ủy quyền như:
Đại diện cá nhân trong giao dịch dân sự như ủy quyền mua bán nhà đất, thực hiện thủ tục công chứng và đăng ký cấp giấy chứng nhận
Đại diện doanh nghiệp trong hoạt động thương mại như: Công ty ủy quyền cho Gíam đốc chi nhánh thay mặt công ty đàm phán và ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa với đối tác nước ngoài.
Đại diện trong giải quyết thủ tục hành chính như lập giấy ủy quyền nhờ thay mặt làm việc với cơ quan nhà nước để xin giấy phép, giấy tờ,…
Thời hạn đại diện ngoài tố tụng
Theo các khoản 1 và 2 Điều 140 Bộ luật Dân sự 2015 quy định thời hạn đại diện như sau:
Thời hạn đại diện được xác định theo văn bản ủy quyền, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật.
Trường hợp không xác định được thời hạn đại diện trên thì thời hạn đại diện được xác định như sau:
Nếu quyền đại diện được xác định theo giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện được tính đến thời điểm chấm dứt giao dịch dân sự đó;
Nếu quyền đại diện không được xác định với giao dịch dân sự cụ thể thì thời hạn đại diện là 01 năm, kể từ thời điểm phát sinh quyền đại diện.
Thời điểm chấm dứt đại diện ngoài tố tụng
Căn cứ khoản 3 Điều 140 Bộ luật Dân sự 2015, đại diện theo ủy quyền chấm dứt trong trường hợp sau đây:
Theo thỏa thuận;
Thời hạn ủy quyền đã hết;
Công việc được uỷ quyền đã hoàn thành;
Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền;
Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết;
Người đại diện không còn đủ điều kiện theo quy định pháp luật.
Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.
Một số câu hỏi liên quan
Luật sư tập sự có được thực hiện đại diện ngoài tố tụng không?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 4 Luật Luật sư 2006 sửa đổi bổ sung năm 2012, 2015, quy định như sau:
“Người tập sự hành nghề luật sư được (…) được tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các dịch vụ pháp lý khác theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý”.
Như vậy, người tập sự hành nghề luật sư được đại diện ngoài tố tụng theo sự phân công của luật sư hướng dẫn khi được khách hàng đồng ý.
Luật sư đại diện ngoài tố tụng gây thiệt hại cho khách hàng có phải bồi thương không?
Theo điểm c Khoản 1 Điều 73 của Luật Luật sư năm 2006, công ty luật phải có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại vật chất do lỗi mà luật sư gây ra cho khách hàng trong khi thực hiện đại diện ngoài tố tụng và các dịch vụ pháp lý khác.
Khách hàng cần cung cấp tài liệu gì khi sử dụng dịch vụ đại diện ngoài tố tụng của Luật Việt An?
Khi sử dụng dịch vụ đại diện ngoài tố tụng của luật sư, khách hàng cần cung cấp đầy đủ các tài liệu cần thiết để luật sư có thể đại diện một cách hiệu quả, hợp pháp. Các tài liệu này bao gồm:
Giấy tờ chứng minh nhân thân của cá nhân tổ chức như CCCD, địa chỉ, Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc quyết định thành lập tổ chức;…
Giấy tờ liên quan đến việc ủy quyền như Hợp đồng ủy quyền hoặc giấy ủy quyền;…
Hồ sơ, tài liệu liên quan đến giao dịch như hợp đồng; Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản (ví dụ: giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy tờ xe, cổ phần,…); biên bản làm việc, thư từ trao đổi, hoặc tài liệu liên quan đến quá trình giao dịch;…
Hồ sơ, tài liệu liên quan đến tranh chấp như: Biên bản thỏa thuận, hòa giải (nếu có); Tài liệu chứng minh quyền lợi, nghĩa vụ của khách hàng trong vụ tranh chấp (hóa đơn, chứng từ giao dịch, hợp đồng,…); Các văn bản của cơ quan chức năng liên quan đến vụ việc (quyết định xử phạt, biên bản vi phạm,…);..
Văn bản hoặc tài liệu từ các bên liên quan nếu vụ việc liên quan đến nhiều bên, khách hàng cần cung cấp: Văn bản, thông báo, thư trao đổi giữa các bên; Biên bản làm việc hoặc thỏa thuận giữa các bên trước đây;…
Lưu ý: Tất cả các tài liệu cần được sao y, chứng thực nếu pháp luật yêu cầu hoặc khi luật sư cần nộp cho cơ quan nhà nước. Nếu khách hàng không rõ cần cung cấp tài liệu gì, Luật Việt An sẽ hướng dẫn chi tiết để thu thập các giấy tờ cần thiết.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An cho câu hỏi: Đại diện ngoài tố tụng là gì? Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn pháp lý liên quan về sở hữu trí tuệ, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.