Điểm mới Luật sở hữu trí tuệ 2022 liên quan đến kiểu dáng công nghiệp

Hiện nay, Việt Nam đang gia nhập các Hiệp định thương mại thế hệ mới gồm CPTPP, EVFTA và RCEP và để đảm bảo tuân thủ các cam kết quốc tế sau khi gia nhập thì Việt Nam đã sửa đổi khá nhiều quy định liên quan đến các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, trong đó bao gồm cả kiểu dáng công nghiệp vừa được Quốc Hội thông qua ngày 16/6/2022. Dưới đây là một số điểm mới về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của Luật Sở hữu trí tuệ 2022. Bài viết dưới đây Luật Việt An sẽ cung cấp thông tin về các điểm mới của Luật sở hữu trí tuệ 2022 liên quan đến kiểu dáng công nghiệp.

Căn cứ pháp lý

  • Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2019.
  • Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ 2022.

Điểm mới Luật sở hữu trí tuệ 2022 liên quan đến kiểu dáng công nghiệp

Sửa đổi khái niệm “kiểu dáng công nghiệp”

Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đã sửa đổi khái niệm “kiểu dáng công nghiệp” bằng cách bổ sung thêm các cụm từ được liệt kê dưới đây:

(i) bên cạnh “hình dáng bên ngoài của sản phẩm hoàn chỉnh” còn có thể thể hiện dưới dạng “bộ phận để lắp ráp thành sản phẩm phức hợp”;

(ii) hình thức thể hiện ngoài “bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này” và nhìn thấy được trong quá trình khai thác công dụng của sản phẩm hoặc sản phẩm phức hợp.

Tuy nhiên, với việc bổ sung này mới chỉ giúp làm rõ hơn khái niệm kiểu dáng công nghiệp trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành mà không có sự thay đổi về mặt bản chất quy định về kiểu dáng công nghiệp so với trước đây. Việc sửa đổi này  chủ yếu nhằm thi hành nghĩa vụ tại Điều 12.35 Hiệp định EVFTA về bảo hộ một phần/ bộ phận của một sản phẩm hoàn chỉnh và xác định rõ phạm vi bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tạo thuận lợi cho việc xác lập quyền cũng như thực thi quyền kiểu dáng công nghiệp.

Về điều kiện bảo hộ đối với kiểu dáng công nghiệp

Luật Sở hữu trí tuệ 2022 bổ sung thêm Điều 86a quy định về “Quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước”; theo đó quy định về các trường hợp kiểu dáng công nghiệp không bị coi là mất tính mới tại khoản 4 Điều 64 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đã bổ sung thêm người có quyền đăng ký được quy định tại Điều 86a Luật Sở hữu trí tuệ 2022.

Yêu cầu đối với đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Theo Luật Sở hữu trí tuệ 2005, một trong những tài liệu bắt buộc trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp là bản mô tả kiểu dáng công nghiệp. Trong đó, phần mô tả kiểu dáng công nghiệp phải đáp ứng các điều kiện phức tạp.

Tuy nhiên, Luật Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đã sửa đổi theo hướg đơn giản hơn, theo đó, hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp không bắt buộc cần phải có một bản mô tả riêng với các quy định chi tiết như Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định mà thay vào đó chỉ cần bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ, cụ thể như sau:

  • Đối với tài liệu xác định kiểu dáng công nghiệp cần bảo hộ trong đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp sẽ bao gồm bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp và bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ.
  • Bộ ảnh chụp, bản vẽ kiểu dáng công nghiệp cần phải thể hiện đầy đủ các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp yêu cầu bảo hộ đến mức căn cứ vào đó, người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng có thể xác định được kiểu dáng công nghiệp đó.
  • Bản mô tả kiểu dáng công nghiệp được thể hiện trong bộ ảnh chụp, bản vẽ phải liệt kê thứ tự các ảnh chụp, bản vẽ trong bộ ảnh chụp, bản vẽ và các đặc điểm tạo dáng của kiểu dáng công nghiệp.

Các quy định đã được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, cho phép người nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp dễ dàng, thuận tiện hơn trong việc chuẩn bị hồ sơ tài liệu. Thêm vào đó việc sửa đổi quy định giúp làm giảm khối lượng công việc, thời gian cho cơ quan nhà nước.

Về quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Điểm bổ sung được coi là mới và lớn nhất về kiểu dáng công nghiệp là xóa bỏ quy định tại khoản 2 Điều 86 trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành và bổ sung thêm một ngoại lệ quyền đăng ký tại Điều 86a về quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước. Cụ thể tại Điều 86a quy định:

  • Đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí phải là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 86a Luật Sở hữu trí tuệ.
  • Đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ được đầu tư bằng nhiều nguồn vốn, trong đó có một phần ngân sách nhà nước, phần quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách nhà nước được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 86a Luật Sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, sửa đổi trong quy định tại khoản 3 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ 2022, ứng với quy định tại khoản 4 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, cụ thể là thay đổi từ “Người” có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác tại khoản 4 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành thành “Tổ chức, cá nhân” có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân khác tại khoản 3 Điều 86 Luật Sở hữu trí tuệ 2022.

Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định thêm trừ trường hợp kiểu dáng công nghiệp thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, tổ chức nào được giao chủ trì nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước đều sẽ có quyền được đăng ký kiểu dáng công nghiệp đó một cách tự động và không phải bồi hoàn.

Trường hợp kiểu dáng công nghiệp thuộc lĩnh vực quốc phòng và an ninh, quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp đó thuộc về Nhà nước nếu kiểu dáng công nghiệp được tạo ra có sử dụng toàn bộ ngân sách Nhà nước. Nếu kiểu dáng công nghiệp được đóng góp bởi chỉ một phần của ngân sách Nhà nước thì tư cách nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được xác định tương ứng với tỷ lệ phần ngân sách Nhà nước cấp cho quá trình tạo ra kiểu dáng công nghiệp đó.

Nếu kiểu dáng công nghiệp được xác định thuộc về Nhà nước thì việc nộp đơn đăng ký được xác định thông qua đại diện chủ sở hữu nhà nước là một trong ba chủ thể: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC); bộ hoặc cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Đại diện chủ sở hữu nhà nước sẽ phải thông báo công khai trong thời hạn 90 ngày để giao quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu trong các trường hợp:

  • Tổ chức chủ trì không thực hiện nghĩa vụ thông báo;
  • Tổ chức chủ trì có văn bản báo cáo đại diện chủ sở hữu nhà nước về việc không có nhu cầu đăng ký;
  • Tổ chức chủ trì không nộp đơn đăng ký trong thời hạn quy định.

Bên cạnh đó, trường hợp không giao được quyền đăng ký cho tổ chức, cá nhân có nhu cầu, đại diện chủ sở hữu nhà nước sẽ phải công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử hoặc Trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý nhiệm vụ KH&CN về nội dung kiểu dáng công nghiệp.

Ngoài ra, Luật Sở hữu trí tuệ 2022 bổ sung quy định về hạn chế chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ theo đó chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam. Đồng thời tổ chức, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền phải thực hiện các nghĩa vụ tương ứng của tổ chức chủ trì.

Về hiệu lực của Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp

Luật Sở hữu trí tuệ 2022 bổ sung thêm điều khoản về hiệu lực của đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp có chỉ định Việt Nam theo Thỏa ước La Hay. Việc bổ sung này nhằm đảm bảo sự phù hợp với thực tế và cần thiết bởi ngày 30/9/2019, Việt Nam đã chính thức nộp đề nghị gia nhập Thoả ước La Hay và đến 30/12/2019, Thoả ước này chính thức có hiệu lực tại Việt Nam.

Về công bố đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Điều 112a Luật Sở hữu trí tuệ 2022 bổ sung quy định liên quan đến đối tượng kiểu dáng công nghiệp cụ thể quy định về phản đối đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp cùng với thời hạn phản đối đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, cụ thể là thời hạn này là bốn tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố và ý kiến phản đối phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí.

Việc bổ sung quy định nhằm đẩy nhanh tiến độ xử lý đơn, đồng thời để phù hợp với thực tiễn là việc xem xét ý kiến phản đối đơn không thể tách rời với quá trình xử lý đơn.

Về chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp

Luật Sở hữu trí tuệ 2022 bổ sung thêm tổ chức, cá nhân có kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận là chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp so với Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành vì Việt Nam đã là thành viên của Thỏa ước La Hay.

Quy định mới về điều kiện cá nhân hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp

Bổ sung quy định tại Khoản 61 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ 20222 về điều kiện cá nhân được phép hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp, theo đó cá nhân cần đáp ứng các điều kiện bao gồm:

  • Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp;
  • Hoạt động cho một tổ chức dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp.

Ngoài ra, cá nhân đáp ứng các điều kiện nhất định sẽ được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp. So với Luật cũ, Luật 2022 bổ sung thêm tiêu chí sau:

  • Có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương đối với trường hợp hành nghề trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh; có bằng cử nhân hoặc văn bằng trình độ tương đương chuyên ngành khoa học tự nhiên hoặc khoa học kỹ thuật đối với trường hợp hành nghề trong lĩnh vực sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí;
  • Công dân Việt Nam là luật sư được phép hành nghề theo quy định của Luật Luật sư, thường trú tại Việt Nam thì được cấp Chứng chỉ hành nghề dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong lĩnh vực nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, chống cạnh tranh không lành mạnh, bí mật kinh doanh nếu đã tốt nghiệp khóa đào tạo pháp luật về sở hữu công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền công nhận.

Việc quy định cụ thể về chuyên ngành đào tạo so với yêu cầu chỉ “Có bằng tốt nghiệp đại học” như luật cũ giúp đảm bảo chất lượng của dịch vụ đại diện sở hữu công nghiệp trong các lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao về khoa học kỹ thuật/ khoa học tự nhiên như kiểu dáng công nghiệp hay sáng chế.

Xử lý vi phạm

Luật Sở hữu trí tuệ 2022 bổ sung quy định pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự khác với trước đây chỉ cá nhân phải chịu trách nhiệm hình sự. Quy định về các hình thức xử phạt hành chính và biện pháp khắc phục hậu quả được chỉnh lý kỹ thuật theo hướng dẫn chiếu đến các quy định của pháp luật xử lý vi phạm hành chính.

Một số câu hỏi liên quan

Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thì có bị chịu trách nhiệm hình sự không?

Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Căn cứ phản đối đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp?

Văn bản nêu ý kiến phản đối hoặc đơn phản đối cấp đối với kiểu dáng công nghiệp xin đăng ký có thể viện dẫn và chứng minh một trong năm căn cứ pháp lý:

  • Đối tượng xin bảo hộ không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ;
  • Người nộp đơn không có quyền đăng ký kiểu dáng công nghiệp;
  • Đối tượng xin bảo hộ tuy đáp ứng được các điều kiện bảo hộ nhưng không phải là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất;
  • Có nhiều hơn một đơn kiểu dáng công nghiệp xin đăng ký trùng hoặc không khác biệt đáng kể với nhau được nộp cùng ngày bởi nhiều hơn một người nộp đơn mà các chủ thể này không thỏa thuận được rút một đơn đăng ký;
  • Việc sửa đổi, bổ sung đơn làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn.

Căn cứ hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp?

Kiểu dáng công nghiệp được cấp có thể bị hủy bỏ hiệu lực một phần hoặc toàn bộ bởi bất kỳ bên thứ ba nếu rơi vào một trong ba trường hợp:

  • Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được chuyển nhượng quyền đăng ký đối với kiểu dáng công nghiệp;
  • Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ như tính mới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp; hoặc đối tượng yêu cầu bảo hộ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng;
  • Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn.

Trên đây là những điểm mới Luật sở hữu trí tuệ 2022 liên quan đến kiểu dáng công nghiệp được chúng tôi tổng hợp. Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về dịch vụ đăng ký kiểu dáng công nghiệp xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.

Mục lục

Bài viết liên quan

Mục lục
Ẩn

    Tư vấn sở hữu trí tuệ

    Tư vấn sở hữu trí tuệ

    Văn bản pháp luật

    Văn bản pháp luật

    Tư vấn pháp luật

    Tư vấn luật

    LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT VIỆT AN

    Tư vấn doanh nghiệp: 09 79 05 77 68
    Tư vấn doanh nghiệp
    Tư vấn sở hữu trí tuệ: 0976 18 66 08
    Tư vấn sở hữu trí tuệ
    Tư vấn đầu tư: 09 13 380 750
    Tư vấn đầu tư

    TỔNG ĐÀI PHÍA BẮC

    Hotline: 09 61 37 18 18
    (Whatsapp, Zalo, Viber) hanoi@vietanlaw.vn Skype IconSkype Chat
    Tư vấn kế toán - thuế: 09 888 567 08
    Dịch vụ kế toán thuế
    Tư vấn giấy phép: 0966 83 66 08
    Tư vấn giấy phép
    Tư vấn hợp đồng: 0913 380 750
    Tư vấn hợp đồng

    TỔNG ĐÀI PHÍA NAM

    Hotline: 09 61 57 18 18

    (Whatsapp, Zalo, Viber)
    hcm@vietanlaw.vn
    Skype IconSkype Chat

    Liên hệ tư vấn
    Cảnh báo lừa đảo
    CẢNH BÁO MẠO DANH CÔNG TY LUẬT VIỆT AN LỪA ĐẢO