Tai nạn lao động là một “rủi ro nghề nghiệp” của người lao động gắn với việc thực hiện nhiệm vụ trong quá trình lao động và để lại những hậu quả xấu về sức khỏe, khả năng lao động, ảnh hướng đến các chức năng của bộ phận cơ thể người hoặc thậm chí gây chết người. Vậy khi bị tai nạn lao động, người lao động sẽ được hưởng quyền lợi gì? Sau đây, Luật Việt An sẽ phân tích các chế độ được hưởng khi bị tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.
Căn cứ pháp lý
Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015;
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, được sửa đổi bổ sung từng thời điểm;
Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc;
Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Khái niệm tai nạn lao động
Theo Khoản 8 Điều 3 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.
Tai nạn lao động là một trong những chế độ của loại hình bảo hiểm xã hội bắt buộc, cùng với chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí và tử tuất. Tính chất bắt buộc được thể hiện về đối tượng tham gia, về mức đóng và về điều kiện để được hưởng quyền lợi tai nạn lao động.
Trước đây, các quy định về chế độ tai nạn lao động chịu sự điều chỉnh của Luật Bảo hiểm xã hội, tuy nhiên từ khi Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015 có hiệu lực, vấn đề này còn chịu sự điều chỉnh của Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015.
Chế độ được hưởng khi bị tai nạn lao động từ phía người sử dụng lao động.
Theo Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động như sau:
Về trợ cấp
Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động như sau:
Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;
Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;
Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra với mức như sau:
Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động;
Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;
Các chế độ khác
Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động;
Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;
Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
Chế độ được hưởng từ bảo hiểm tai nạn lao động
Trợ cấp một lần
Theo Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.
Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:
Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;
Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Các tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động trong trường hợp người lao động thay đổi mức hưởng trợ cấp do giám định lại, giám định tổng hợp được quy định cụ thể tại Khoản 10, Khoản 11 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.
Trợ cấp hằng tháng
Theo Điều 48 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:
Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;
Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Thời gian làm căn cứ tính hưởng chế độ tai nạn lao động được quy định chi tiết tại Điều 11 của Nghị định định 88/2020/NĐ-CP.
Trợ cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình
Theo Điều 51 của Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật.
Về loại phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình, niên hạn, mức tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình và hồ sơ, trình tự thực hiện được quy định chi tiết tại Điều 12, 13 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.
Trợ cấp phục vụ
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng trợ cấp hàng tháng, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở theo Điều 52 của Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015.
Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động
Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.
Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật
Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Theo Điều 54 của Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015, thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;
Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;
Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.
Trong trường hợp này, người lao động được hưởng 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Các quyền lợi khác
Ngoài các chế độ trên, khi bị tai nạn lao động, người lao động còn được hưởng những quyền lợi như:
Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động khi trở lại làm việc;
Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động.
Lưu ý:
Từ 1/7/2023, mức lương cơ sở là 1.800.000 đồng/tháng theo quy định tại Nghị định 24/2023 NĐ-CP.
Không phải tất các các trường hợp tai nạn lao động đều được hưởng chế độ, người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động bị tai nạn lao động được hưởng chế độ này khi đáp ứng các điều kiện theo Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015.
Dịch vụ pháp lý của Luật Việt An liên quan đến tai nạn lao động
Tư vấn pháp luật về tai nạn lao động cho doanh nghiệp và người sử dụng lao động;
Hỗ trợ người lao động tiến hành thủ tục để hưởng quyền lợi tai nạn lao động;
Soạn thảo hồ sơ, thu thập tài liệu để giải quyết chế độ;
Đại diện cho khách hàng, liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Giải quyết những vấn đề thắc mắc, đại diện cho người lao động giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền lợi hợp pháp.
Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu hỗ trợ pháp lý liên quan đến tai nạn lao động, xin vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!