8 Tội Danh bỏ Tử hình từ 01/07/2025 theo BLHS sửa đổi
Tử hình là loại hình phạt đặc biệt và nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt của pháp luật hình sự Việt Nam, nhằm tước đi quyền sống của người bị kết án. Ngày 25/6/2025, Quốc hội đã thông qua Bộ luật Hình sự sửa đổi 2025 (Luật số 86/2025/QH15) với nhiều thay đổi quan trọng, đáng chú ý là chính thức bỏ 8 tội danh có án tử tình. Như vậy, từ ngày 01/7/2025 chỉ còn 10 tội danh có án tử hình. Sau đây, Luật Việt An sẽ cập nhật quy định mới về 8 tội danh bỏ tử hình từ 01/07/2025 theo BLHS sửa đổi.
Quy định về hình phạt tử hình theo BLHS năm 2015
Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác.
Hình phạt tử hình không áp dụng đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử.
Ngoài ra, không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
Người đủ 75 tuổi trở lên;
Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm
8 tội danh bỏ tử hình từ 01/07/2025 theo BLHS sửa đổi
Tại Bộ Luật hình sự 2015 quy định các tội danh áp dụng án tử hình bao gồm 18 tội danh. Tuy nhiên, Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2025 đã bỏ hình phạt tử hình đối với 08 tội danh sau:
[1] Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109);
[2] Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của Nhà nước (Điều 114);
[3] Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194);
[4] Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421);
[5] Tội gián điệp (Điều 110);
[6] Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250);
[7] Tội tham ô tài sản (Điều 353);
[8] Tội nhận hối lộ (Điều 354).
Theo đó, hình phạt tử hình của các tội trên sẽ thay bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án.
Riêng đối với Tội tham ô tài sản và Tội nhận hối lộ, sau khi bỏ hình phạt tử hình, nhằm bảo đảm thu hồi tài sản do phạm tội mà có, đồng thời khuyến khích người phạm tội tích cực khai báo trong quá trình giải quyết vụ án, BLHS đã sửa đổi, bổ sung quy định tại khoản 1 Điều 63 theo hướng: “Người bị kết án tù chung thân về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ chỉ có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt khi đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và đã hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.”
Như vậy, chính thức chỉ còn 10 tội danh có án tử hình từ ngày 01/7/2025 bap gồm những tội danh sau:
[1] Tội phản bội Tổ quốc (Điều 108)
[2] Tội bạo loạn (Điều 112)
[3] Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113)
[4] Tội giết người (Điều 123)
[5] Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142)
[6] Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248)
[7] Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251)
[8] Tội khủng bố (Điều 299)
[9 Tội chống loài người (Điều 422)
[10] Tội phạm chiến tranh (Điều 423)
Lý do bỏ hình phạt tử hình với 08 tội danh trong BLHS
Theo lộ trình qua các lần sửa đổi luật, Bộ luật Hình sự năm 1985 quy định 44 tội có hình phạt tử hình, đến năm 1999 còn 29 tội, năm 2009 giảm còn 22 và năm 2015 chỉ còn 18 tội. Lần sửa đổi này, tiếp tục bỏ thêm 8 tội danh được đánh giá là cần thiết, xuất phát từ nhiều lý do:
Tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục thu hẹp hình phạt tử hình: Việc bỏ hình phạt tử hình ở 8 tội danh là nhằm tiếp tục thể chế hóa chủ trương lớn của Đảng, được xác lập tại Thông báo số 13936-VC/VPTW ngày 25/3/2025 của Văn phòng Trung ương Đảng, thông báo ý kiến của Bộ Chính trị về định hướng thu hẹp hình phạt tử hình.
Căn cứ thực tiễn và pháp lý: Căn cứ vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội; tầm quan trọng của khách thể được bảo vệ; khả năng khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Căn cứ kết quả tổng kết công tác thi hành Bộ luật Hình sự, nhiều tội danh có quy định về hình phạt tử hình nhưng không áp dụng trên thực tế thời gian qua.
Phù hợp với xu thế thế giới và cam kết quốc tế: Tham khảo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hiện nay, xu hướng về việc giảm hình phạt tử hình trong quy định của pháp luật cũng như thực tế thi hành trên thế giới là phổ biến. Trong 193 quốc gia là thành viên của Liên Hợp quốc chỉ còn hơn 50 quốc gia quy định về hình phảt tử hình. Trách nhiệm, nghĩa vụ của Việt Nam khi là thành viên của các điều ước quốc tế có liên quan, đặc biệt tại khoản 2 Điều 6 Công ước của Liên hợp quốc về quyền dân sự và chính trị xác định: “Ở những nước mà hình phạt tử hình chưa được xóa bỏ thì chỉ được phép áp dụng hình phạt tử hình đối với những tội ác nghiêm trọng nhất”.
Việc bỏ tử hình ở 8 tội danh là bước đi phù hợp thực tiễn, vẫn đảm bảo yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, đồng thời thể hiện chính sách hình sự khoan dung, nhân đạo, góp phần nâng cao hình ảnh pháp luật Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.
Quy định chuyển tiếp về hình phạt tử hình đã tuyên trước 1/7/2025 liên quan đến 8 tội danh được bỏ hình phạt tử hình nhưng chưa thi hành
Căn cứ khoản 2 Điều 4 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2025 quy định về điều khoản chuyển tiếp như sau:
“2. Hình phạt tử hình đã tuyên trước ngày 01 tháng 7 năm 2025 đối với người phạm tội về các tội quy định tại các điều 109, 110, 114, 194, 250, 353, 354 và 421 của Bộ luật Hình sự hoặc thuộc trường hợp quy định tại điểm c khoản Điều 40 của Bộ luật Hình sự được sửa đổi, bổ sung tại khoản 1 Điều 1 của Luật này mà chưa thi hành án thì không thi hành và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.”
Như vậy, theo quy định, trường hợp các bản án tử hình đã tuyên trước ngày 01/07/2025 liên quan đến 8 tội danh được bỏ hình phạt tử hình nhưng chưa thi hành thì Chánh án Tòa án nhân dân tối cao sẽ quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.
Các trường hợp không thi hành án tử hình từ 1/7/2025
Khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2025 đã sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 40 Bộ luật hình sự 2015 về việc không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
Người đủ 75 tuổi trở lên;
Người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối.
Trước ngày 01/7/2025, BLHS 2015 quy định không thi hành án tử hình đối với người bị kết án nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Phụ nữ có thai hoặc phụ nữ đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi;
Người đủ 75 tuổi trở lên;
Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Như vậy, quy định mới đã bỏ trường hợp không thi hành án tử hình là “Người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn” và bổ sung thêm trường hợp “Người mắc bệnh ung thư giai đoạn cuối”.
Trên đây là cập nhật quy định về 8 tội danh bỏ tử hình từ 01/07/2025 theo BLHS sửa đổi. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn pháp luật, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!