Nghị định 37/2015/NĐ-CP làm rõ được các loại hợp đồng, phân định được quyền, nghĩa vụ của các chủ thể tham gia hợp đồng và các chủ thể liên quan, tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm trên, một số quy định hiện nay đã không còn đáp ứng được nhu cầu thực tiễn và cũng không phù hợp với các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật Xây dựng năm 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Chính vì vậy, Nghị định 50/2021/NĐ-CP, được ban hành vào ngày 01/4/2021 đã sửa đổi bổ sung một số điều Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết về hợp đồng xây dựng. Mục đích của nghị định là để cải thiện các điều khoản về hợp đồng xây dựng, quy trình thực hiện, trách nhiệm của các bên trong quá trình xây dựng, từ đó nâng cao hiệu quả công tác quản lý dự án và đảm bảo chất lượng công trình. Nghị định 50/2021/NĐ-CP bắt đầu hiệu lực từ ngày ký, tức ngày 01/4/2021. Sau đây, Luật Việt An sẽ phân tích một số nội dung đáng chú ý của Nghị định 50/2021/NĐ-CP – Nghị định quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng.
Phạm vi điều chỉnh của Nghị định quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng
Nghị định 37/2015/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 50/2021/NĐ-CP áp dựng với các dự án đầu tư xây dựng có sử dụng vốn nhà nước. Do vậy, các dự án chỉ sử dụng vốn tư nhân có thể áp dụng hoặc lựa chọn không áp dụng theo ý chí các bên. Điều 1 của Nghị định ghi rõ:
“Khuyến khích các tổ chức, cá nhân liên quan đến hợp đồng xây dựng thuộc các dự án đầu tư xây dựng sử dụng các nguồn vốn khác áp dụng quy định tại Nghị định này.”
Những nội dung mới được sửa đổi bởi Nghị định 50/2021/NĐ-CP
– Nghị định quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Nghị định 37/2015/NĐ-CP như sau:
Sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng.
Điều chỉnh tên gọi một số loại Hợp đồng xây dựng.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng xây dựng
Sửa đổi phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
Nghị định 50/2021/NĐ-CP đã ghi nhận lại phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng thống nhất với các Luật Đầu tư công, Luật đầu tư, Luật Xây dựng sửa đổi… bằng cách chuyển hóa là các thuật ngữ truyền thống sang các thuật ngữ mới như: “vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công”; “dự án PPP”; “đối tác công tư”. Việc thống nhất sử dụng hệ quy chiếu để xác định phạm vi áp dụng là “nguồn vốn” sẽ tạo một bộ khung đồng bộ đối với các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công.
Ngoài ra, Nghị định 50/2021/NĐ-CP đã bổ sung một số loại hợp đồng mới như:
Đối với phân loại theo tính chất, nội dung công việc, bổ sung Hợp đồng xây dựng đơn giản, quy mô nhỏ:
Là hợp đồng xây dựng để thực hiện các gói thầu và có giá trị không vượt quá hạn mức của gói thầu quy mô nhỏ theo pháp luật về đấu thầu (Gói thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa có giá trị gói thầu không quá 10 tỷ đồng; gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá trị gói thầu không quá 20 tỷ đồng);
Nội dung công việc thuộc phạm vi của hợp đồng có tính chất kỹ thuật đơn giản, dễ thực hiện.
Trên tinh thần là đơn giản, quy mô nhỏ và giảm bớt thủ tục không cần thiết, Nghị định quy định rất mở về vấn đề tạm ứng, cụ thể:
Việc tạm ứng hoặc không tạm ứng do bên giao thầu và bên nhận thầu xem xét, thống nhất theo đề nghị của bên nhận thầu.
Chủ đầu tư xem xét, quyết định việc thực hiện bảo lãnh tạm ứng hợp đồng đảm bảo phù hợp với tính chất công việc của hợp đồng.
Đối với phân loại theo hình thức giá hợp đồng, bổ sung:
Hợp đồng theo chi phí cộng phí;
Hợp đồng xây dựng khác.
Việc mở rộng đối tượng áp dụng, bổ sung một số loại hợp đồng mới giúp hợp đồng xây dựng được phân loại rõ ràng hơn, tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng các hình thức hợp đồng khác nhau. Điều này nhằm đảm bảo tính đồng bộ và yêu cầu kỹ thuật trong thực hiện dự án vì Hợp đồng xây dựng trên thực tế rất đa dạng về quy mô, thời gian thực hiện, công việc. Nghị định đã chính thức đưa vào nhóm quy định phân loại hợp đồng xây dựng các loại hợp đồng này và chính thức tạo cơ sở pháp lý rõ ràng đồng thời đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Đặc biệt, 02 loại hợp đồng phân loại theo hình thức giá hợp đồng đã quy định tại Điều 140 của Luật Xây dựng năm 2014, tuy nhiên trên Nghị định 37/2015/NĐ-CP lại không thấy đề cập nên việc bổ sung của Nghị định 50/2021/NĐ-CP là phù hợp, tạo sự thống nhất tránh gây lúng túng cho việc áp dụng và thực thi pháp luật trên thực tế.
Điều chỉnh tên gọi một số loại Hợp đồng xây dựng
Khoản 2 Điều 1 Nghị định 50/2021/NĐ-CP đã khái niệm lại và đưa ra định nghĩa có tính định lượng lại về loại “Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ” thành “Hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị”, từ đó điều chỉnh lại tên gọi của một số loại hợp đồng xây dựng sau:
“Hợp đồng thiết kế và cung cấp thiết bị công nghệ” đổi thành “Hợp đồng thiết kế và mua sắm vật tư, thiết bị” (EP);
“Hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình” đổi thành “Hợp đồng mua sắm vật tư, thiết bị và thi công xây dựng công trình” (PC);
“Hợp đồng thiết kế – cung cấp thiết bị công nghệ và thi công xây dựng công trình” đổi thành “Hợp đồng thiết kế – mua sắm vật tư, thiết bị – thi công xây dựng công trình” (EPC).
Trong đó đặc biệt đối với hợp đồng EPC, Nghị định 50/2021/NĐ-CP đã hướng dẫn cụ thể và đầy đủ hơn về các nội dung:
Hợp đồng EPC được ưu tiên áp dụng đối với dự án phức tạp, có yêu cầu kỹ thuật, công nghệ cao và phải tuân thủ chặt chẽ tính đồng bộ, thống nhất từ khâu thiết kế đến khâu cung cấp thiết bị, thi công, đào tạo chuyển giao công nghệ;
Trước khi quyết định áp dụng loại hợp đồng EPC, người quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức đánh giá các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ, rút ngắn thời gian thực hiện của dự án, tính đồng bộ từ khâu thiết kế, cung cấp thiết bị, thi công xây dựng công trình đến khâu đào tạo vận hành, chuyển giao công trình để đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của dự án được phê duyệt và đảm bảo tính khả thi của việc áp dụng hợp đồng EPC so với các loại hợp đồng khác.
Ngoài ra, bởi có quy định bổ sung liên quan đến việc áp dụng Hợp đồng EPC nên Nghị định 50/2021/NĐ-CP cũng đã có những quy định mới liên quan đến quyền và trách nhiệm của bên giao thầu, bên nhận thầu EPC cũng như việc quản lý thực hiện loại Hợp đồng này.
Việc bổ sung quy định này tại Nghị định 50/2021/NĐ-CP đã đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật và tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân liên quan áp dụng pháp luật vì trước đó, các tiêu chí này đã được quy định rải rác trong các thông tư, hướng dẫn về việc áp dụng Hợp đồng EPC hay hướng dẫn lập hồ sơ mời thầu gói thầu EPC. Việc quy định cụ thể về Hợp đồng EPC cũng là cơ sở pháp lý, trao quyền chủ động hơn cho các chủ đầu tư dự án.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng
Nghị định 50/2021/NĐ-CP có sự sửa đổi, bổ sung về nguyên tắc điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng như sau:
Đưa ra điều kiện để điều chỉnh đơn giá là ngoài việc thỏa mãn tăng hoặc giảm lớn hơn 20% khối lượng công việc tương ứng ghi trong hợp đồng thì khối lượng công việc thực tế còn phải đồng thời làm thay đổi trên 0,25% giá trị hợp đồng và trên 1% đơn giá của công việc đó.
Trường hợp khối lượng công việc thực tế thực hiện tăng lớn hơn 20% khối lượng công việc tương ứng ghi trong hợp đồng, đơn giá mới chỉ được áp dụng cho phần khối lượng thực tế thực hiện vượt quá 120% khối lượng ghi trong hợp đồng.
Trường hợp khối lượng công việc thực tế thực hiện giảm lớn hơn 20% khối lượng công việc tương ứng ghi trong hợp đồng, đơn giá mới được áp dụng cho toàn bộ khối lượng công việc thực tế hoàn thành được nghiệm thu.
Trường hợp khối lượng thực tế thực hiện tăng hoặc giảm nhỏ hơn hoặc bằng 20% khối lượng công việc tương ứng ghi trong hợp đồng thì áp dụng đơn giá trong hợp đồng, kể cả đơn giá đã được điều chỉnh theo thỏa thuận của hợp đồng (nếu có) để thanh toán.
Việc bổ sung các quy định trên đã tạo cơ sở pháp lý cho việc điều chỉnh đơn giá đối với những hợp đồng thuộc các trường hợp cần có sự điều chỉnh đơn giá hợp đồng xây dựng, đảm bảo quyền lợi cho các bên tham gia.
Sửa đổi, bổ sung các quy định về nguyên tắc điều chỉnh hợp đồng xây dựng
Nghị định 50/2021/NĐ-CP quy định rõ việc điều chỉnh hợp đồng xây dựng được áp dụng trong cả thời gian hợp đồng được gia hạn.
Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, đơn giá hợp đồng được điều chỉnh trong trường hợp:
Nhà nước thay đổi các chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác;
Khi dự án được điều chỉnh có ảnh hưởng đến hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác;
Các trường hợp bất khả kháng theo quy định của pháp luật.
Đối với hợp đồng trọn gói, bổ sung thêm 02 trường hợp được điều chỉnh hợp đồng sau:
Khi Nhà nước thay đổi các chính sách làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác;
Khi dự án được điều chỉnh có ảnh hưởng đến hợp đồng, trừ trường hợp các bên hợp đồng có thỏa thuận khác.
Việc sửa đổi, bổ sung các trường hợp được điều chỉnh hợp đồng đã tạo cơ sở pháp lý dự liệu thêm khả năng hợp đồng được điều chỉnh, mở rộng thời điểm được điều chỉnh hợp đồng để phù hợp với thực tế, khắc phục được những tồn tại, hạn chế nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và nâng cao hiệu quả thực hiện hợp đồng xây dựng cho các bên tham gia.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về Nghị định quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!