Giá trị pháp lý của thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
Vấn đề chia thừa kế là vấn đề xuất hiện thường xuyên trong cuộc sống, là việc tất yếu xảy ra khi người mất để lại di sản. Trong thực tế, có rất nhiều trường hợp người mất không để lại di chúc, do đó, trong trường hợp các bên có thỏa thuận về việc chia di sản thừa kế, các đồng thừa kế cần có văn bản thỏa thuận phân chia. Vậy làm thế nào để văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có giá trị pháp lý? Trong bài viết này, Luật Việt An sẽ cung cấp cho quý khách hàng những quy định pháp luật liên quan đến giá trị pháp lý của thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Cơ sở pháp lý
Luật Công chứng năm 2014.
Bộ luật Dân sự năm 2015;
Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;
Nghị định 23/2015/NĐ-CP cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch.
Một số khái niệm liên quan
Di sản thừa kế là gì?
Di sản thừa kế là tài sản của người chết để lại cho những người còn sống. Căn cứ theo quy định tại Điều 634 Bộ luật Dân sự 2015: “Di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác”.
Di sản thừa kế có thể là vật, tiền, giấy tờ có giá, quyền tài sản thuộc sở hữu của người chết để lại di sản.
Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là gì?
Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là văn bản được xác lập giữa các hàng thừa kế, trong đó thỏa thuận về quyền phân chia tài sản, từ chối nhận di sản, tặng cho di sản giữa những người có quyền hưởng thừa kế theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015. Việc phân chia di sản thừa kế có thể được thực hiện tại tòa án hoặc do những người thừa kế thỏa thuận.
Chủ thể thực hiện thỏa thuận phân chia di sản
Những người thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc mà trong di chúc không xác định rõ phần di sản được hưởng của từng người có quyền lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản theo quy định của pháp luật.
Đối tượng của thỏa thuận phân chia di sản
Đối tượng của thỏa thuận phân chia là khối di sản thuộc sở hữu chung của những người thừa kế bao gồm:
Tài sản riêng của người chết;
Tài sản của người chết trong khối tài sản chung hợp nhất của vợ chồng;
Tài sản của người chết trong khối tài sản chung theo phần với người khác.
Việc phân chia theo thỏa thuận, những người thừa kế tự do quyết định nội dung phân chia.
Giá trị pháp lý của thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
Hình thức
Căn cứ theo quy định tại Khoản 2 Điều 656 Bộ luật Dân sự năm 2015, mọi thỏa thuận của những người thừa kế phải được lập thành văn bản.
Như vậy, mọi thỏa thuận của những người thừa kế đều phải được lập thành văn bản bao gồm việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Nội dung
Trong văn bản thỏa thuận phân chia di sản, người được hưởng di sản có thể tặng cho toàn bộ hoặc một phần di sản mà mình được hưởng cho người thừa kế khác.
Điều kiện để thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có giá trị pháp lý
Hiện nay pháp luật Việt Nam chưa ghi nhận quy định bắt buộc phải công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Theo Điều 57.4 Luật Công chứng quy định: “Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đã được công chứng là một trong các căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký việc chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản cho người được hưởng di sản”.
Như vậy, trường hợp di sản thừa kế là quyền sử dụng đất, tài sản phải đăng ký quyền sở hữu mà theo quy định pháp luật phải có công chứng, chứng thực thì phải công chứng hoặc chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản đó để những thỏa thuận trong văn bản có giá trị pháp lý.
Thẩm quyền công chứng
Theo Điều 57 Luật Công chứng 2014, công chứng viên và tổ chức hành nghề công chứng là chủ thể có quyền công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản theo yêu cầu của những người thừa kế.
Khi thực hiện công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, chủ thể công chứng có trách nhiệm niêm yết việc thụ lý công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản trước khi thực hiện việc công chứng.
Thẩm quyền chứng thực
Căn cứ theo Điểm h, Khoản 2, Điều 5 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có thẩm quyền và trách nhiệm trong việc chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản mà di sản được quy định tại các Điểm c, d, đ Khoản này. Theo đó, Ủy ban nhân dân có thẩm quyền và trách nhiệm:
Chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến tài sản là bất động sản;
Chứng thực hợp đồng giao dịch liên quan đến thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai;
Chứng thực hợp đồng, giao dịch về nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở.
Giá trị pháp lý của thỏa thuận
Văn bản thỏa thuận phân chia di sản được công chứng có hai giá trị, cụ thể là:
Giá trị chứng cứ;
Giá trị thi hành của văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng.
Hiệu lực của văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 Luật Công chứng năm 2014, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đã được công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký và đóng dấu của tổ chức hành nghề công chứng.
Sự cần thiết của việc công chứng, chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
Để đảm bảo tính xác thực và khách quan của văn bản này trong các thủ tục hành chính sau đó, những người thừa kế trên thực tế đều lựa chọn công chứng, chứng thực để đảm bảo tính pháp lý của thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Việc công chứng bản thỏa thuận này là điều cần thiết để làm căn cứ giải quyết các tranh chấp có thể xảy ra sau này về vấn đề phân chia di sản thừa kế. Do những người thuộc hàng thừa kế có thể lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế trong đó thể hiện ý chí của các bên. Đồng thời để đảm bảo tính pháp lý cao nhất văn bản này nên được thực hiện công chứng tại văn phòng công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực theo quy định của pháp luật.
Thủ tục phân chia di sản thừa kế
Các đồng thừa kế họp mặt để đưa ra thống nhất về việc cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, nếu người để lại di sản không chỉ định trong di chúc; phương án phân chia di sản.
Nếu những người thừa kế thỏa thuận được thì việc lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng: bao gồm Phòng Công chứng và Văn Phòng Công chứng; hoặc chứng thực chữ ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
Trường hợp những đồng thừa kế khác không thể đến tổ chức hành nghề công chứng thì có thể lập văn bản ủy quyền cho chính người phân chia di sản. Sau khi đã có văn bản ủy quyền thì người được ủy quyền sẽ đến văn phòng công chứng nộp các giấy tờ sau:
Giấy tờ nhân thân của những người khi nhận di sản thừa kế: Căn cước công dân hoặc chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy khai sinh;
Giấy chứng tử của người để lại di sản thừa kế;
Bản sơ yếu lý lịch của người được ủy quyền phân chia di sản thừa kế;
Giấy tờ về di sản thừa kế như: giấy tờ chứng minh quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất; giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất; sổ tiết kiệm và các giấy tờ khác chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản khác;
Giấy ủy quyền, giấy từ chối nhận di sản (nếu có).
Trường hợp thừa kế theo pháp luật: giấy tờ chứng minh quan hệ giữa người để lại di sản và người được hưởng di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế;
Trường hợp thừa kế theo di chúc: bản sao hoặc bản gốc di chúc;
Trường hợp có các nghĩa vụ tài sản và các khoản chi phí liên quan đến thừa kế phải được thanh toán thì cần có các giấy tờ, tài liệu liên quan về việc có nghĩa vụ tài sản, việc đã thanh toán hay chưa thanh toán các nghĩa vụ tài sản này.
Thỏa thuận phân chia di sản thừa kế vô hiệu
Thỏa thuận phân chia di sản vô hiệu có thể do nhiều nguyên nhân:
Vi phạm nguyên tắc giao kết;
Người thừa kế hưởng quyền nhưng không thực hiện nghĩa vụ như thỏa thuận thì tranh chấp sẽ xảy ra;
Việc không đúng, không đủ người thừa kế cũng như người tham gia thỏa thuận phân chia di sản thừa kế cũng dẫn đến văn bản vô hiệu;
Người quản lý tài sản của người vắng mặt hoặc mất tích mặc dù không có quyền đại diện cho người vắng mặt hoặc mất tích trong việc phân chia di sản mà người sau này có quyền hưởng nhưng vẫn tham gia vào việc phân chia di sản dẫn đến văn bản thỏa thuận vô hiệu;
Vi phạm các quy định của pháp luật về việc đại diện và vì lợi ích của người chưa thành niên, của người được giám hộ;
Người được ủy quyền vượt quá phạm vi ủy quyền và vi phạm lợi ích của người ủy quyền;
Vi phạm quyền của người được hưởng thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc;
Những người thừa kế không thống nhất cách hiểu về nội dung di chúc và khởi kiện ra Tòa án để phân chia di sản;
Xác định không đúng, không đủ khối tài sản chia và phần được chia của mỗi người;
Thỏa thuận phân chia vượt quá phần tài sản có quyền thỏa thuận phân chia;
Phân chia di sản không thể thỏa thuận phân chia hoặc bị hạn chế phân chia.
Trong trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được về việc phân chia di sản thì họ có thể kiện ra Tòa để Tòa phân chia di sản. Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tuyên văn bản thỏa thuận phân chia di sản vô hiệu.
Quý khách hàng có nhu liên quan đến thỏa thuận phân chia di sản thừa kế, tư vấn pháp luật thừa kế, giải quyết tranh chấp liên quan đến thừa kế xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.