Tùy thuộc vào bản chất của tài sản vô hình của chủ sở hữu, pháp luật có những công cụ pháp lý khác nhau giúp chủ sở hữu bảo vệ tài sản trí tuệ của mình.
Các sản phẩm và quy trình sáng tạo có thể được bảo hộ theo sáng chế, giải pháp hữu ích;
Các kiểu dáng sáng tạo, gồm cả kiểu dáng dệt may, được bảo hộ theo kiểu dáng công nghiệp;
Tên gọi riêng của hàng hóa, dịch vụ được bảo hộ khi đăng ký nhãn hiệu;
Mạch bản dẫn được bảo hộ theo thiết kế bố trí hoặc mạch tích hợp bán dẫn;
Chỉ dẫn hàng hóa có chất lượng hay danh tiếng nhất định gắn với xuất xứ địa lý được bảo hộ theo chỉ dẫn địa lý;
Bí mật thương mại bảo hộ thông tin bí mật có giá trị thương mại;
Ở hầu hết các nước, tác phẩm văn hóa, nghệ thuật và văn học, kể cả phần mềm máy tính và sưu tập dữ liệu, được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan.
Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ
Nhìn chung, sở hữu trí tuệ được chia thành hai nhóm chính: (1) sở hữu công nghiệp bao gồm 06 trong 07 nhóm đối tượng đầu tiên nêu trên; và (2) quyền tác giả và quyền liên quan gồm nhóm đối tượng cuối cùng. Việc chủ thể kinh doanh, chủ thể sáng tạo làm quen với các thuật ngữ này là một điều rất quan trọng.
Công cụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ
Mỗi công cụ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ sẽ được phân tích một cách chi tiết trong các phần dưới đây.
Một sản phẩm, nhiều quyền sở hữu trí tuệ
Một sản phẩm duy nhất có thể được bảo hộ bởi nhiều loại quyền sở hữu trí tuệ khác nhau. Ví dụ, hãy xem xét một chiếc máy nghe đĩa CD. Các đặc điểm kỹ thuật sáng tạo của sản phẩm được bảo hộ bởi một loạt bằng độc quyền sáng chế (do Philips và Sony – các hãng cùng sáng chế ra CD – sở hữu). Các chương trình phần mềm được cài đặt trong đó để điều khiển sự vận hành của máy được bảo hộ quyền tác giả. Kiểu dáng thẩm mỹ của mỗi chiếc máy nghe đĩa CD cụ thể thường được bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và tên gọi riêng của sản phẩm, dịch vụ được sử dụng để bán sản phẩm thường được bảo hộ nhãn hiệu. Ngoài ra, các nhà sản xuất có thể nắm giữ các bí mật thương mại, gồm danh sách khách hàng đến một số quy trình sản xuất hoặc thông tin kinh doanh mật mà họ không muốn để cho đối thủ cạnh tranh biết. Do đó, tác giả của các sản phẩm sáng tạo, như máy nghe đĩa CD, có thể nhận được độc quyền sử dụng hoặc ngăn cấm người khác sử dụng một trong số những đối tượng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Ngoài ra, tác giả của chiếc máy CD đã cấp phép (hay li-xăng) cho một số công ty khác sử dụng công nghệ CD để thu tiền, qua đó, nhận thêm lợi nhuận từ việc chuyển giao này.
Cần phải lưu ý rằng bản nhạc được chơi trên máy nghe đĩa CD thường được bảo hộ bởi quyền tác giả (trừ phi đã hết thời hạn bảo hộ) và người bất kỳ biểu diễn bản nhạc này trước công chúng, bán bản sao của đĩa CD, phát sóng bản nhạc trên đài phát thanh, dịch ca từ sang ngôn ngữ khác hoặc sử dụng nội dung của bài hát vì mục đích thương mại bất kỳ khác đều phải xin phép nhạc sỹ hoặc tổ chức quản lý tập thể quản lý quyền của nhạc công hay nhạc sĩ đó.
Lựa chọn hình thức bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp
Trong trường hợp sản phẩm có thể được bảo hộ theo nhiều quyền sở hữu trí tuệ khác nhau, thì điều quan trọng đối với doanh nghiệp, chủ thể sáng tạo là phải hiểu về hệ thống này và lựa chọn cách thức bảo hộ các quyền một cách có hiệu quả nhất để tránh việc các đối thủ cạnh tranh sao chép và bắt chước.
Do đó, khi doanh nghiệp, chủ sở hữu sản phẩm sáng tạo đưa một sản phẩm mới ra thị trường phải xem xét đối tượng để bán chính trong sản phẩm của mình là gì. Nói cách khác, cái gì trong sản phẩm của chủ sở hữu thu hút khách hàng nhất? Hay cái gì làm sản phẩm của chủ sở hữu khác biệt so với các sản phẩm của các đối thủ cạnh tranh khác? Có phải là những đặc điểm kỹ thuật sáng tạo không? Hay kiểu dáng của sản phẩm? Nhãn hiệu? Hay các nội dung văn học, nghệ thuật hoặc sáng tạo có trong sản phẩm đó? Câu trả lời có thể tạo cho doanh nghiệp những ý tưởng ban đầu về cách thức bảo hộ sản phẩm mới và từ đó, có được sự độc quyền bằng những lý do thuyết phục nhất đảm bảo cho sự thành công của sản phẩm trên thị trường. Đôi khi, có thể chỉ là một yếu tố duy nhất, nhưng nhiều lúc, sự kết hợp của nhiều yếu tố khác nhau lại khiến khách hàng quyết định mua một sản phẩm cụ thể trong một loạt sản phẩm cạnh tranh sẵn có khác. Tùy theo đặc điểm thị trường, sự chú trọng và nguồn lực có thể được dành cho một hoặc nhiều loại quyền hoặc sự kết hợp các loại quyền sở hữu trí tuệ khác nhau cho một sản phẩm cụ thể.
Ngoài ra, hệ thống quyền sở hữu trí tuệ đang phát triển theo hướng cùng một sản phẩm có thể được bảo hộ theo các quyền sở hữu trí tuệ khác nhau. Ví dụ, hình dáng mới của sản phẩm có thể được giữ như bí mật thương mại cho đến khi đưa sản phẩm ra thị trường, các đặc điểm chức năng về hình dạng sản phẩm có thể được bảo hộ theo sáng chế, các đặc điểm thẩm mỹ của sản phẩm có thể bảo hộ theo kiểu dáng công nghiệp và/hoặc quyền tác giả, và nếu đáp ứng được những yêu cầu nhất định, có thể được bảo hộ làm nhãn hiệu. Vì vậy, có thể không có câu trả lời cuối cùng một cách rõ ràng và tốt hơn hết hãy xin ý kiến tư vấn của chuyên gia sở hữu trí tuệ để xây dựng một chiến lược sở hữu trí tuệ hoàn chỉnh cho sản phẩm của đơn vị mình.
Cho dù quyết định cuối cùng của chủ sở hữu là gì đi nữa, thì tốt nhất là chủ sở hữu hãy bắt đầu bảo hộ ít nhất là nhãn hiệu. Thậm chí, nếu nó chưa có nhiều giá trị vào thời điểm khai trương sản phẩm nhưng sự thành công của sản phẩm sẽ làm tăng giá trị nhãn hiệu ngay lập tức và trở thành một bộ phận quan trọng về hình ảnh và bản sắc của sản phẩm. Nhưng, lúc đó có thể là đã quá muộn!
Quý khách hàng có nhu cầu bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp, đăng ký quyền tác giả, quyền liên quan, bảo hộ giống cây trồng mới xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ cụ thể!