Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán. Theo đó đây là một tài liệu mà các doanh nghiệp phải lập để trình bày về tình hình kinh doanh và tài chính của mình. Vì vậy đối với những doanh nghiệp chậm nộp sẽ phải chịu mức phạt chậm nộp báo cáo tài chính. Trong bài viết này, Luật Việt An – Đại lý thuế Việt An sẽ tổng hợp các quy định về mức phạt chậm nộp báo cáo tài chính theo quy định pháp luật Việt Nam hiện hành.
Căn cứ pháp lý
Luật Kế toán 2015, sửa đổi bổ sung 2019;
Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;
Nghị đinh 41/2018/NĐ-CP về quy định xử phạt về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP;
Nghị định số 17/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập;
Thông tư 133/2016/TT-BTC hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa;
Thông tư 200/2014/TT-BTC về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp, sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 75/2015/TT-BTC và Thông tư 53/2016/TT-BTC;
Thông tư 166/2013/TT-BTC quy định chi tiết về xử phạt vi phạm hành chính về thuế;
Báo cáo tài chính là gì?
Theo khoản 1 Điều 3 Luật Kế toán 2015 quy định, báo cáo tài chính là “hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán, được trình bày theo mẫu biểu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.”
Hàng năm, doanh nghiệp phải lập báo cáo tài chính theo mẫu cụ thể quy định trong luật và phải lập theo dạng đầy đủ. Báo cáo hành chính hàng năm bao gồm: Bảng cân đối kế toán; báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; báo cáo lưu chuyển tiền tệ; bản thuyết minh báo cáo tài chính.
Báo cáo tài chính hàng năm có thể được tính theo năm dương lịch hoặc kỳ kế toán hàng năm là 12 tháng tròn sau khi thông báo cho cơ quan thuế. Doanh nghiệp được phép thay đổi kỳ kế toán năm tuy nhiên khi thay đổi doanh nghiệp cần phải lập riêng báo cáo tài chính cho giai đoạn giữa hai kỳ kế toán của năm tài chính cũ và năm tài chính mới.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp nhà nước và công ty niêm yết bắt buộc phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ. Đối với các loại hình doanh nghiệp khác được khuyến khích nhưng không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ. Báo cáo tài chính giữa niên độ được hiểu là báo cáo tài chính cho bốn quý của năm tài chính (trong đó quý bốn là quý cuối cùng trong năm) và báo cáo tài chính bán niên
Lưu ý: Tất cả các doanh nghiệp trực thuộc ngành, thành phần kinh tế đều phải lập và trình bày báo cáo tài chính năm. Đối với các công ty (tổng công ty) có đơn vị trực thuộc, ngoài báo cáo tài chính năm thì phải báo cáo tài chính tổng hợp (hợp nhất) vào cuối kỳ kế toán năm, dựa trên báo cáo tài chính của đơn vị trực thuộc.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trực thuộc nhà nước và doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán bên cạnh làm báo cáo tài chính năm thì phải lập báo cáo tài chính giữa niên độ (báo cáo quý -trừ quý IV).
Mức phạt chậm nộp báo cáo tài chính
Căn cứ theo Điều 12 Nghị định 41/2018/NĐ-CP về quy định xử phạt về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP, mức phạt chậm nộp báo cáo tài chính được quy định như sau:
Đối với hành vi nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm dưới 3 tháng so với thời hạn quy định: Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Đối với hành vi nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền chậm từ 03 tháng trở lên so với thời hạn quy định: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Đối với hành vi không nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền: Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Lưu ý: Đây là mức phạt tiền đối với cá nhân. Đối với tổ chức có cùng hành vi mức phạt tiền gấp 02 lần mức phạt tiền cá nhân.
Ngoài ra, chủ thể vi phạm còn phải chịu các biện pháp khắc phục hậu quả buộc lập và trình bày báo cáo tài chính theo đúng chế độ kế toán và chuẩn mực kế toán đối với hành vi vi phạm.
Thời hạn nộp báo cáo tài chính
Căn cứ theo Điều 12 Nghị đinh 41/2018/NĐ-CP về quy định xử phạt về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP, mức phạt chậm nộp báo cáo tài chính được quy định như sau:
Đối với doanh nghiệp nhà nước
Thời hạn nộp báo cáo tài chính quý
Đơn vị kế toán phải nộp báo cáo tài chính quý chậm nhất là 20 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý; Đối với công ty mẹ, Tổng công ty Nhà nước chậm nhất là 45 ngày;
Đơn vị kế toán trực thuộc doanh nghiệp, Tổng công ty Nhà nước nộp báo cáo tài chính quý cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.
Thời hạn nộp báo cáo tài chính năm
Đơn vị kế toán phải nộp báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; Đối với công ty mẹ, Tống công ty nhà nước chậm nhất là 90 ngày;
Đơn vị kế toán trực thuộc Tổng công ty nhà nước nộp Báo cáo tài chính năm cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.
Đối với các loại doanh nghiệp khác
Đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn nộp báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày
Đơn vị kế toán trực thuộc nộp báo cáo tài chính năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn do đơn vị kế toán cấp trên quy định.
Như vậy theo quy định trên, doanh nghiệp nhà nước nộp tờ báo cáo tài chính quý chậm nhất là ngày 20 kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo quý. Chậm nhất ngày thứ 30 kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo năm.
Công ty mẹ, tổng công ty nhà nước chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo quý.
Đơn vị kế toán phụ thuộc Tổng công ty nhà nước phụ thuộc vào thời hạn yêu cầu của Công ty mẹ, Tổng công ty quy đinh.
Doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh nộp báo cáo chậm nhật là 30 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo năm.
Doanh nghiệp khác thời hạn nộp chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc kỳ báo cáo năm.
Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa
Phải lập và gửi báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính cho các cơ quan có liên quan theo quy định.
Ví dụ: Kỳ kế toán năm 2022 là ngày 01/01/2022 – 31/12/2022 thì thời hạn nộp báo cáo tài chính của năm 2022 là 31/3/2023.
Theo đó, báo cáo tài chính là thủ tục bắt buộc doanh nghiệp phải nộp theo đúng thời gian đã quy định và nếu nộp chậm sẽ bị xử phạt theo các quy định đã ban hành. Các doanh nghiệp cần nắm rõ về thời hạn nộp báo cáo tài chính năm và nộp theo đúng thời gian đã quy định và không có gia hạn báo cáo tài chính năm.
Quy định về kiểm toán báo cáo tài chính
Căn cứ theo quy định tại Điều 37, Luật Kiểm toán độc lập ngày 29/03/2011 và Điều 15 của Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/02/2012 hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập thì báo cáo tài chính của các đối tượng sau đây bắt buộc phải kiểm toán
Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
Tổ chức tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
Doanh nghiệp nhà nước, trừ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định.
Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước, trừ các dự án trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định.
Doanh nghiệp, tổ chức mà các tập đoàn, tổng công ty mà Nhà nước nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính.
Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
Doanh nghiệp mà các tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính.
Báo cáo tài chính hàng năm của dự án tài trợ bằng nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi (phải được kiểm toán bởi Kiểm toán nhà nước hoặc Kiểm toán độc lập theo thỏa thuận với nhà tài trợ theo Điều 26, Thông tư số 218/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính).
Trường hợp không thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính theo quy định doanh nghiệp và đơn vị có thể bị phạt tiền từ từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng theo Khoản 3, Điều 53, Nghị định số 41/2018/NĐ-CP ngày 12/03/2018 của Chính phủ.
Nơi nộp báo cáo tài chính
Điều 110 Thông tư 200/2014/TT – BTC về hướng dẫn chế độ kế toán doanh nghiệp quy định về nơi nhận báo cáo tài chính như sau:
Đối với các doanh nghiệp Nhà nước
Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Đối với doanh nghiệp Nhà nước Trung ương
Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp)
Đối với các loại doanh nghiệp Nhà nước khác
Bộ Tài chính (Vụ Tài chính ngân hàng hoặc Cục Quản lý giám sát bảo hiểm)
Đối với các công ty kinh doanh chứng khoán và công ty đại chúng
Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán.
Đối với các doanh nghiệp mà pháp luật quy định phải kiểm toán Báo cáo tài chính
Cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cấp trên
Đối với cơ quan tài chính mà doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI)
Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở kinh doanh chính
Đối với các doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ
Cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện quyền của chủ sở hữu theo Nghị định số 99/2012/NĐ – CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế
Doanh nghiệp có đơn vị kế toán cấp trên
Đơn vị kế toán cấp trên theo quy định của đơn vị kế toán cấp trên
Các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có trụ sở nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao
Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nếu được yêu cầu