Giấy uỷ quyền và hợp đồng uỷ quyền theo pháp luật dân sự
Giấy uỷ quyền là một hình thức đại diện ủy quyền do chủ thể bằng hành vi pháp lý đơn phương thực hiện, trong đó ghi nhận việc người ủy quyền chỉ định người được ủy quyền đại diện mình thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi quy định tại Giấy ủy quyền. Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định ( Điều 562 Bộ luật Dân sự 2015).
Cơ sở pháp lý
Giấy uỷ quyền: Chỉ được thừa nhận trong thực tế không có văn bản nào quy định cụ thể;
Hợp đồng uỷ quyền: Bộ luật Dân sự năm 2015.
Chủ thể thực hiện, tham gia vào các quan hệ uỷ quyền:
Giấy uỷ quyền: Giấy ủy quyền được lập và ký bởi người ủy quyền (hay gọi là ủy quyền đơn phương);
Hợp đồng uỷ quyền: Hợp đồng ủy quyền được lập và ký bởi người ủy quyền và người được ủy quyền.
Bản chất của giấy uỷ quyền và hợp đồng uỷ quyền:
Giấy uỷ quyền: Là hành vi pháp lý đơn phương của bên ủy quyền và áp dụng nhiều trong trường hợp cấp trên ủy quyền cho cấp dưới thực hiện công việc thông qua giấy ủy quyền;
Hợp đồng uỷ quyền: Là một hợp đồng, có sự thỏa thuận thống nhất ý chí giữa các bên.
Giá trị của giấy uỷ quyền và hợp đồng uỷ quyền:
Giấy uỷ quyền:
Khi ủy quyền, không cần có sự tham gia của bên nhận ủy quyền (ủy quyền đơn phương);
Việc lập giấy ủy quyền không đòi hỏi bên nhận ủy quyền phải đồng ý và không có giá trị bắt buộc bên nhận ủy quyền phải thực hiện các công việc ghi trong giấy.
Hợp đồng uỷ quyền:
Đòi hỏi phải có sự tham gia ký kết của cả bên ủy quyền và bên nhận ủy quyền;
Việc lập hợp đồng ủy quyền đòi hỏi bên nhận ủy quyền phải đồng ý và có giá trị bắt buộc phải thực hiện các công việc đã nêu trong hợp đồng, đồng thời bên nhận ủy quyền có thể được nhận thù lao (theo thỏa thuận, nếu có).
Thời hạn uỷ quyền:
Giấy uỷ quyền: Thời hạn ủy quyền do Người ủy quyền quy định hoặc do pháp luật quy định;
Hợp đồng uỷ quyền: Thời hạn uỷ quyền do các bên thoả thuận hoặc do pháp luật quy định; nếu không có thoả thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng uỷ quyền có hiệu lực một năm, kể từ ngày xác lập việc uỷ quyền. ( Điều 563 BLDS 2015).
Đơn phương chấm dứt Giấy uỷ quyền hoặc Hợp đồng uỷ quyền:
Giấy uỷ quyền: Sau khi Giấy ủy quyền được lập mà bên nhận ủy quyền không thực hiện công việc thì bên ủy quyền cũng không có quyền yêu cầu bên nhận ủy quyền phải thực hiện, kể cả việc bồi thường thiệt hại;
Hợp đồng uỷ quyền: Hợp đồng ủy quyền quy định rõ ràng về nghĩa vụ của bên được ủy quyền, và nếu có thiệt hại thì phải bồi thường nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng ủy quyền.