Quyền sở hữu trí tuệ là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ. Chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ là công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích của xã hội; khuyến khích thúc đẩy phát triển. Sau đây, Luật Việt An sẽ cung cấp những thông tin pháp lý cơ bản về thực thi quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.
Thực thi quyền sở hữu trí tuệ là gì?
Thực thi quyền sở hữu trí tuệ là thực hiện những công việc cụ thể để hiện thực hóa quyền đối với tài sản trí tuệ thuộc sở hữu của mình. Hiện nay, việc thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bao gồm việc chủ sở hữu quyền tự bảo vệ các quyền của mình, đồng thời dựa vào các quy định của pháp luật để yêu cầu sự bảo hộ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Các biện pháp thực thi quyền sở hữu trí tuệ
Tự bảo vệ
Theo khoản 1 Điều 198 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022), chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:
Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại;
Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan;
Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
Sau khi đã xác định được chủ thể xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của mình, chủ thể quyền có thể gửi thư cảnh cáo/ thư pháp lý yêu cầu chủ thể xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm. Luật Việt An có hỗ trợ tư vấn, soạn thảo thư yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm.
Biện pháp dân sự
Biện pháp dân sự được áp dụng nhằm mục đích ngăn chặn những thiệt hại liên quan đến vật chất và đòi lại cho chủ thể quyền những thiệt hại về vật chất đã bị chiếm đoạt do hành vi xâm phạm gây ra thông qua cơ chế bồi thường thiệt hại. Vì vậy, trong các biện pháp xử lý xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, chủ thể quyền nên quan tâm trước tiên đến biện pháp dân sự.
Theo Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ, Tòa án cấp huyện hoặc cấp tỉnh có thẩm quyền áp dụng các biện pháp dân sự sau đây để xử lý tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ:
Buộc chấm dứt hành vi xâm phạm;
Buộc xin lỗi, cải chính công khai;
Buộc thực hiện nghĩa vụ dân sự;
Buộc bồi thường thiệt hại;
Buộc tiêu hủy hoặc buộc phân phối hoặc đưa vào sử dụng không nhằm mục đích thương mại đối với hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và phương tiện được sử dụng chủ yếu để sản xuất, kinh doanh hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với điều kiện không làm ảnh hưởng đến khả năng khai thác quyền của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ.
Biện pháp hành chính
Theo Điều 211 Luật Sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sau đây bị xử phạt vi phạm hành chính:
Xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây thiệt hại cho tác giả, chủ sở hữu, người tiêu dùng hoặc cho xã hội;
Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này;
Sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ tem, nhãn hoặc vật phẩm khác mang nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý giả mạo hoặc giao cho người khác thực hiện hành vi này.
Theo quy định của Nghị định 99/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 46/2024/NĐ-CP, các hình thức xử phạt hành chính bao gồm cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức vi phạm như sau:
Đối với cá nhân:
Trường hợp xác định được giá trị hàng hoá, dịch vụ vi phạm: Cá nhân bị phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 250 triệu đồng tuỳ theo giá trị hàng hoá vi phạm;
Trường không có căn cứ xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm, mức phạt tiền từ 10 – 30 triệu đồng.
Đối với các tổ chức, cùng một hành vi vi phạm, mức phạt gấp 2 lần mức phạt đối với cá nhân, tối đa là 500 triệu đồng.
Biện pháp hình sự
Đối với quyền tác giả, quyền liên quan: Người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan mà cố ý xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đang được bảo hộ tại Việt Nam thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm;
Đối với quyền sở hữu công nghiệp: Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
Ngoài ra, chủ thể xâm phạm bắt buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau:
Buộc cải chính công khai trên phương tiện thông tin đại chúng, thông tin sai sự thật đối với các hành vi vi phạm;
Buộc dỡ bỏ các nhãn hiệu vi phạm.
Biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu
Theo Điều 216 Luật Sở hữu trí tuệ, các biện pháp kiểm soát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ bao gồm:
Tạm dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa bị nghi ngờ xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;
Kiểm tra, giám sát để phát hiện hàng hóa có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Trong quá trình thực hiện biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, nếu phát hiện hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ thì cơ quan hải quan có quyền và có trách nhiệm áp dụng biện pháp hành chính để xử lý.
Ví dụ việc thực thi bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp khởi kiện tại tòa án
Nguyên đơn:Công ty TNHH công nghiệp dược phẩm T.C (Thái Lan)
Bị đơn: Bùi Trung Hoà
Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ bị xâm phạm: Nhãn hiệu “ ”
Luật áp dụng: Bộ luật Hình sự năm 1999
Tóm tắt vụ việc:
Ngày 02/02/2004, Ông Bùi Trung Hoà ký hợp đồng kinh tế với Công ty TNHH bao bì Thành Phát đặt mua 72.960 vỏ lon đựng nước uống tăng lực có hình hai con vật húc nhau màu đỏ do Đài Loan sản xuất để tổ chức sản xuất nước uống tăng lực. Sau khi sản phẩm nước tăng lực có hình hai con vật húc nhau của Công ty TNHH nước giải khát Nam Bình (công ty của ông Hoà) tung ra thị trường, tháng 7/2004 Luật sư của Công ty T.C đến Công ty Nam Bình thông báo về việc vi phạm nhãn hiệu hình hai con bò húc của Công ty T.C tại Thái Lan. Trước đó, Công ty Nam Bình đã bị xử phạt hành chính hai lần về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp với mức phạt lần lượt là 10 triệu đồng và 25,25 triệu đồng.
Ngày 05/8/2004, Văn phòng luật sư lại có công văn số 03-04 đề nghị không tiếp tục bán hàng có yếu tố vi phạm. Tuy nhiên, ông Hoà vẫn tiếp tục bán.
Ngày 21/9/2006, Công ty TNHH công nghiệp dược phẩm T.C (Thái Lan) có ủy quyền cho ông N.T.L, đại diện chi nhánh văn phòng Luật sư Phạm và Liên danh tại Thành phố Hồ Chí Minh khởi kiện đến các cơ quan pháp luật của Việt Nam đề nghị xử lý hình sự đối với Bùi Trung Hoà. Ngày 09/10/2006, ông N.T.L ký công văn số 168-06 gửi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với Bùi Trung Hoà về hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Phán quyết của toà: Toà tuyên án Bùi Trung Hoà phạm tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”; xử phạt 02 (hai) năm cải tạo không giam giữ về tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” và tịch thu, tiêu hủy 10.464 lon nước uống tăng lực có hình hai con vật húc nhau màu đỏ.
Phân tích, bình luận: vỏ lon đựng nước uống tăng lực có hình hai con vật húc nhau màu đỏ của ông Bùi Trung Hoà trùng với nhãn hiệu của công ty T.C, do đó xâm phạm đến quyền sở hữu công nghiệp của công ty T.C.
Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký quyền sở hữu trí tuệ và tư vấn về việc thực thi quyền sở hữu trí tuệ, xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.