Theo quy định tại Nghị định số 17/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2014/NĐ-CP thì ngư dân là chủ tàu đóng mới và sở hữu tàu khai thác hải sản xa bờ hoặc tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ có tổng công suất máy chính từ 800 CV trở lên được hưởng chính sách mới – chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư. Để được hưởng hỗ trợ, cần lưu ý đáp ứng các điều kiện sau:
Chủ tàu là thành viên của tổ đội sản xuất, nghiệp đoàn nghề cá, hợp tác xã nghề cá được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt;
Tàu cá đóng mới phải là tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép, vỏ composite;
Tàu đóng mới máy chính phải sử dụng máy thủy mới 100% chính hãng;
Tàu cá phải lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh và kết nối được với trạm bờ để quản lý, giám sát hành trình trong quá trình tàu hoạt động trên biển;
Tàu khai thác hải sản xa bờ đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá và Giấy phép khai thác thủy sản;
Tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ đã được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, Giấy chứng nhận đăng ký tàu cá.
Về mức hỗ trợ, các chủ tàu sẽ được hưởng mức khách nhau phụ thuộc vào công suất máy chính, loại vỏ thân tàu. Cụ thể:
Đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đóng mới vỏ thép (bao gồm cả các trang thiết bị mới), cụ thể:
Tàu cá có tổng công suất máy chính từ 800CV đến dưới 1.000CV, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu;
Tàu cá có tổng công suất máy chính từ 1.000CV trở lên, chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 8 tỷ đồng/tàu.
Đối với tàu khai thác, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản đóng mới vỏ composite có công suất từ 800CV trở lên (bao gồm cả các trang thiết bị mới), chủ tàu được hỗ trợ 35% giá trị đầu tư đóng mới nhưng không quá 6,7 tỷ đồng/tàu.
Để được hưởng hỗ trợ, chủ tàu lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ và gửi đến Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn nơi đăng ký tàu cá. Sở Nông nghiệp sẽ trình hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt số tiền hỗ trợ cho chủ tàu. Sau khi thực hiện các thủ tục hành chính, Kho bạc Nhà nước thông báo công khai lịch cấp tiền cho chủ tàu; chủ tàu phải xuất trình giấy chứng minh thư nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân để đối chiếu khi nhận tiền.
Ngoài ra, chính sách bảo hiểm cũng có sự thay đổi. Ngân sách nhà nước hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm cho các tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ là thành viên tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá, hợp tác xã khai thác hải sản và có tổng công suất máy chính từ 90 CV trở lên. Cụ thể: Nhà nước hỗ trợ hàng năm 100% kinh phí mua bảo hiểm tai nạn thuyền viên cho mỗi thuyền viên làm việc trên tàu; Hỗ trợ hàng năm 50% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu (bảo hiểm mọi rủi ro đối với thân tàu, không bao gồm trang thiết bị đánh bắt hải sản, ngư lưới cụ trên tàu). Như vậy, theo quy định mới ban hành thì nhà nước không còn hỗ trợ mua bảo hiểm đới với trang thiết bị, ngư lưới cụ trên tàu. Ngoài ra, mức hỗ trợ giảm xuống còn 50% thay vì 70, 90% phụ thuộc vào công suất máy chính như quy định tại Thông tư số 17/2018/NĐ-CP.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 25 tháng 3 năm 2018. Các chính sách quy định tại Nghị định này được thực hiện kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.