Phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới theo Nghị định 58/2025
Ngày 3 tháng 3 năm 2025, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 58/2025/NĐ-CP thay thế Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về phát triển điện năng lượng tái tạo và điện năng lượng mới. Nghị định này thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy các nguồn năng lượng sạch, bền vững, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường và đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Các chính sách ưu đãi và hỗ trợ được quy định trong Nghị định tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, góp phần chuyển đổi cơ cấu năng lượng và phát triển kinh tế bền vững.
Điều kiện và thời hạn áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển điện năng lượng mới
Căn cứ theo Điều 6 Nghị định 58/2025/NĐ-CP, Dự án điện năng lượng mới được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ quy định tại khoản 2 Điều 23 Luật Điện lực 2024 khi đáp ứng các điều kiện sau:
Dự án điện năng lượng mới được sản xuất từ 100% hydrogen xanh hoặc 100% amoniac xanh hoặc 100% hỗn hợp của hydrogen xanh và amoniac xanh;
Dự án cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia;
Dự án đầu tiên cho từng loại hình điện năng lượng mới.
Thời hạn Dự án quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 58/2025/NĐ-CP được hưởng các cơ chế ưu đãi sau:
Sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn là 70% trong thời hạn trả nợ gốc vốn vay nhưng không quá 12 năm, trừ trường hợp nhà đầu tư và bên mua điện có thỏa thuận khác. Không áp dụng cơ chế này trong trường hợp dự án không phát được sản lượng tối thiểu cam kết do nguyên nhân từ phía dự án hoặc do nhu cầu của phụ tải hoặc điều kiện kỹ thuật của hệ thống điện không tiêu thụ được hết sản lượng;
Sau thời hạn quy định tại điểm a, điểm c khoản 2 Điều 6 Nghị định 58/2025/NĐ-CP, việc áp dụng các cơ chế ưu đãi thực hiện theo quy định pháp luật tại thời điểm chấm dứt thời hạn.
Những chính sách ưu đãi nổi bật trong Nghị định 58/2025/NĐ-CP
Ưu tiên huy động điện từ hệ thống lưu trữ: Các dự án điện năng lượng tái tạo có lắp đặt hệ thống lưu trữ điện (battery storage) và đấu nối với lưới điện quốc gia sẽ được ưu tiên huy động vào giờ cao điểm. Quy định này không áp dụng cho các hệ thống tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Miễn, giảm chi phí sử dụng đất: Trong giai đoạn xây dựng cơ bản (tối đa 3 năm từ ngày khởi công), các dự án được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Sau thời gian này, việc miễn giảm sẽ tuân theo quy định pháp luật về đầu tư và đất đai.
Khuyến khích nghiên cứu và phát triển công nghệ: Nhà nước hỗ trợ các chương trình nghiên cứu, phát triển công nghệ trong lĩnh vực điện mặt trời, điện gió, đặc biệt là sản xuất thiết bị như tấm pin quang năng, inverter, và cáp điện. Điều này được quy định theo Điều 8 Luật Điện lực.
Chính sách cho điện năng lượng mới: Các dự án điện năng lượng mới (sản xuất từ hydrogen xanh, amoniac xanh hoặc hỗn hợp cả hai) được hưởng ưu đãi theo khoản 2 Điều 23 Luật Điện lực nếu:
Sản xuất 100% từ nguồn năng lượng mới.
Cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia.
Là dự án đầu tiên trong từng loại hình.
Quy định phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ:
Theo đó, tổ chức, cá nhân sở hữu nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ như điện mặt trời mái nhà nếu không sử dụng hết được bán sản lượng điện dư.
Các nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ khác được bán điện dư nhưng không quá 10% điện thực phát.
Chi phí mua sản lượng điện dư từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới được hạnh toán và đưa đầy đủ trong thong số đầu vào của phương án giá điện bán buôn và bán lẻ hàng năm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Nghị định cũng quy định chi tiết về công suất lắp đặt; trình tự, thủ tục phát triển nguồn điện tự sản xuất, tự tiêu thụ; hồ sơ, hợp đồng, các mẫu biểu để tổ chức, cá nhân dễ thực hiện.
Quy định chuyển tiếp đối với điện mặt trời mái nhà
Nghị định đưa ra quy định cụ thể cho các hệ thống điện mặt trời mái nhà đã và đang phát triển:
Hệ thống lắp đặt trước ngày 01/01/2021 và đã bán điện cho ngành điện sẽ không được phép mở rộng công suất nếu chưa có thỏa thuận bổ sung.
Hệ thống lắp đặt từ 01/01/2021 đến thời điểm nghị định có hiệu lực nhưng chưa hoàn thành đủ thủ tục theo Nghị định 135/2024/NĐ-CP thì phải thực hiện theo quy định mới.
Các hồ sơ đã đăng ký nhưng chưa hoàn tất vẫn có thể tiếp tục triển khai theo quy định hiện hành.
Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện gồm những hành vi nào?
Căn cứ theo Điều 9 Luật Điện lực 2024 về các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện lực và sử dụng điện quy định:
Hoạt động điện lực không có giấy phép theo quy định của Luật này.
Trộm cắp điện.
Trộm cắp phương tiện, trang thiết bị điện.
Phá hoại phương tiện, trang thiết bị điện, công trình điện lực.
Sử dụng phương tiện, thiết bị, chất gây cháy, nổ, ăn mòn và hành vi khác làm hư hỏng, gây sự cố công trình điện lực.
Đóng điện, cắt điện trái quy định của pháp luật.
Vi phạm quy định về bảo vệ công trình điện lực, an toàn điện và an toàn đập, hồ chứa thủy điện.
Trồng cây, khoan, đào, đắp, xây dựng công trình, khai thác khoáng sản, neo đậu tàu, thuyền, xả nước thải, chất ăn mòn, thả diều, vật bay và các hoạt động khác vi phạm quy định của pháp luật về hành lang bảo vệ an toàn công trình điện lực.
Sử dụng điện làm phương tiện bảo vệ trực tiếp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 69 Luật Điện lực 2024.
Cung cấp thông tin không chính xác, thiếu minh bạch xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Cản trở cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền sửa chữa, cải tạo, khắc phục sự cố đối với công trình điện lực, kiểm tra, giám sát hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Sách nhiễu, gây phiền hà, thu lợi bất chính trong hoạt động điện lực và sử dụng điện.
Trên đây là cập nhật mới nhất của Luật Việt An về Phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới theo Nghị định 58/2025. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu hỗ trợ, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!