Nghị định 65/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp mới ban hành và có hiệu lực ngày 23/08/2023 đã thay thế nhiều quy định về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022.
Những điểm mới lưu ý khi kê khai đăng ký sáng chế theo mẫu mới
Cập nhật thông tin người nộp đơn
Trong mẫu tờ khai mới đã thống nhất người có quyền khai và nộp đơn được gọi là Người nộp đơn thay vì Chủ đơn như trước kia.
Mẫu đơn mới cũng bổ sung thêm thông tin về giấy tờ xác minh nhân thân người nộp đơn trong trường hợp là cá nhân: số căn cước công dân.
Quy định về hình thức bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích
Khác với mẫu đơn cũ khi tách riêng việc chọn cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích ra một mục “Chuyển đổi đơn” ở trang thứ hai của tờ khai, thì mẫu đơn mới đã tích hợp ngay ở mục đầu tiên của tờ khai.
Theo đó, khi người nộp đơn điền tờ khai, phải chú ý đánh dấu chọn hình thức xem xét đơn và cấp bằng theo yêu cầu của mình, tránh bỏ quên ô này. Người nộp đơn có thể lựa chọn:
Bằng độc quyền sáng chế (bản điện tử hoặc bản giấy).
Bằng độc quyền giải pháp hữu ích (bản điện tử hoặc bản giấy).
Sự khác nhau cơ bản giữa hai bằng độc quyền này được thể hiện như sau:
Tiêu chí
Sáng chế
Giải pháp hữu ích
Hình thức bảo hộ
Chủ sở hữu sáng chế khi đăng ký bảo hộ sẽ được cấp Bằng độc quyền sáng chế.
Chủ sở hữu giải pháp hữu ích khi đăng ký bảo hộ được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Điều kiện bảo hộ
Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện bao gồm:
Có tính mới;
Có trình độ sáng tạo;
Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu đáp ứng các điều kiện:
Không phải hiểu biết thông thường;
Có tính mới;
Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Thời hạn bảo hộ
Thời hạn bảo hộ sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn hợp lệ.
Thời hạn bảo hộ sáng chế dưới hình thức Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn hợp lệ
Về hình thức bằng độc quyền, đồng thời với việc Nghị định 65/2023/NĐ-CP bổ sung quy định về việc cấp Văn bằng bảo hộ độc quyền sáng chế hoặc giải pháp hữu ích dưới dạng điện tử hoặc dạng giấy.
Đối với các đơn đăng ký xác lập quyền nộp từ ngày 23 tháng 08 năm 2023 (ngày có hiệu lực thi hành) thì phải áp dụng quy định của Nghị định này, theo đó Văn bằng bảo hộ độc quyền dạng giấy chỉ được cấp trong trường hợp người nộp đơn tích chọn yêu cầu đó trong Tờ khai đăng ký sáng chế theo mẫu mới (quy định tại Điều 29.1 của Nghị định 65/2023/NĐ-CP).
Thêm thông tin về quyền đăng ký sáng chế của nhà nước
Trường hợp sáng chế là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, các thông tin cần khai báo bao gồm:
Tên cơ quan quản lý nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Tên nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Mã số nhiệm vụ khoa học và công nghệ
Lưu ý về phân loại sáng chế
Việc phân loại sáng chế được cập nhật theo phiên bản phân loại IPC mới nhất được cơ quan quản lý nhà nước công bố. Hiện nay, Cục Sở hữu trí tuệ đang sử dụng Bảng phân loại quốc tế về sáng chế IPC (theo thỏa ước Strasbourg về phân loại sáng chế quốc tế) phiên bản 2020.1 theo Công báo Sở hữu công nghiệp số 380 tập B – Quyển 1 (11.2019).
Việc phân loại được thực hiện đầy đủ bao gồm phần – lớp – phân lớp – nhóm chính hoặc phụ.
Việc phân loại sáng chế rất quan trọng trong việc xác định phạm vi bảo hộ và xác định tính mới, một trong ba tiêu chí của điều kiện bảo hộ sáng chế. Trường hợp người nộp đơn hoặc đại diện của người nộp đơn không tự phân loại hoặc phân loại không chính xác thì cơ quản quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp (Cục Sở hữu trí tuệ) sẽ thực hiện việc này và người nộp đơn hoặc đại diện của người nộp đơn phải nộp phí phân loại theo quy định.
Do vậy, trường hợp người nộp đơn không biết cách tra cứu hoặc chưa có kinh nghiệm tra cứu, người nộp đơn nên nhờ tới các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp để được tư vấn và đại diện nộp đơn. Việc phân nhóm này thường được thực hiện ngay từ bước tra cứu sơ bộ sáng chế trước khi nộp đơn, đây là một bước quan trọng nhằm xác định khả năng đăng ký bảo hộ thành công của sáng chế. Việc bỏ qua bước tra cứu sơ bộ có thể khiến người nộp đơn không xác định được liệu sáng chế có đáp ứng điều kiện bảo hộ hay không, dẫn đến văn bằng độc quyền có thể không được cấp, gây lãng phí thời gian và tiền bạc của người nộp đơn.
Yêu cầu chung đối với hình thức của tài liệu kèm theo tờ khai đơn
Theo quy định của Nghị định 65/2023/NĐ-CP:
Mọi tài liệu được trình bày theo chiều dọc (trừ hình vẽ, sơ đồ, bảng biểu), phông chữ Times New Roman không nhỏ hơn cỡ 13, mỗi lề rộng 2cm.
Việc đánh số trang mọi tài liệu theo chữ số Ả-rập.
Cần đóng dấu giáp lai nếu có từ 2 trang trở lên trong trường hợp người nộp đơn hoặc đại diện người nộp đơn là pháp nhân.
Yêu cầu đối với bản mô tả sáng chế
Thông thường, bản mô tả sáng chế sẽ kèm theo bản vẽ minh hoạ. Để bộc lộ sáng chế đáp ứng điều kiện bảo hộ, bản mô tả cần:
Đầy đủ thông tin để đáp ứng khả năng áp dụng công nghiệp.
Làm rõ tính mới của sáng chế và trình độ sáng tạo (nếu yêu cầu được cấp là Bằng độc quyền sáng chế).
Phần mô tả phải gồm các thông tin: tên – lĩnh vực sử dụng – tình trạng kỹ thuật đã có tại thời điểm nộp đơn – mục đích sử dụng – bản chất kỹ thuật tạo nên tính mới sáng chế – bản vẽ đi kèm nếu có – phương án thực hiện sáng chế và các ví dụ đi kèm – lợi ích, hiệu quả đạt được.
Phạm vi bảo hộ là phần quan trọng nhất của bản mô tả, cần được trình bày đầy đủ, súc tích, ngắn gọn các dấu hiệu kỹ thuật trong phạm vi yêu cầu bảo hộ của sáng chế. Phần này được khuyến nghị nên chia thành 2 phần: “Phần giới hạn” (những đặc điểm đã biết, đã có trên thị trường) và “Phần khác biệt” (những đặc điểm tạo nên tính mới của sáng chế). Phần khác biệt chính là phạm vi yêu cầu bảo hộ của sáng chế.
Đơn đăng ký liên quan đến sáng chế dược phẩm phải nếu được kết quả các thử nghiệm lâm sàng và tác dụng dược lý của dược phẩm.
Đơn đăng ký liên quan đến vật liệu sinh học phải có danh mục trình tự gen theo tiêu chuẩn của WIPO, được thể hiện một phần riêng ở cuối bản mô tả.
Những điểm mới trong Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định về đăng ký sáng chế
Tách đơn đăng ký sáng chế
Theo Điều 17 của Nghị định 65/2023/NĐ-CP, người nộp đơn có quyền yêu cầu tách đơn đăng ký sáng chế trước khi có quyết định thẩm định hình thức hoặc thẩm định nội dung. Tuy vậy, việc tách đơn chỉ được chấp nhận trong trường hợp tách một hoặc một số giải pháp kỹ thuật trong đơn đăng ký sáng chế.
Khi thực hiện thủ tục tách đơn đăng ký sáng chế, người nộp đơn phải nộp bản thuyết minh về đối tượng yêu cầu bảo hộ và nội dung thay đổi so với đơn ban đầu.
Rút đơn đăng ký sáng chế
Nghị định mới đã bổ sung quy định về việc Cục Sở hữu trí tuệ phải ban hành thông báo dự định từ chối chấp nhận rút đơn trong trường hợp yêu cầu rút đơn đăng ký sáng chế không đáp ứng điều kiện để người nộp đơn khắc phục tại Điều 17.2.
Trên đây là một số nội dung cập nhật liên quan đến Mẫu Tờ khai đăng ký sáng chế từ ngày 24/08/2023. Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký sáng chế, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.