Điểm mới trong hướng dẫn Luật Đầu tư công năm 2025
Ngày 08/4/2025, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng đã ký, ban hành Nghị định số 85/2025/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công. Nghị định làm rõ các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phân loại dự án đầu tư công; ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công và các quy định khác liên quan đến quản lý đầu tư công. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách hàng những tư vấn pháp lý khái quát về điểm mới trong hướng dẫn Luật Đầu tư công năm 2025.
Khái quát về Nghị định 85/2025/NĐ-CP
Phạm vi điều chỉnh
Nghị định 85/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư công về các nội dung sau:
Trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư đối với đối tượng cấp bù lãi suất tín dụng ưu đãi, phí quản lý; cấp vốn điều lệ cho các ngân hàng chính sách, quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; hỗ trợ đầu tư cho các đối tượng khác.
Điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc bố trí vốn để ủy thác thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Phân loại dự án đầu tư công.
Ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công.
Phân cấp thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án có sử dụng vốn ngân sách địa phương
Nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C tại nước ngoài.
Hồ sơ, trình tự, thủ tục, nội dung điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án; các trường hợp dừng chủ trương đầu tư chương trình, dự án và trình tự, thủ tục thực hiện.
Nguyên tắc, thẩm quyền, nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án đầu tư công tại nước ngoài.
Nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định điều chỉnh chương trình, dự án, hồ sơ quyết định chương trình, dự án, nội dung, thời gian thẩm định, quyết định chương trình, dự án.
Thời gian bố trí vốn thực hiện dự án.
Trình tự lập, phê duyệt, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn/hàng năm vốn ngân sách nhà nước, vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư.
Báo cáo cấp có thẩm quyền tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công, theo dõi, kiểm tra, đánh giá kế hoạch đầu tư công.
Quản lý thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch và dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng.
Quyết định chủ trương đầu tư dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập có thời gian thực hiện trong 02 kỳ kế hoạch trung hạn liên tiếp.
Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công.
Điểm mới trong hướng dẫn Luật Đầu tư công năm 2025 (cụ thể tại Nghị định 85/2025/NĐ-CP)
Quy định ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công
Nghị định quy định 13 ngành, lĩnh vực được sử dụng vốn đầu tư công. Theo đó, vốn đầu tư công được bố trí cho các đối tượng đầu tư công theo quy định của Luật Đầu tư công và được phân theo ngành, lĩnh vực: Quốc phòng, an ninh; giáo dục, y tế, khoa học – công nghệ; văn hóa, thể thao, phát thanh – truyền hình; môi trường, tài nguyên; nông nghiệp, công nghiệp, giao thông, thương mại, viễn thông, công nghệ thông tin; hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội (các nhiệm vụ, chương trình, dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị của các cơ sở điều dưỡng, phục hồi chức năng, nuôi dưỡng người có công; hỗ trợ việc làm; xây dựng, cải tạo, nâng cấp các cơ sở chăm sóc người già neo đơn, trẻ mồ côi không nơi nương tựa; xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp; chăm sóc, điều dưỡng sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp; cơ sở hỗ trợ hoạt động thanh thiếu niên, phụ nữ, nông dân; xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình ghi công liệt sĩ; cơ sở cai nghiện và trợ giúp xã hội khác; nhà lưu trú cho người lao động); lĩnh vực an sinh xã hội và các nhiệm vụ, chính sách đặc thù theo quyết định của Chính phủ hoặc Thủ tướng. Nghị định nhấn mạnh việc đầu tư tập trung, hiệu quả, ưu tiên các công trình thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng an ninh và an sinh xã hội. Việc quy định ngành, lĩnh vực được sử dụng vốn đầu tư công cụ thể sẽ tạo cơ sở pháp lý soi chiếu để việc thực hiện, áp dụng có hiệu quả.
Phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư
Nghị định 85/2025/NĐ-CP phân định rõ thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư giữa các cấp:
Đối với chương trình, dự án thuộc cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do bộ, cơ quan trung ương quản lý: Người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án nhóm A, B, C thuộc cơ quan nhà nước cấp mình quản lý; chương trình, dự án nhóm A của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tự đảm bảo chi thường xuyên; chương trình, dự án nhóm A, B của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc khác, trừ các đơn vị được quy định tại điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 85/2025/NĐ-CP.
Đối với chương trình, dự án thuộc cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do địa phương quản lý: Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư các chương trình, dự án nhóm A, B, C của cơ quan nhà nước thuộc cấp mình quản lý; chương trình, dự án nhóm A của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tự đảm bảo chi thường xuyên; chương trình, dự án nhóm A, B của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc khác, trừ các đơn vị được quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Nghị định 85/2025/NĐ-CP.
Đây là một điểm mới so với Nghị định 40/2020/NĐ-CP trước kia, khi phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương dự án đầu tư nhóm A, B, C do địa phương quản lý cho Ủy ban nhân dân các cấp, chuyển thẩm quyền của Hội đồng nhân dân các cấp sang UBND các cấp. Trước đây thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư các nhóm dự án thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh. Tuy nhiên theo quy định của Luật đầu tư công mới Hội đồng nhân tỉnh chỉ quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình đầu tư công và dự án nhóm A, còn lại các dự án nhóm B, C thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, đây là thay đổi rất lớn thể hiện tính đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong xây dựng pháp luật.
Quy định về thời gian thẩm định chương trình, dự án đầu tư công
Nghị định quy định thời gian thẩm định chương trình, dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng kể từ ngày cơ quan chủ trì thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ như sau:
Chương trình mục tiêu quốc gia: Không quá 40 ngày làm việc.
Chương trình đầu tư công (không bao gồm chương trình mục tiêu quốc gia): Không quá 30 ngày làm việc.
Dự án nhóm A: Không quá 30 ngày làm việc.
Dự án nhóm B, C: Không quá 20 ngày làm việc.
Việc thẩm định thời gian cho chương trình và dự án đầu tư công không chỉ đảm bảo tính khả thi và đúng tiến độ mà còn đảm bảo hiệu quả và sự thành công của những dự án này. Nhằm tăng sự hiệu quả của quá trình thẩm định, Nghị định 85/2025/NĐ-CP đã rút ngắn thời gian so với Nghị định 40/2020/NĐ-CP.
Hướng dẫn chi tiết trình tự, thủ tục điều chỉnh chương trình, dự án
Trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, nhà đầu tư có quyền điều chỉnh mục tiêu, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư, sáp nhập các dự án hoặc chia, tách một dự án thành nhiều dự án, sử dụng quyền sử dụng đất, tài sản trên đất thuộc dự án đầu tư để góp vốn thành lập doanh nghiệp, hợp tác kinh doanh hoặc các nội dung khác và phải phù hợp với quy định của pháp luật. Nghị định 85/2025/NĐ-CP quy định chi tiết về trình tự, thủ tục điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư công, bao gồm:
Trình tự thẩm định, quyết định điều chỉnh chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công do Chính phủ hoặc Hội đồng nhân dân quyết định chủ trương đầu tư.
Trình tự, thủ tục thẩm định, quyết định điều chỉnh dự án có hoặc không có cấu phần xây dựng.
Hồ sơ trình cấp có thẩm quyền quyết định điều chỉnh chương trình, dự án.
Việc quy định rõ trình tự, thủ tục điều chỉnh chương trình, dự án đầu tư công như trên sẽ tạo ra cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và áp dụng trên thực tiễn.
Hướng dẫn cụ thể cho dự án không có cấu phần xây dựng
Nghị định dành riêng Chương IV (từ Điều 26 đến Điều 36) để quy định chi tiết về trình tự, thủ tục lập, thẩm định, quyết định và quản lý các dự án đầu tư công không có cấu phần xây dựng, như mua sắm thiết bị, công nghệ, đào tạo chuyển giao. Dự án không có cấu phần xây dựng là dự án sử dụng vốn đầu tư công để mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định. Việc Nghị định số 85/2025/NĐ-CP quy định cụ thể nội dung nêu trên giúp phân biệt rõ với các dự án có cấu phần xây dựng và đảm bảo quy trình thực hiện phù hợp với đặc thù của từng loại dự án.
Bên cạnh đó, Nghị định số 85/2025/NĐ-CP cũng quy định chi tiết điều kiện, tiêu chí, nguyên tắc bố trí vốn ngân sách địa phương để ủy thác thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư; trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư…
Trên đây là phân tích về điểm mới trong hướng dẫn Luật Đầu tư công năm 2025. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn các quy định của pháp luật, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!