Biện pháp xử lý sự cố tai nạn lao động

Tai nạn lao động là điều không mong muốn trong quá trình hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, ảnh hưởng lớn đến tính mạng, sức khỏe, hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy, pháp luật lao động luôn đặt ra những quy định nghiêm ngặt về nghĩa vụ của các bên để phòng ngừa và xử lý sự cố tai nạn lao động. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ trình bày các quy định pháp luật liên quan đến các biện pháp xử lý sự cố tai nạn lao động theo quy định hiện hành.

Pháp luật lao động

Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật Lao động 2019;
  • Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015;
  • Nghị định 88/2020/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bắt buộc;
  • Nghị định 39/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 96/2023/NĐ-CP.

Khi nào được coi là tai nạn lao động?

Theo quy định tại Điều 3.8 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

Tai nạn lao động có thể không do lỗi của bất cứ bên nào, hoặc do lỗi của người lao động/ người sử dụng lao động/ bên thứ ba. Khi đó, các nhận định về lỗi phải được ghi nhận trong biên bản điều tra tai nạn lao động. Đây cũng là một trong những nội dung cần thực hiện để xử lý sự cố tai nạn lao động.

Báo cáo tai nạn lao động

Đây là một nghĩa vụ thường niên của người sử dụng lao động không phụ thuộc vào tai nạn có xảy ra hay không.

  • Nơi tiếp nhận báo cáo: Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động;
  • Thời hạn báo cáo: trước ngày 05 tháng 7 hằng năm đối với báo cáo 6 tháng đầu năm và trước ngày 10 tháng 01 năm sau đối với báo cáo năm
  • Nội dung báo cáo: theo mẫu quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
  • Hình thức báo cáo: trực tiếp, fax, đường bưu điện, thư điện tử.

Nghĩa vụ khai báo tai nạn lao động

Nghĩa vụ này được thực hiện nhằm phòng chống và xử lý sự cố tai nạn lao động. Với mục đích đầu tiên, nghĩa vụ khai báo được thực hiện ngay khi được phát hiện có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động hoặc đã xảy ra tai nạn lao động không quá nghiêm trọng tại nơi làm việc thì người bị tai nạn hoặc người biết sự việc phải báo ngay cho người phụ trách trực tiếp, người sử dụng lao động biết để kịp thời có biện pháp xử lý phòng ngừa hậu quả xảy ra.

Trường hợp tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra với người lao động làm việc theo hợp đồng

  • Điều kiện phát sinh nghĩa vụ: Khi biết tin xảy ra tai nạn lao động chết người hoặc làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên;
  • Chủ thể thực hiện nghĩa vụ: người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn;
  • Chủ thể tiếp nhận khai báo: Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi xảy ra tai nạn; trường hợp tai nạn làm chết người thì phải đồng thời báo ngay cho cơ quan Công an cấp huyện và tương đương.
  • Hình thức khai báo: Khai báo bằng cách nhanh nhất (trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử)
  • Nội dung khai báo: theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định 39/2016/NĐ-CP.
  • Nghĩa vụ tiếp nhận và xử lý khai báo: Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết tin báo về tai nạn lao động, thông báo kết quả giải quyết tin báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã báo tin khi có yêu cầu và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người đã báo tin.

Trường hợp tai nạn xảy ra với người lao động làm việc không theo hợp đồng

  • Chủ thể: Gia đình nạn nhân hoặc người phát hiện có trách nhiệm khai báo ngay với UBND cấp xã nơi xảy ra tai nạn lao động để kịp thời có biện pháp xử lý.
  • Thời gian: Ngay sau khi biết sự việc người lao động bị chết hoặc bị thương nặng do tai nạn lao động;
  • Xử lý: Khi nhận được tin báo, UBND cấp xã, nơi xảy ra tai nạn phải báo bằng cách nhanh nhất với Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Công an cấp huyện.

Trường hợp đặc thù, người sử dụng lao động cần thực hiện khai báo theo quy định của Luật chuyên ngành

  • Các vụ tai nạn lao động xảy ra trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.
  • Ngoài ra, người sử dụng lao động vẫn cần thực hiện thủ tục khai báo với Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi xảy ra tai nạn và với Bộ quản lý ngành lĩnh vực đó theo thẩm quyền, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác; trường hợp tai nạn làm chết người thì phải đồng thời báo ngay cho Công an cấp huyện với nội dung khai báo tương tự với các trường hợp thông thường khác.

Điều tra tai nạn lao động

Chủ thể tiến hành

Nghĩa vụ đặt ra với người sử dụng lao động trong việc lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để:

  • Tiến hành điều tra tai nạn lao động làm bị thương nhẹ, tai nạn lao động làm bị thương nặng 01 người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của mình.
  • Trường hợp tai nạn lao động làm bị thương nặng 01 người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì UBND cấp xã nơi xảy ra tai nạn lao động phải lập biên bản ghi nhận sự việc và báo cáo UBND cấp huyện nơi xảy ra tai nạn.

Trong một số trường hợp sau đây thì nghĩa vụ này được thực hiện bởi chủ thể khác không phải người sử dụng lao động:

  • Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh: Trường hợp tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên, kể cả người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, trừ các vụ tai nạn lao động trong lĩnh vực đặc thù thực hiện điều tra theo quy định của pháp luật chuyên ngành, Sở Lao động thương binh và xã hội là chủ thể trực tiếp tiến hành điều tra.
  • Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương: các tai nạn lao động có tính chất nghiêm trọng hoặc phức tạp vượt quá khả năng xử lý của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền là chủ thể trực tiếp tiến hành điều tra.

Trường hợp đã có biên bản điều tra do Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở hoặc cấp tỉnh ban hành nhưng có khiếu nại, tố cáo hoặc khi xét thấy cần thiết, thì Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh hoặc cấp trung ương có thẩm quyền điều tra lại theo quy định.

Trách nhiệm các bên

Khi tiến hành điều tra, người sử dụng lao động và các cá nhân liên quan đến tai nạn lao động phải có nghĩa vụ:

  • Hợp tác với Đoàn điều tra, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan và không được từ chối hoặc cản trở quá trình điều tra.
  • Cung cấp cho Đoàn điều tra một trong các giấy tờ liên quan đến tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc sau đây: Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn; Biên bản điều tra tai nạn giao thông; hoặc văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của người lao động hoặc thân nhân của người lao động.
  • Bảo vệ hiện trường, thực hiện công tác giám định hiện trường ngay khi có thể.

Thời hạn điều tra

Tính từ thời điểm nhận tin báo, khai báo tai nạn lao động đến khi công bố biên bản điều tra tai nạn lao động, thời hạn điều tra được tính như sau:

  • Không quá 04 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nhẹ người lao động;
  • Không quá 07 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nặng 01 người lao động;
  • Không quá 20 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nặng từ 02 người lao động trở lên;
  • Không quá 30 ngày đối với tai nạn lao động chết người; không quá 60 ngày đối với tai nạn lao động cần phải giám định kỹ thuật hoặc giám định pháp y. Trường hợp các vụ tai nạn có dấu hiệu tội phạm do cơ quan điều tra tiến hành điều tra nhưng sau đó ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì thời hạn điều tra được tính từ khi Đoàn điều tra tai nạn lao động nhận được đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn.

Trường hợp có tình tiết phức tạp, thời hạn điều tra có thể được gia hạn 01 lần duy nhất với thời hạn gia hạn không vượt quá thời hạn gốc đã quy định. Khi gia hạn, Trưởng đoàn điều tra phải báo cáo và được sự đồng ý của người ban hành quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động.

Trường hợp vượt quá thời hạn trên mà gây thiệt hại

Thủ tục chuyển tiếp với tai nạn có yếu tố hình sự

Trong quá trình điều tra tai nạn mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, Đoàn điều tra phải báo cáo bằng văn bản, kèm theo các tài liệu, chuyển giao đồ vật, phương tiện liên quan (nếu có) cho cơ quan điều tra để xem xét, khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Công bố biên bản điều tra

  • Hình thức công bố: công khai tại cuộc họp chủ trì bởi Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động và các thành viên tham dự gồm Đoàn điều tra, người sử dụng lao động (có thể ủy quyền), đại diện tổ chức công đoàn, người bị nạn (hoặc đại diện thân nhân), người biết sự việc, người có liên quan đến vụ tai nạn; trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người còn có đại diện cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
  • Sau khi công bố, Biên bản điều và biên bản cuộc họp công bố phải gửi đến các cá nhân và cơ quan liên quan và được niêm yết công khai theo quy định.

Trách nhiệm người sử dụng lao động khi xảy ra tai nạn lao động

Theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015, khi xảy ra tai nạn lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm:

  • Kịp thời sơ cứu, cấp cứu, tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động;
  • Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động phát sinh ngoài mục do bảo hiểm y tế chi trả (nếu có), phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu kết luận mưc suy giảm dưới 5%
  • Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;
  • Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra (do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn) với mức như sau:
    • Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;
    • Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
  • Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức bồi thường trên với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;
  • Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;
  • Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;
  • Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;
  • Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định;

Lưu ý: Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

Dịch vụ tư vấn xử lý tai nạn lao động của Luật Việt An

  • Tư vấn các quy định liên quan đến Biện pháp xử lý sự cố tai nạn lao động cho doanh nghiệp, người lao động;
  • Soạn thảo và đại diện doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính với cơ quan nhà nước;
  • Tư vấn thường xuyên cho doanh nghiệp phòng ngừa vi phạm quy định về lao động trong cơ sở.

Mọi nhu cầu tư vấn của Quý khách liên quan đến pháp luật lao động, vui lòng liên hệ đến Công ty Luật Việt An để được giải đáp nhanh chóng và chính xác nhất.

Mục lục

Bài viết liên quan

Mục lục
Ẩn

    Dịch vụ Tư vấn pháp luật

    Dịch vụ Tư vấn pháp luật

    Văn bản pháp luật

    Văn bản pháp luật

    Tư vấn pháp luật

    Tư vấn luật

    LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT VIỆT AN

    Tư vấn doanh nghiệp: 09 79 05 77 68
    Tư vấn doanh nghiệp
    Tư vấn sở hữu trí tuệ: 0976 18 66 08
    Tư vấn sở hữu trí tuệ
    Tư vấn đầu tư: 09 13 380 750
    Tư vấn đầu tư

    TỔNG ĐÀI PHÍA BẮC

    Hotline: 09 61 37 18 18
    (Whatsapp, Zalo, Viber) hanoi@vietanlaw.vn Skype IconSkype Chat
    Tư vấn kế toán - thuế: 09 888 567 08
    Dịch vụ kế toán thuế
    Tư vấn giấy phép: 0966 83 66 08
    Tư vấn giấy phép
    Tư vấn hợp đồng: 0913 380 750
    Tư vấn hợp đồng

    TỔNG ĐÀI PHÍA NAM

    Hotline: 09 61 57 18 18

    (Whatsapp, Zalo, Viber)
    hcm@vietanlaw.vn
    Skype IconSkype Chat

    Liên hệ tư vấn
    Cảnh báo lừa đảo
    CẢNH BÁO MẠO DANH CÔNG TY LUẬT VIỆT AN LỪA ĐẢO