Đối với hình thức này thì trước khi thành lập doanh nghiệp thì nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Sở Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thì mới được tiến hành thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của các tổ chức kinh tế
Có các hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp sau:
Nhà đầu tư được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức: Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần; Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh; Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 25 Luật Đầu tư 2020.
Nhà đầu tư mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức: Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông; Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn; Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh; Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều 25 Luật Doanh nghiệp 2020.
Tuy nhiên, nhà đầu tư nước ngoài phải thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư 2020.
Một số lưu ý về điều kiện khi thành lập công ty có vốn đầu tư nước ngoài
Điều kiện về ngành nghề:
Theo quy định của pháp luật hiện nay thì doanh nghiệp được quyền kinh doanh ngành, nghề mà luật không cấm.
Đối với trường hợp thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thông qua việc thực hiện dự án đầu tư thì khi thực hiện thủ tục xin cấp Giấy nhận đăng ký đầu tư cần phải lưu ý các điều kiện mà Luật đầu tư có quy định về ngành nghề, cụ thể: Không được đầu tư kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật cấm theo quy định tại Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020. Đối với các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì khi thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.
Bên cạnh căn cứ vào Luật Đầu tư 2020 và các văn bản hướng dẫn thi hành thì còn căn cứ theo các biểu cam kết của Việt Nam trong các hiệp định thương mại, hiện nay ngành nghề kinh doanh vẫn còn một số hạn chế, cụ thể một số ngành như: Bất động sản; Các dịch vụ kinh doanh khác; Dịch vụ chuyên môn; Dịch vụ du lịch và dịch vụ liên quan; Dịch vụ giải trí, văn hóa và thể thao; Dịch vụ máy tính và nghe nhìn; Dịch vụ nghiên cứu và phát triển; Dịch vụ thông tin; Dịch vụ thuê hoặc cho thuê kèm hoặc không kèm người điều khiển; Dịch vụ vận tải; Dịch vụ xây dựng; Dịch vụ y tế và xã hội; Giáo dục đào tạo – dạy nghề và các dịch vụ liên quan….hoặc trong một số ngành tại biểu cam kết còn quy định hạn chế về tỷ lệ sở hữu phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp nhà đầu tư góp vốn, mua cổ phần vào tổ chức kinh tế tại Việt Nam.
Điều kiện về quốc tịch:
Để thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì quốc tịch của nhà đầu tư là cá nhân có quốc tịch nước ngoài, tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài và quốc tịch của nhà đầu tư nước ngoài phải là người có quốc tịch trực thuộc các nước trong WTO.
Điều kiện đối với nhà đầu tư là cá nhân:
Cá nhân là công dân hợp pháp, có đầy đủ giấy tờ chứng minh tư cách cá nhân hợp lệ, có xác nhận của lãnh sự quán. Tuy nhiên, cần lưu ý đối với nhà đầu tư sử dụng hộ chiếu in hình lưỡi bò sẽ không thể thực hiện việc thành lập công ty tại Việt Nam vì việc sử dụng hộ chiếu in hình lưỡi bò là hành vi cấu thành việc vi phạm chủ quyền theo quy định tại Điều 8 của Bộ Luật Hình sự 2015.
Cá nhân phải có năng lực tài chính để thực hiện dự án: người nước ngoài mở công ty ở Việt Nam phải chứng minh thông qua việc chuẩn bị: Xác nhận số dư tài khoản ngân hàng, sổ tiết kiệm mang tên nhà đầu tư với số tiền tương ứng khi mở công ty tại Việt Nam.
Người nước ngoài phải đảm bảo có địa điểm thực hiện dự án đúng quy định: có hợp đồng thuê nhà hoặc thuê văn phòng tại Việt Nam để đăng ký trụ sở khi thành lập công ty. Khi thuê tòa nhà cao tầng có chức năng kinh doanh thương mại thì cần cung cấp hợp đồng thuê địa điểm có chức năng kinh doanh thương mại.
Điều kiện đối với nhà đầu tư là tổ chức kinh tế:
Phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của công ty tại nước ngoài (bản sao công chứng có hợp pháp hoá lãnh sự);
Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư: Nhà đầu tư chuẩn bị một trong các giấy tờ sau: Báo cáo tài chính của công ty nước ngoài có kiểm toán, có lãi và được hợp pháp hoá lãnh sự, dịch công chứng sang Tiếng Việt. Trường hợp báo cáo tài chính chưa có lãi cần chuẩn bị thêm: Xác nhận số dư tài khoản ngân hàng tài khoản công ty tại nước ngoài;
Hồ sơ chứng minh địa điểm thực hiện dự án và trụ sở công ty: Hợp đồng thuê nhà hoặc thuê văn phòng tại Việt Nam để đăng ký trụ sở công ty. Lưu ý khi thuê tòa nhà cao tầng có chức năng kinh doanh thương mại thì cần cung cấp hợp đồng thuê địa điểm có chức năng kinh doanh thương mại.
Điều kiện về vốn:
Trừ các ngành nghề yêu cầu vốn pháp định thì hiện nay pháp luật Việt Nam không quy định vốn đầu tư tối thiểu của người nước ngoài khi thành lập công ty tại Việt Nam. Tuy nhiên, người nước ngoài thành lập công ty tại Việt Nam cần chuẩn bị số vốn đầu tư phù hợp để hoạt động được dự án tại Việt Nam.
Vốn đăng ký thực hiện dự án đầu tư được xác định trên cơ sở:
Vốn góp của nhà đầu tư bằng tiền, máy móc, thiết bị, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, giá trị quyền sử dụng đất, tài sản khác theo pháp luật về dân sự, điều ước quốc tế về đầu tư;
Vốn huy động để thực hiện dự án đầu tư;
Lợi nhuận để lại của nhà đầu tư để tái đầu tư (nếu có).