chúng tôi đồng sở hữu chung 1 căn nhà (thừa kế) gồm 2 gian. Trong thời gian qua, chúng tôi có trao đổi trong vòng các ĐSH qua email về việc phân chia cụ thể 2 gian nhà cho từng ĐSH.
Bây giờ 1 ĐSH, bà B, thông báo như sau:
“Từ hôm nay tôi chính thức ủy quyền (Hợp đồng ủy quyền có công chứng tôi gởi cho các ĐSH đính kèm theo đây).
1) Ông A đọc, nghiên cứu về pháp lý, bình luận, đóng góp và quyết định tất cả mọi vấn đề mà các ĐSH đã/sẽ đề cập liên quan việc phân chia tài sản nhà…đường ….
2) Tôi yêu cầu mọi liên lạc, trao đổi , …. , các ĐSH trực tiếp làm việc với ông A và copy cho tôi. Tôi sẽ không trả lời bất cứ câu hỏi nào của các ĐSH cũng như không trả lời qua điện thoại.
3) Như đã thông tin kỳ trước, sau ngày …/…/ 2017 không có một thỏa ước nào (ví dụ VBTTPCTSC nội bộ hoặc công chứng) được thành lập, tôi tự định vị cho tôi tầng 1 căn nhà giữa. Tôi sẽ dọn đồ đạc cá nhân vào.”
Hai nội dung chánh trong HĐUQ như sau:
1) Ông A được thay mặt bà B làm các thủ tục pháp lý cần thiết để tách giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất riêng cho bà B ….
2) Ông A được phép thay mặt bà B ký nhận bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất của bà B và được phép thay mặt bà B toàn quyền quản lý sử dụng phần nhà đất thuộc quyền sở hữu của bà B.
Câu hỏi của tôi:
1) Qua HĐUQ bên trên, chúng tôi có phải chấp nhận ông A (chồng của bà B, không phải là 1 luật sư) là đai diện pháp lý cho bà B trong các giao dịch dân sự (bàn thảo, tranh cải về phân chia tài sản) để đưa đến 1 VBTTPCTSC mới (bao gồm cả việc tách thửa phần nhà được chia cho bà B)?
2) Phản ứng thích ứng và hợp pháp của chúng tôi về hành vi “tự định vị” của bà B phải như thế nào?
Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, Luật Việt An xin tư vấn như sau:
Thứ nhất, về hợp đồng ủy quyền
Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về Hợp đồng ủy quyền như sau:
“Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.”
Trong trường hợp này,ông A được bà B ủy quyền trong các giao dịch dân sự về phân chia di sản thừa kế nên hoàn toàn có quyền thay mặt bà B thực hiện các công việc trong hợp đồng ủy quyền đã được công chứng. Việc này là hoàn toàn không trái với quy định của pháp luật.
Thứ hai, về việc định đoạt phân chia di sản thừa kế
Những người có quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật có quyền ngang nhau trong việc phân chia di sản thừa kế, điều này có nghĩa là việc phân chia di sản thừa kế phải có sự thỏa thuận của các đồng thừa kế.
Điều 656 Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định cụ thể về Họp mặt những người thừa kế như sau:
“1. Sau khi có thông báo về việc mở thừa kế hoặc di chúc được công bố, những người thừa kế có thể họp mặt để thỏa thuận những việc sau đây:
a) Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc;
b) Cách thức phân chia di sản.
Mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.”
Do đó, việc phân chia di sản thừa kế ưu tiên sự thỏa thuận của các đồng thừa kế và việc thỏa thuận của các đồng thừa kế phải được lập thành văn bản. Việc bà B tự mình định đoạt phần di sản được hưởng mà không có sự thỏa thuận của các đồng thừa kế và không lập thành văn bản nên thỏa thuận đó không được coi là hợp pháp.
Vì vậy, chia di sản trong trường hợp này thì các đồng thừa kế phải có văn bản thỏa thuận với nhau về vị trí cũng như diện tích di sản của mình. Trong trường hợp không thỏa thuận được với nhau và có tranh chấp xảy ra khi thời hiệu khởi kiện về thừa kế vẫn còn thì các đồng thừa kế có thể khởi kiện để yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế. Căn cứ vào mục đích sử dụng và tình trạng đang sử dụng và nguyện vọng của các bên khi chia di sản thừa kế Tòa án sẽ xem xét đến yêu cầu chia di sản. Khi đó, các bên phải tuân theo quyết định của Tòa án.