Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP về Tội phạm về phòng cháy, chữa cháy - Quy định mới
Gần đây, phòng cháy chữa cháy là một vấn đề nhạy cảm nhận được nhiều sự quan tâm. Các vụ cháy xảy ra ngày càng nhiều, với những thiệt hại nặng nề về người và của. Một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm là trách nhiệm hình sự liên quan đến những vụ cháy nổ được quy định thế nào? Mới đây, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cáo đã ban hành Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn Tội phạm về phòng cháy, chữa cháy. Tong bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ phân tích những điểm đáng chú ý trong quy định mới này.
Thông tin Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP
Số hiệu
02/2024/NQ-HĐTP
Loại văn bản
Nghị quyết
Văn bản được hướng dẫn
Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017
Nơi ban hành
Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
Người ký
Nguyễn Hòa Bình
Ngày ban hành
24/05/2024
Ngày hiệu lực
18/06/2024
Tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy là gì?
Tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy được quy định tại Điều 313 Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự bao gồm:
Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy;
Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
Tùy từng trường hợp mà tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy có thể bị phạt tù từ 2 đến 12 năm tù. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Khái quát về Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP
Ngày 24 tháng 5 năm 2024, thay mặt Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòà Bình đã ký ban hành Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự.
Nghị quyết này đã được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 24 tháng 4 năm 2024 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18 tháng 6 năm 2024.
Trong nội dung của Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP đã có những quy định giải thích về tội phạm về phòng cháy, chữa cháy trên những khía cạnh:
Truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 313 của Bộ luật Hình sự;
Truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4 Điều 313 của Bộ luật Hình sự;
Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể;
Truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 313 của Bộ luật Hình sự
Theo hướng dẫn tại Điều 3 của Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn Tội phạm về phòng cháy, chữa cháy, hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 313 của Bộ luật Hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
Điều kiện
Nội dung cụ thể
Hành vi vi phạm
Thực hiện một hoặc nhiều hành vi:
– Hành vị vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của Luật Phòng cháy, chữa cháy;
– Hành vi vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật khác có liên quan.
Thiệt hại xảy ra
(một trong các trường hợp)
Làm chết người
– Làm chết 1 người (Khoản 1 Điều 313)
– Làm chết 2 người (Khoản 2 Điều 313)
– Làm chết 3 người trở lên (Khoản 3 Điều 313)
Gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe
– Của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60% (Khoản 1 Điều 313);
– Của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121% (Khoản 1 Điều 313);
– Của 02 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên (Khoản 2 Điều 313);
– Của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200% (Khoản 2 Điều 313);
– Của 03 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên (Khoản 3 Điều 313);
– Của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên (Khoản 3 Điều 313).
Gây thiệt hại tài sản
– Từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng (Khoản 1 Điều 313);
– Từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng. (Khoản 2 Điều 313);
– Từ 1.500.000.000 đồng trở lên (Khoản 3 Điều 313).
Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm và thiệt hại xảy ra
Hành vi vi phạm phải có mối quan hệ nhân quả với thiệt hại xảy ra phải là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm và ngược lại hành vi vi phạm là nguyên nhân gây ra thiệt hại.
Như vậy, để có căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm phòng cháy chữa cháy theo Khoản 1, 2 và 3 Điều 313 của Bộ luật Hình sự 2015, ngoài việc xác định hành vi vi phạm vi phạm và hậu quả xảy ra, thì cần phải xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm và thiệt hại xảy ra.
Điều này rất quan trọng để xác định loại tội phạm cũng như trách nhiệm hình sự cụ thể. Bởi nếu thiệt hại xảy ra không phải là hậu quả do hành vi vi phạm thì hành vi vi phạm đó sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Khoản 4 Điều 313 của Bộ luật Hình sự
Theo Khoản 4 Điều 313 của Bộ luật Hình sự 2015, cấu thành khách quan của hành vi phạm tội gồm:
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% hoặc;
Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 31% đến 60%;
Người vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy khi thực hiện một trong các hành vi trên thì sẽ bị áp dụng một trong hai khung hình phạt sau:
Theo hướng dẫn tại Điều 4 của Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐTP, vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các trường hợp này nếu không được ngăn chặn kịp thời là hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau:
Chưa xảy ra cháy nhưng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì chắc chắn sẽ cháy và dẫn đến thiệt hại quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 313 của Bộ luật Hình sự;
Đã xảy ra cháy và tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều 313 của Bộ luật Hình sự nhưng do được ngăn chặn kịp thời nên thiệt hại dưới mức quy định tại khoản 1 Điều 313 của Bộ luật Hình sự.
Như vậy, có thể thấy việc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Khoản 4 Điều 313 của Bộ luật Hình sự không chỉ được đặt ra khi đã có thiệt hại mà ngay cả khi chưa có thiệt hại, thậm chí ngay cả khi chưa xảy ra cháy. Theo đó, chưa xảy ra cháy nhưng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì chắc chắn sẽ cháy và dẫn đến thiệt hại hoặc đã xảy ra cháy và tất yếu sẽ dẫn đến hậu quả nhưng được ngăn chặn kịp thời vẫn có thể bị truy cứu hình sự.
Điều này nhằm đảm bảo tính răn đe của các biện pháp hình sự, tính nghiêm khắc của pháp luật cũng như cho thấy tính chất nguy hiểm của hành vi.
Ví dụ:
Khi vào đổ xăng, A đang hút thuốc lá (lúc này tại cây xăng có 10 người). B yêu cầu A ra ngoài dập tăt thuốc nhưng A không thực hiện mà còn ném điếu thuốc lá đang cháy xuống đất làm lửa bùng cháy, ngay lập tức B đã dùng bình cứu hỏa để dập tắt đám cháy nên chưa có hậu quả xảy ra. Hành vi của A thuộc trường hợp chưa xảy ra cháy nhưng nếu không được ngăn chặn kịp thời thì chắc chắn sẽ cháy và dẫn đến thiệt hại. Do đó sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 4 Điều 313 của Bộ luật Hình sự.
Truy cứu trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp cụ thể
Trường hợp thực hiện công việc bắt buộc phải tuân theo quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động
Trường hợp người phạm tội thực hiện công việc bắt buộc phải tuân theo quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động về an toàn ở nơi đông người nhưng trong quá trình thực hiện họ vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở nơi đông người xảy ra cháy và gây thiệt hại thì:
Bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về phòng cháy chữa cháy;
Không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 295 của Bộ luật Hình sự về tội vi phạm quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động, về an toàn ở những nơi đông người.
Như vậy, hành vi vi phạm quy định về về an toàn lao động, vệ sinh lao động có thể bị truy cứu hình sự về tội phạm phòng cháy chữa cháy nếu hành vi gây ra cháy và gây thiệt hại.
Ví dụ: A được B thuê hàn mái nhà các phòng Karaoke. Trong quá trình hàn, A không trang bị tấm chắn tia kim loại nóng chảy bắn ra, đồng thời không theo dõi quá trình hàn một cách an toàn nên khi các hạt kim loại nóng mang nhiệt độ cao bắn ra xung quanh đã hình thành các đám cháy lớn gây thiệt hại tài sản 1.000.000.000 đồng.
Hành vi của A đã vi phạm quy định về an toàn lao động đối với máy hàn điện và công việc hàn điện. Trường hợp này, A bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 313 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều lần hành vi phạm tội
Theo Khoản 2 Điều 5 Nghị quyết số 02/2024/NQ-HĐTP, trường hợp người phạm tội thực hiện nhiều lần hành vi phạm tội, nếu mỗi lần phạm tội có đủ yếu tố cấu thành tội phạm nhưng đều chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự và chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì:
Bị áp dụng khung hình phạt tương ứng với tổng số thiệt hại của các lần phạm tội;
Ngoài ra còn bị áp dụng tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự “phạm tội từ 02 lần trở lên” quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Đây là quy định mới được hướng dẫn, giúp cho các cơ quan tiến hành tố tụng dễ dàng hơn trong việc truy cứu và xác định mức phạt cụ thể đối với người phạm tội phòng cháy chữa cháy thực hiện nhiều lần hành vi phạm tội.
Trên đây là những phân tích của Luật Việt An về Nghị quyết 02/2024/NQ-HĐTP hướng dẫn Tội phạm về phòng cháy, chữa cháy. Quý khách hàng có thắc mắc hay có nhu cầu tư vấn các dịch vụ pháp lý liên quan, xin vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!