Công ty Luật Việt An là một Tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ của Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Sau gần 20 năm hoạt động, Công ty Luật Việt An tự hào là một trong những công ty luật uy tín nhất, cung cấp dịch vụ tốt nhất cho khách hàng trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, dịch vụ tư vấn về sở hữu trí tuệ và dịch vụ đại diện sở hữu trí tuệ tại Việt Nam. Trong bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ hướng dẫn quý khách thực hiện thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành.
Căn cứ pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022.
Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp.
Quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật Việt Nam
Theo quy định tại Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Điều kiện bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý
Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ nguồn gốc địa lý của sản phẩm từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia cụ thể. Điều kiện chung đối với chỉ dẫn địa lý được bảo hộ như sau:
Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có nguồn gốc địa lý từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý có danh tiếng, chất lượng hoặc đặc tính chủ yếu do điều kiện địa lý của khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hoặc quốc gia tương ứng với chỉ dẫn địa lý đó quyết định.
Hồ sơ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Tờ khai đăng ký theo Mẫu số 09 Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP;
Tài liệu, mẫu vật, thông tin thể hiện chỉ dẫn địa lý đăng ký bảo hộ, gồm:
Tên gọi, dấu hiệu là chỉ dẫn địa lý;
Sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
Bản mô tả tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý và các yếu tố đặc trưng của điều kiện tự nhiên tạo nên tính chất, chất lượng đặc thù, danh tiếng của sản phẩm đó (sau đây gọi là bản mô tả tính chất đặc thù);
Bản đồ khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
Tài liệu chứng minh chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại nước có chỉ dẫn địa lý đó, nếu là chỉ dẫn địa lý của nước ngoài;
Đối với chỉ dẫn địa lý đồng âm, tài liệu thuyết minh về điều kiện sử dụng và cách thức trình bày chỉ dẫn địa lý để bảo đảm khả năng phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý.
Tài liệu chứng minh quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý, nếu người nộp đơn thụ hưởng quyền đó của người khác;
Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên, nếu có yêu cầu hưởng quyền ưu tiên, gồm 1 trong 2 hoặc cả hai loại tài liệu sau:
Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;
Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác.
Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Giấy uỷ quyền (nếu nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được nộp thông qua đại diện sở hữu công nghiệp Luật Việt An);
Lưu ý: Bản mô tả tính chất đặc thù phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
Mô tả loại sản phẩm tương ứng, bao gồm cả nguyên liệu thô và các đặc tính lý học, hóa học, vi sinh và cảm quan của sản phẩm;
Cách xác định khu vực địa lý tương ứng với chỉ dẫn địa lý;
Chứng cứ về loại sản phẩm có xuất xứ từ khu vực địa lý;
Mô tả phương pháp sản xuất, chế biến mang tính địa phương và có tính ổn định;
Thông tin về mối quan hệ giữa tính chất, chất lượng đặc thù hoặc danh tiếng của sản phẩm với điều kiện địa lý;
Thông tin về cơ chế tự kiểm tra các tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm.
Thủ tục đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Bước 1: Tiếp nhận đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý
Đơn đăng ký có thể nộp trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý
Kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, từ đó đưa ra kết luận đơn có được coi là hợp lệ hay không.
Trường hợp hồ sơ có thiếu sót, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ gửi Thông báo dự định từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, trong đó phải nêu rõ lý do và ấn định thời hạn để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản đối dự định từ chối. Nếu trong thời hạn trên, người nộp đơn không sửa chữa thiếu sót, sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến xác đáng phản đối dự định từ chối, thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ban hành Thông báo từ chối chấp nhận đơn hợp lệ, chấm dứt việc xử lý đơn.
Ngược lại, nếu đơn không có thiếu sót hoặc thiếu sót đã được khắc phục, thì Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ.
Bước 3: Công bố đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý
Trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Kể từ ngày công bố đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp nhận:
Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ dưới dạng văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh để làm một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn.
Phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ dưới dạng văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí trong vòng ba (03) tháng. Việc xử lý phản đối được thực hiện theo trình tự, thủ tục được quy định tại Thông tư hướng dẫn thi hành do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý
Thủ tục này nhằm đánh giá khả năng được bảo hộ của chỉ dẫn địa lý nêu trong đơn sau khi đã được công nhận là hợp lệ. Thời hạn thẩm định nội dung là không quá 06 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Trường hợp phải thẩm định lại khi có ý kiến phản đối về kết quả thẩm định nội dung, thời hạn thẩm định lại đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý bằng hai phần ba (2/3) thời hạn thẩm định lần đầu, đối với những vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài nhưng không vượt quá thời hạn thẩm định lần đầu.
Lưu ý:
Thời gian để người nộp đơn sửa đổi, bổ sung đơn không được tính vào các thời hạn thẩm định hình thức, nội dung và thẩm định lại theo quy định.
Thời hạn xử lý yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn không vượt quá một phần ba (1/3) thời gian thẩm định hình thức và nội dung theo quy định.
Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ
Trường hợp chỉ dẫn địa lý nêu trong đơn không đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
Trường hợp chỉ dẫn địa lý nêu trong đơn không thuộc trường hợp từ chối cấp văn bằng bảo hộ hoặc người nộp đơn có ý kiến xác đáng phản đối về dự định từ chối, và người nộp đơn nộp lệ phí đầy đủ thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thực hiện:
Thông báo kết quả thẩm định nội dung, trong đó nêu rõ dự định cấp văn bằng bảo hộ đối với toàn bộ hoặc phần đáp ứng điều kiện bảo hộ và ấn định thời hạn để người nộp đơn nộp phí, lệ phí hoặc có ý kiến phản đối về kết quả thẩm định nội dung;
Quyết định cấp văn bằng bảo hộ và ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp nếu người nộp đơn nộp phí, lệ phí.
Các điểm mới về đăng ký chỉ dẫn địa lý theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022
Chỉ dẫn địa lý đồng âm
Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 đã chỉnh sửa về kỹ thuật khái niệm chỉ dẫn địa lý tại khoản 22 nhằm bảo đảm sự hợp lý về cách diễn đạt mà không thay đổi nội hàm. Đồng thời, Luật mới cũng bổ sung khoản 22a về khái niệm chỉ dẫn địa lý đồng âm tại Điều 4. Theo đó, khái niệm Chỉ dẫn địa lý đồng âm là một khái niệm hoàn toàn mới, được áp dụng từ năm 2023 dưới định nghĩa sau:
“Điều 4. Giải thích từ ngữ
22a. Chỉ dẫn địa lý đồng âm là các chỉ dẫn địa lý có cách phát âm hoặc cách viết trùng nhau.”
Đồng thời với khái niệm này, điều kiện bảo hộ đối với các Chỉ dẫn địa lý đồng âm cũng được bổ sung tại khoản 2 Điều 79, cụ thể bao gồm các tiêu chí sau:
Được sử dụng trên thực tế theo cách thức không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc địa lý của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý;
Bảo đảm nguyên tắc đối xử công bằng giữa các tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý đó.
Theo đó, hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý đồng âm cần bổ sung tài liệu thuyết minh về điều kiện sử dụng và cách thức trình bày chỉ dẫn địa lý để bảo đảm khả năng phân biệt giữa các chỉ dẫn địa lý.
Quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý nước ngoài
Để phù hợp với cam kết trong EVFTA và thực tiễn, Luật mới đã bổ sung quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý nước ngoài của tổ chức, cá nhân nước ngoài là chủ thể quyền đối với chỉ dẫn địa lý theo pháp luật của nước xuất xứ tại Việt Nam tại khoản 2 Điều 88. Việc đăng ký đơn dưới dạng đề nghị quốc tế được thực hiện theo Điều 120a mới được bổ sung tại Luật Sở hữu trí tuệ.
Trường hợp chỉ dẫn địa lý nước ngoài không còn được bảo hộ ở nước xuất xứ được bổ sung thành một căn cứ để chấm dứt toàn bộ hoặc một phần hiệu lực văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo Điều 95.1(k) Luật Sở hữu trí tuệ.
Văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý
Để phù hợp với EVFTA và thực tiễn, Điều 92.2 của Luật mới đã bỏ đi quy định thông tin về “tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý” là một nội dung được ghi nhận trong văn bằng bảo hộ.
Đồng thời, các quy định về sửa đổi văn bằng bảo hộ tại Điều 97 của Luật mới cũng có bổ sung liên quan đến người có quyền yêu cầu sửa đổi và thông tin được phép thay đổi, sửa chữa thiếu sót. Cụ thể, các “tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý theo quy định tại Điều 88” cũng có quyền yêu cầu sửa đổi tương tự như đối với chủ văn bằng bảo hộ. Bên cạnh các nội dung liên quan đến tên và địa chỉ thì Luật mới cũng cho phép việc sửa đổi nội dung về (i) quốc tịch và (ii) tên của tác giả, chủ văn bằng, tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý để phù hợp với những nội dung cập nhật về quyền đăng ký, quyền yêu cầu sửa đổi ở trên.
Quyền quản lý chỉ dẫn địa lý
Liên quan đến việc thực hiện quyền quản lý, Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện quyền này tại Điều 37, 38 Nghị định 65/2023/NĐ-CP để phân định rõ vai trò quản lý nhà nước và vai trò của chủ sở hữu tài sản là Nhà nước tại Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ.
Bỏ quy định về tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền cho phép người khác sử dụng tại Điều 123.2(a) Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, các chủ thể được trao quyền sử dụng, quản lý chỉ dẫn địa lý hiện nay chỉ có quyền ngăn cấm người khác sử dụng theo quy định của pháp luật để phù hợp với quy định sửa đổi của Điều 121 về chủ sở hữu chỉ dẫn địa lý.
Dịch vụ của Luật Việt An về thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý
Tư vấn pháp luật về thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý;
Soạn thảo hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý;
Nộp hồ sơ và theo dõi tiến trình tại Cục Sở hữu trí tuệ;
Trao đổi, cung cấp thông tin cho khách hàng trong tiến trình làm thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý.
Mọi khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý, xin vui lòng liên hệ với Công ty Luật Việt An để được tư vấn!