Nghị định 65/2023/NĐ-CP mới ban hành và có hiệu lực ngày 23/08/2023 đã thay thế nhiều quy định về bảo hộ và thực thi quyền sở hữu công nghiệp theo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022. Trong đó, Mẫu Tờ khai đăng ký nhãn hiệu từ ngày 24/08/2023 cũng được thay thế với những cập nhật sẽ được Luật Việt An mô tả trong bài viết sau đây.
Trong mẫu tờ khai mới đã thống nhất người có quyền khai và nộp đơn được gọi là Người nộp đơn thay vì Chủ đơn như trước kia.
Mẫu đơn mới cũng bổ sung thêm thông tin về giấy tờ xác minh nhân thân người nộp đơn trong trường hợp là cá nhân: số căn cước công dân.
Quy định về hình thức Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Khác với mẫu đơn cũ khi tách riêng việc chọn cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu ra một mục “Chuyển đổi đơn” ở trang thứ hai của tờ khai, thì mẫu đơn mới đã tích hợp ngay ở mục đầu tiên của tờ khai. Theo đó, khi người nộp đơn điền tờ khai, phải chú ý đánh dấu chọn hình thức xem xét đơn và cấp bằng theo yêu cầu của mình, tránh bỏ quên ô này.
Về hình thức bằng độc quyền, đồng thời với việc Nghị định 65/2023/NĐ-CP bổ sung quy định về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (hay còn gọi là Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu) dưới dạng điện tử hoặc dạng giấy.
Đối với các đơn đăng ký xác lập quyền nộp từ ngày 23 tháng 08 năm 2023 (ngày có hiệu lực thi hành của Nghị định 65/2023/NĐ-CP) thì phải áp dụng quy định của Nghị định này, theo đó Văn bằng bảo hộ dạng giấy chỉ được cấp trong trường hợp người nộp đơn tích chọn yêu cầu đó trong Tờ khai đăng ký nhãn hiệu theo mẫu mới (quy định tại Điều 29.1 của Nghị định 65/2023/NĐ-CP).
Bổ sung đăng ký nhãn hiệu dưới dạng âm thanh
Nhãn hiệu âm thanh được thể hiện dưới dạng đồ họa là một hình thức nhãn hiệu mới được bổ sung tại Điều 72 của Luật Sở hữu trí tuệ 2022 nhằm thể chế hóa các cam kết quốc tế về bảo hộ các nhãn hiệu phi truyền thống trong CPTPP và EVFTA. Như vậy, khác với quy định trước kia, nhãn hiệu phải “nhìn thấy được” thì nay dấu hiệu “âm thanh” cũng sẽ được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tại Việt Nam.
Tuy vậy, theo quy định tại Điều 105 Luật Sở hữu trí tuệ 2022, người nộp đơn phải nộp kèm theo hình ảnh đồ họa của nhãn hiệu âm thanh đó và bản ghi âm từ tính để có căn cứ bảo hộ nhãn hiệu trên thực tế. Nghị định 65/2023/NĐ-CP cũng hướng dẫn khi nộp tài liệu kèm theo đơn đăng ký nhãn hiệu âm thanh thì:
“[…] mẫu nhãn hiệu phải là tệp âm thanh định dạng kỹ thuật số .MP3 với dung lượng không quá 3 MB và bản thể hiện dưới dạng đồ họa của âm thanh, cụ thể là được thể hiện bằng khuông nhạc 5 dòng kẻ”.
Tức là, tại Việt Nam, việc bảo hộ một nhãn hiệu vô hình như âm thanh vẫn chưa thực sự được công nhận hoàn toàn mà vẫn cần một bằng chứng hữu hình “nhìn thấy được” (hình ảnh đồ họa âm thanh) để có căn cứ bảo hộ trên thực tế.
Cùng với sự cập nhật bổ sung của nhãn hiệu âm thanh thì Luật mới sửa đổi cũng không còn quy định cơ chế bảo hộ đối với nhãn hiệu liên kết. Như vậy, người nộp đơn không còn được đăng ký cho nhiều nhãn hiệu trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau. Thay vào đó, các nhãn hiệu này vẫn phải đáp ứng khả năng phân biệt.
Trong mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu mới, ô lựa chọn “Loại nhãn hiệu yêu cầu đăng ký” có sự thay đổi như sau:
Trước 24/08/2023
Sau 24/08/2023
Nhãn hiệu tập thể
Nhãn hiệu liên kết
Nhãn hiệu chứng nhận
Nhãn hiệu tập thể
Nhãn hiệu chứng nhận
Nhãn hiệu âm thanh
Nhãn hiệu ba chiều
Như vậy, trong tờ khai tại Mục “Loại nhãn hiệu yêu cầu đăng ký” trong tờ khai, người nộp đơn cần xác định rõ loại nhãn hiệu đăng ký.
Lưu ý về phân loại nhãn hiệu
Người nộp đơn cần Ghi tuần tự từng nhóm theo Bảng phân loại quốc tế về hàng hoá, dịch vụ theo Thoả ước Ni-xơ (Bảng phân loại Nice). Bắt đầu từ đầu năm 2023, Cục Sở hữu trí tuệ sử dụng phiên bản Nice số 12-2023.
Việc phân loại đúng nhãn hiệu là rất quan trọng do nó cấu thành phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu đó. Nếu người nộp đơn không tự phân loại hoặc phân loại không chính xác thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp sẽ thực hiện việc này và người nộp đơn phải nộp phí phân loại theo quy định. Biểu phí hiện hành quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC là 100.000 đồng đối với mỗi nhóm có trên 6 sản phẩm/ dịch vụ phải nộp thêm cho mỗi sản phẩm/ dịch vụ thứ 7 trở đi 20.000 đồng.
Do vậy, trường hợp người nộp đơn không biết cách tra cứu hoặc chưa có kinh nghiệm tra cứu, người nộp đơn nên nhờ tới các tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp để được tư vấn và đại diện nộp đơn. Việc phân nhóm này thường được thực hiện ngay từ bước tra cứu sơ bộ nhãn hiệu trước khi nộp đơn, đây là một bước quan trọng nhằm xác định khả năng đăng ký bảo hộ thành công của nhãn hiệu. Việc bỏ qua bước tra cứu sơ bộ có thể khiến người nộp đơn không xác định được liệu nhãn hiệu có đáp ứng điều kiện bảo hộ hay không, dẫn đến văn bằng độc quyền có thể không được cấp, gây lãng phí thời gian và tiền bạc của người nộp đơn.
Yêu cầu chung đối với hình thức của tài liệu kèm theo tờ khai đơn
Theo quy định của Nghị định 65/2023/NĐ-CP:
Mọi tài liệu được trình bày theo chiều dọc, phông chữ Times New Roman không nhỏ hơn cỡ 13, mỗi lề rộng 2cm.
Việc đánh số trang mọi tài liệu theo chữ số Ả-rập.
Cần đóng dấu giáp lai nếu có từ 2 trang trở lên trong trường hợp người nộp đơn hoặc đại diện người nộp đơn là pháp nhân.
Mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu từ ngày 24/08/2023
Những điểm mới trong Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định về đăng ký nhãn hiệu
Cập nhật tờ khai đăng ký nhãn hiệu quốc tế qua hệ thống Madrid (đơn Madrid)
Quý khách có thể tham khảo mẫu đơn Madrid mới được cập nhật tại đây:
Không còn lựa chọn đăng ký theo Nghị định thư hay Thỏa ước Madrid.
Bổ sung nhóm hàng hóa, dịch vụ đặc định cho việc đăng ký nhãn hiệu quốc tế (có thể khác với đơn đăng ký hoặc văn bằng bảo hộ nhãn hiệu đã được cấp trong nước).
Ghi nhận các phương thức nộp phí, lệ phí gồm: Nộp trực tiếp – Nộp bằng hình thức chuyển khoản hoặc qua dịch vụ bưu chính.
Không còn ô dánh dấu các tài liệu: Tờ khai yêu cầu cấp GCN đăng ký nhãn hiệu cơ sở, Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cơ sở, Bản cam kết sẽ sử dụng nhãn hiệu tại nước yêu cầu đăng ký bảo hộ nếu chỉ định vào các quốc gia có yêu cầu như vậy (Ai-len, Singapore, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ,…) mà các tài liệu này nếu cần sẽ được ghi nhận trong mục tài liệu khác.
Ngoài ra, Nghị định 65/2023/NĐ-CP cũng bổ sung mấu tờ khai đăng ký nhãn hiệu được chuyển đổi từ đăng ký quốc tế nhãn hiệu bị đình chỉ và mất hiệu lực theo Điều 9quinquies của Nghị định thư Madrid tại Mẫu số 03 của Phụ lục 2. Đây là trường hợp đơn đăng ký của chủ đơn nước ngoài bị mất hiệu lực theo và phải đáp ứng các điều kiện tại Điều 28 của Nghị định. Quý khách có thể tải về tại đây:
Tách đơn đăng ký nhãn hiệu
Theo Điều 17 của Nghị định 65/2023/NĐ-CP, người nộp đơn có quyền yêu cầu tách đơn đăng ký nhãn hiệu trước khi có quyết định thẩm định hình thức hoặc thẩm định nội dung. Tuy vậy, việc tách đơn chỉ được chấp nhận trong trường hợp tách một phần danh mục hàng hóa, dịch vụ trong đơn đăng ký nhãn hiệu sang một hoặc nhiều đơn mới.
Khi thực hiện thủ tục tách đơn đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn phải nộp bản thuyết minh về đối tượng yêu cầu bảo hộ và nội dung thay đổi so với đơn ban đầu.
Rút đơn đăng ký nhãn hiệu
Nghị định mới đã bổ sung quy định về việc Cục Sở hữu trí tuệ phải ban hành thông báo dự định từ chối chấp nhận rút đơn trong trường hợp yêu cầu rút đơn đăng ký nhãn hiệu không đáp ứng điều kiện để người nộp đơn khắc phục tại Điều 17.2.
Trên đây là một số nội dung cập nhật liên quan đến mẫu Tờ khai đăng ký nhãn hiệu từ năm 2023. Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu, vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.