Nhãn hiệu là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, chứa đựng các chỉ dẫn thương mại, là cầu nối giữa nhà sản xuất hay cung cấp dịch vụ đối với người tiêu dùng. Trong điều kiện nền kinh tế phát triển và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, nếu một người đã đầu tư công sức, tài chính để tạo ra các đối tượng sở hữu công nghiệp nhưng lại không tiến hành đăng ký quyền cho đối tượng đó thì sẽ không được pháp luật bảo hộ trong trường hợp có người khác sử dụng hoặc đăng ký trước. Do đó, việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp là công việc thật sự cần thiết.
Nhãn hiệu là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức kinh doanh khác nhau. Như vậy, nhãn hiệu chủ yếu dùng để gắn lên các loại hàng hóa và các loại dịch vụ nhằm chỉ ra nó do ai sản xuất, cung cấp.
Nhãn hiệu thông thường
Nhãn hiệu gồm hai loại cơ bản là nhãn hiệu dùng cho hàng hóa và nhãn hiệu dùng cho dịch vụ.
Nhãn hiệu dùng cho hàng hóa (sản phẩm)
Dùng để phân biệt hàng hóa của các cá nhân, tổ chức kinh doanh khác nhau nhằm mục đích cho biết ai là người sản xuất ra những loại hàng hóa đó chứ không phải hàng hóa đó là gì. Các nhãn hiệu mang tính chất mô tả, có sự liên quan hoặc là tên gọi của sản phẩm thì nhãn hiệu đó sẽ không có khả năng đăng ký.
Nhãn hiệu dùng cho dịch vụ
Nhãn hiệu dịch vụ thường được gắn trên các bảng hiệu dịch vụ để người có nhu cầu hưởng thụ dịch vụ đó có thể dễ dàng nhận biết.
Một số lưu ý về nhãn hiệu hàng hóa và nhãn hiệu dịch vụ
Nhãn hiệu dịch vụ rất giống với nhãn hiệu hàng hóa về bản chất.
Cả hai đều là dấu hiệu có khả năng phân biệt; nhãn hiệu hàng hóa phân biệt hàng hóa của doanh nghiệp này với hàng hóa của doanh nghiệp khác, trong khi nhãn hiệu dịch vụ phân biệt dịch vụ của doanh nghiệp này với dịch vụ của doanh nghiệp khác.
Dịch vụ có thể được hiểu là dịch vụ bất kỳ, có thể liệt kê một số dịch vụ như tài chính, ngân hàng, du lịch, quảng cáo hoặc ăn uống.
Nhãn hiệu dịch vụ có thể được đăng ký, gia hạn, hủy bỏ hiệu lực, chuyển nhượng quyền sở hữu và chuyển giao quyền sử dụng với các điều kiện giống như nhãn hiệu hàng hóa.
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, trên cơ sở hai loại nhãn hiệu chính là nhãn hiệu dùng cho hàng hóa và nhãn hiệu dành cho dịch vụ thì có thể chia ra các loại nhãn hiệu cụ thể như: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết và nhãn hiệu nổi tiếng.
Nhãn hiệu tập thể
Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh khác không phải là thành viên của tổ chức đó ( khoản 17 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ).
Một số đặc trưng của nhãn hiệu tập thể
Đặc trưng của nhãn hiệu tập thể là nhiều chủ thể có quyền sử dụng nó nhưng cần lưu ý là khi một tập thể sử dụng nhãn hiệu nhân danh tập thể thì nhãn hiệu đó không được coi là nhãn hiệu tập thể nữa mà mà nhãn hiệu bình thường vì nó do một chủ thể sử dụng.
Nhìn chung nhãn hiệu tập thể do một hiệp hội hoặc một hợp tác xã sở hữu nhưng bản thân các tổ chức này không sử dụng nhãn hiệu tập thể mà chỉ những thành viên của họ có thể sử dụng nhãn hiệu tập thể để tiếp thị sản phẩm.
Tổ chức tập thể sở hữu nhãn hiệu độc quyền trao cho các thành viên của mình quyền sử dụng nhãn hiệu với điều kiện họ phải tuân thủ các điều kiện/tiêu chuẩn được quy định trong quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể (ví dụ, tiêu chuẩn chất lượng, nguồn gốc địa lý).
Nhãn hiệu tập thể có thể là một phương thức có hiệu quả để cùng tiếp thị các sản phẩm của một nhóm các doanh nghiệp mà nếu thực hiện riêng lẻ sẽ gặp khó khăn hơn để các nhãn hiệu riêng lẻ của họ được người tiêu dùng thừa nhận hoặc/ và những người bán lẻ phân phối.
Một nhãn hiệu tập thể thành công điển hình là MELINDA được 5.200 nhà sản xuất táo ở vùng Valle di Non và Vale del Sole của Italia sử dụng. Mọi nhà sản xuất có quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể MELINDA thuộc sở hữu của Công ty MELINDA miễn là sản phẩm táo của họ đáp ứng các tiêu chuẩn do công ty này quy định.
Nhãn hiệu chứng nhận
Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép cá nhân, tổ chức khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Ví dụ như tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000 được công nhận trên toàn thế giới là loại nhãn hiệu chứng nhận.
Một số đặc trưng của nhãn hiệu chứng nhận
Nhãn hiệu chứng nhận được cấp để chứng nhận sự phù hợp với các tiêu chuẩn xác định nhưng không bị hạn chế ở thành viên bất kỳ.
Nhãn hiệu chứng nhận có thể được người bất kỳ sử dụng với điều kiện người đó chứng minh được rằng sản phẩm có liên quan đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định đã được thiết lập.
Ở hầu hết các nước, sự khác biệt chính giữa nhãn hiệu tập thể và nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu tập thể chỉ có thể được sử dụng bởi một nhóm các doanh nghiệp cụ thể (ví dụ, thành viên của một hiệp hội) còn nhãn hiệu chứng nhận có thể được sử dụng bởi người bất kỳ miễn là tuân thủ các tiêu chuẩn do chủ sở hữu nhãn hiệu chứng nhận thiết lập.
Một điều kiện quan trọng đối với nhãn hiệu chứng nhận là chủ thể nộp đơn đăng ký nhãn hiệu sẽ được coi là “có thẩm quyền chứng nhận” sản phẩm có liên quan. Ví dụ điển hình về nhãn hiệu chứng nhận là Woolmark, nhãn hiệu này chỉ được sử dụng để chứng nhận các sản phẩm được sản xuất từ 100% chất liệu len.
Nhãn hiệu liên kết
Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan đến nhau. Nhãn hiệu liên kết tạo sự yên tâm cho người sử dụng sản phẩm, dịch vụ bởi nó có mối liên kết với các sản phẩm, dịch vụ họ đã sử dụng trước đây. Ví dụ: Các dòng sản phẩm của Honda về xe máy Wave bao gồm: Wave, Wave RX, Wave SX… Nhưng tên nhãn hiệu này được gọi là nhãn hiệu liên kết vì nó đáp ứng được ba điều kiện: Do cùng chủ thể là hãng Hoanda đăng ký, các sản phẩm này đều có tính năng cơ bản tương tự nhau và cùng nằm trong chuỗi sản phẩm về xe Wave.
Nhãn hiệu nổi tiếng
Nhãn hiệu nổi tiếng khác với nhãn hiệu thông thường là ở danh tiếng của nhãn hiệu đó trong bộ phận công chúng.
Một số đặc trưng của nhãn hiệu nổi tiếng
Quy định nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập thông qua thủ tục công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứ không qua thủ tục nộp đơn đăng ký nhãn hiệu như các loại nhãn hiệu thông thường khác.
Nhìn chung, nhãn hiệu nổi tiếng được hưởng sự bảo hộ mạnh hơn.
Ví dụ, nhãn hiệu nổi tiếng được bảo hộ ngay cả khi không đăng ký (hoặc không sử dụng) trong một vùng lãnh thổ nhất định.
Hơn nữa, nếu nhãn hiệu được bảo hộ để chống lại các nhãn hiệu tương tự đến mức gây nhầm lẫn chỉ khi chúng được sử dụng cho các sản phẩm trùng hoặc tương tự thì nhãn hiệu nổi tiếng thường được bảo hộ chống lại các nhãn hiệu tương tự đến mức gây nhầm lẫn ngay cả khi chúng được sử dụng cho các sản phẩm không liên quan, nếu đáp ứng một số điều kiện nhất định.
Mục đích chính của việc bảo hộ mạnh hơn là nhằm ngăn không cho các công ty lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng và/hoặc gây ra thiệt hại cho sự uy tín và sự tín nhiệm của khách hàng đối với nhãn hiệu đó.
Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu và công nhận nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam và tại nước ngoài xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ cụ thể!