Trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay, các doanh nghiệp đang có xu hướng phát triển không chỉ trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia, một khu vực mà mong muốn mở rộng thêm Chi nhánh ra nhiều quốc gia và vươn cánh tay ra toàn thế giới. Các doanh nghiệp này khi muốn mở thêm Chi nhánh để thực hiện hoạt động kinh doanh tại quốc gia khác nhau cần phải tuân thủ quy định của pháp luật nước sở tại. Đối với các thương nhân nước ngoài thực hiện hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, việc thành lập Chi nhánh cần có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và mỗi thương nhân nước ngoài chỉ được thành lập tối đa 1 Chi nhánh trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt Nam là đơn vị phụ thuộc của công ty nước ngoài, được thành lập và hoạt động thương mại tại Việt theo đúng quy định của pháp luật. Sau đây, Luật Việt An sẽ giải đáp thắc mắc này cho khách hàng cho quý khách hàng.
Điều kiện thành lập chi nhánh cho công ty nước ngoài
Theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP, công ty nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh khi đáp ứng các điều kiện sau:
“Điều 8. Điều kiện cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh
Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;
Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 05 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;
Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;
Nội dung hoạt động của Chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài;
Trường hợp nội dung hoạt động của Chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành”.
Như vậy, điều kiện thành lập chi nhánh cho công ty nước ngoài bao gồm:
Cơ quan nào cấp giấy phép thành lập chi nhánh cho công ty nước ngoài
Theo Điều 6 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP, Bộ Công Thương thực hiện việc cấp, cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh cho công ty nước ngoài trong trường hợp việc thành lập Chi nhánh chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành.
Lưu ý các trường hợp theo pháp luật chuyên ngành:
Giấy phép thành lập chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài do Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước cấp theo quy định Luật Chứng khoán;
Giấy phép thành lập chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài do Bộ Tài chính cấp theo Luật Kinh doanh bảo hiểm;
Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước cấp theo Luật Các tổ chức tín dụng.
Giấy phép thành lập chi nhánh công ty luật nước ngoài do Bộ Tư pháp cấp.
Thành phần hồ sơ thành lập chi nhánh cho công ty nước ngoài cập nhật mới nhất
Hồ sơ cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh 01 bộ bao gồm:
Đơn đề nghị cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh theo mẫu theo Mẫu MĐ-5 của Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 11/2016/TT-BCT:
Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của công ty nước ngoài;
Văn bản của công ty nước ngoài cử/bổ nhiệm người đứng đầu Chi nhánh;
Bản sao báo cáo tài chính có kiểm toán hoặc văn bản xác nhận tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế hoặc tài chính trong năm tài chính gần nhất hoặc xác nhận, chứng minh sự tồn tại và hoạt động của công ty nước ngoài trong năm tài chính gần nhất;
Bản sao Điều lệ hoạt động của Chi nhánh;
Bản sao hộ chiếu hoặc giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân (nếu là người Việt Nam) hoặc bản sao hộ chiếu (nếu là người nước ngoài) của người đứng đầu Chi nhánh;
Lưu ý nộp kèm hồ sơ phải bao gồm tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh bao gồm:
Bản sao biên bản ghi nhớ hoặc thỏa thuận thuê địa điểm hoặc bản sao tài liệu chứng minh thương nhân có quyền khai thác, sử dụng địa điểm để đặt trụ sở Chi nhánh;
Bản sao tài liệu về địa điểm dự kiến đặt trụ sở Chi nhánh.
Quy trình thành lập chi nhánh cho công ty nước ngoài cập nhật
Bước 1: Chuẩn bị các điều kiện, hồ sơ
Công ty nước ngoài cần chuẩn bị các điều kiện cấp Giấy phép cũng như các tài liệu thành phần hồ sơ theo quy định pháp luật như đã phân tích trên.
Lưu ý về tính hợp pháp của hồ sơ:
Đối với trường hợp bản sao hộ chiếu của người đứng đầu Chi nhánh là người nước ngoài phải dịch ra tiếng Việt và chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bản sao Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương phải được cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài chứng nhận hoặc hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Bước 2: Nộp hồ sơ tại Bộ Công thương
Công ty nước ngoài nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến Bộ Công thương.
Bước 3: Bộ Công thương xử lý hồ sơ
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan cấp Giấy phép kiểm tra và yêu cầu bổ sung nếu hồ sơ chưa đầy đủ, hợp lệ. Việc yêu cầu bổ sung hồ sơ được thực hiện tối đa một lần trong suốt quá trình giải quyết hồ sơ.
Lưu ý, trường hợp việc thành lập Chi nhánh chưa được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành, Cơ quan cấp Giấy phép gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ quản lý chuyên ngành trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
Bước 4: Nhận kết quả
Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Cơ quan cấp Giấy phép cấp hoặc không cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh cho thương nhân nước ngoài. Trường hợp từ chối cấp phép phải có văn bản nêu rõ lý do.
Bước 5: Công bố thông tin
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh, Bộ Công thương có trách nhiệm công bố trên trang thông tin điện tử của mình các nội dung sau:
Tên, địa chỉ trụ sở của Chi nhánh;
Tên, địa chỉ trụ sở của công ty nước ngoài;
Người đứng đầu Chi nhánh;
Số, ngày cấp, thời hạn của Giấy phép;
Nội dung hoạt động của Chi nhánh.
Lưu ý các lĩnh vực hoạt động được phép thành lập chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt Nam
Căn cứ Luật Thương mại năm 2005; căn cứ Nghị định số 07/2016/NĐ-CP, Bộ Công Thương công bố nội dung cam kết của Việt Nam về Chi nhánh của công ty nước ngoài, trong đó các lĩnh vực hoạt động được phép thành lập chi nhánh của công ty nước ngoài tại Việt Nam bao gồm:
Dịch vụ pháp lý
Dịch vụ máy tính và các dịch vụ liên quan
Dịch vụ tư vấn quản lý
Dịch vụ liên quan đến tư vấn quản lý
Dịch vụ xây dựng và các dịch vụ kỹ thuật liên quan
Dịch vụ nhượng quyền thương mại
Dịch vụ tài chính, gồm:
Dịch vụ bảo hiểm và các dịch vụ liên quan đến bảo hiểm
Dịch vụ ngân hàng và các dịch vụ tài chính khác
Dịch vụ chứng khoán
Sự khác nhau giữa thành lập chi nhánh cho công ty nước ngoài và thành lập chi nhánh công ty có vốn nước ngoài tại Việt Nam
Công ty có vốn đầu tư nước ngoài là doanh nghiệp do nhà đầu tư nước ngoài thành lập để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam hoặc là doanh nghiệp Việt Nam do nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, sáp nhập, mua lại.
So với thành lập chi nhánh công ty có vốn nước ngoài, việc thành lập chi nhánh cho công ty nước ngoài ở Việt Nam có một số điểm khác như sau:
Về điều kiện thành lập
Công ty nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh khi đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 07/2016/NĐ-CP, trong đó có điều kiện về thời gian hoạt động của công ty nước ngoài đã hoạt động ít nhất 05 năm và nội dung hoạt động phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế.
Thành lập chi nhánh công ty có vốn nước ngoài không phải đáp ứng các điều kiện về thời gian hoạt động, cam kết thị trường như chi nhánh công ty nước ngoài. Tuy nhiên, cần phải đáp ứng các điều kiện về thành lập chi nhánh theo Luật Doanh nghiệp như về tên gọi, địa chỉ trụ sở, người đứng đầu,…
Về cơ quan tiếp nhận
Bộ Công Thương thực hiện việc cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh cho công ty nước ngoài. Trong một số ngành nghề dịch vụ tài chính thì thẩm quyền sẽ thuộc về Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.
Tuy nhiên, việc cấp Giấy phép thành lập chi nhánh công ty có vốn nước ngoài thuộc về Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch Đầu tư.
Về thủ tục
Đối với thành lập chi nhánh công ty nước ngoài, cần nộp hồ sơ đến Bộ Công thương và được giải quyết trong thời hạn 07 ngày làm việc. Doanh nghiệp không phải tiến hành xin giấy phép tại Phòng Đăng ký kinh doanh, trừ trường hợp thành lập chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài.
Đối với thành lập chi nhánh công ty có vốn nước ngoài, cần nộp hồ sơ đến Phòng Đăng ký kinh doanh và được giải quyết trong thời hạn 03 ngày làm việc.
Lưu ý về thành lập chi nhánh công ty nước ngoài trong một số trường hợp cụ thể
Thành lập chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam
Để thành lập chi nhánh công ty bảo hiểm nước ngoài ở Việt Nam, doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài và chi nhánh phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 67 Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 và Điều 11, Điều 36 Nghị định 46/2023/NĐ-CP.
Doanh nghiệp cần tiến hành thủ tục xin Giấy phép thành lập và hoạt động của chi nhánh tại Bộ Tài chính.
Giấy phép thành lập và hoạt động của chi nhánh đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Chi nhánh nước ngoài tại Việt Nam phải chính thức hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp giấy phép thành lập và hoạt động, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan.
Thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam
Để được hoạt động hợp pháp, cần tiến hành thủ tục xin Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định của Luật Các Tổ chức tín dụng 2024.
Hiện nay hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài được quy định tại Điều 17 Thông tư 40/2011/TT-NHNN.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đầy đủ các văn bản bổ sung, Ngân hàng Nhà nước tiến hành cấp Giấy phép theo quy định.
Chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tiến hành khai trương hoạt động trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày được cấp Giấy phép, trừ trường hợp có sự kiện bất khả kháng; quá thời hạn này mà không khai trương hoạt động thì Giấy phép đã cấp hết hiệu lực.
Thành lập chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam
Công ty chứng khoán nước ngoài được thành lập chi nhánh tại Việt Nam khi đáp ứng các điều kiện theo Điều 76 Luật Chứng khoán 2019. Công ty chứng khoán chỉ được lập 01 chi nhánh tại Việt Nam.
Để được hoạt động hợp pháp, cần tiến hành thủ tục xin Giấy Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán của chi nhánh công ty chứng khoán tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Sau khi được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán, chi nhánh công ty chứng khoán nước ngoài tại Việt Nam phải đăng ký kinh doanh tại Cơ quan đăng ký kinh doanh.
Thành lập công ty luật nước ngoài tại Việt Nam
Công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác. Không được cử luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án Việt Nam hoặc thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam.
Để được hoạt động hợp pháp, công ty luật nước ngoài cần tiến hành thủ tục xin Giấy phép thành lập công ty luật nước luật ngoài theo quy định của Luật Luật sư tại Bộ Tư pháp.
Lưu ý, sau khi được cấp Giấy phép thành lập, công ty luật nước ngoài phải đăng ký hoạt động tại Sở Tư pháp ở địa phương nơi đặt trụ sở để được cấp Giấy đăng ký hoạt động.
Trên đây là tư vấn thành lập chi nhánh cho công ty nước ngoài cập nhật mới nhất. Qúy khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu thành lập chi nhánh, thành lập doanh nghiệp, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn hỗ trợ tốt nhất!