Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau. Nhãn hiệu liên kết sẽ bao gồm từ hai sản phẩm, dịch vụ trở lên. Quy định mới hiện nay pháp luật không còn về nhãn hiệu liên kết. Vậy nếu đăng ký nhiều nhãn hiệu tương tự cho cùng 1 chủ thể thì thủ tục đăng ký nhãn hiệu như thế nào? Sau đây, Luật Việt An sẽ tư vấn giải đáp thắc mắc cho quý khách hàng.
Trước đây, Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) quy định về nhãn hiệu liên kết như sau: Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau. hãn hiệu liên kết có những đặc điểm như sau:
Đặc điểm về chủ thể: Các nhãn hiệu này phải do cùng một chủ thể đăng ký thì mới được coi là nhãn hiệu liên kết.
Đặc điểm về nhãn hiệu: Bên cạnh, cùng một chủ thể đăng ký, các nhãn hiệu được coi là nhãn hiêu liên kết phải thỏa mãn điều kiện là Các nhãn hiệu này có dấu hiệu trùng hoặc tương tự nhau. Ví dụ có thể kể đến Toyota Corolla, Camry, Vios, Toyota Celica, Toyota Avalon là nhãn hiệu tương tự nhau của tập đoàn sản xuất ô tô Nhật Bản Toyota.
Đặc điểm về sản phẩm, dịch vụ: Các nhãn hiệu này phải có liên quan tới nhau về mẫu nhãn hiệu và nhóm ngành sản phẩm dịch vụ cung cấp. Cụ thể: Wave, Wave S, Wave RS, là các nhãn hiệu cho dòng sản phẩm của Honda về xe máy Wave. Đây chính là các nhãn hiệu liên kết của công ty Honda.
Mục đích đăng ký nhãn hiệu liên kết là nhằm ngăn chặn bên thứ ba đăng ký những nhãn hiệu tương tự với nhãn hiệu mà doanh nghiệp đã được cấp văn bằng bảo hộ. Các doanh nghiệp cần quan tâm đến việc đăng ký nhãn hiệu liên kết để bảo vệ quyền và lợi ích tốt nhất của mình.
Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022 (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023) đã sửa đổi bổ sung một số quy định về nhãn hiệu, trong đó điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã loại bỏ quy định về nhãn hiệu liên kết. Điều khoản chuyển tiếp không quy định trực tiếp về hiệu lực của các nhãn hiệu liên kết đã được cấp văn bằng trước thời điểm 01/012023, tuy nhiên, có thể hiểu hiện nay không còn quy định về loại nhãn hiệu này.
Lưu ý thủ tục đăng ký đối với nhãn hiệu liên kết áp dụng năm 2025
Không yêu cầu phải đăng ký nhãn hiệu kiểu liên kết. Điều này đồng nghĩa với việc không còn yêu cầu phải chứng minh mối quan hệ liên kết giữa các nhãn hiệu khi đăng ký nhãn hiệu. Các doanh nghiệp hoặc cá nhân có thể đăng ký nhãn hiệu độc lập mà không cần phải liên kết với các nhãn hiệu khác, qua đó giúp đơn giản hóa và thuận tiện hơn cho việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Như vậy, hiện nay, nếu đăng ký nhiều nhãn hiệu tương tự cho cùng 1 chủ thể thì thủ tục đăng ký nhãn hiệu như thông thường, chủ thể mặc nhiên có quyền ưu tiên đăng ký.
Lưu ý tờ khai đăng ký nhãn hiệu theo quy định mới hiện nay
Theo hướng dẫn của Cục Sở hữu trí tuệ, tài liệu tối thiểu cần có trong hồ sơ đăng ký nhãn hiệu bao gồm:
Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, đánh máy theo mẫu số 08 Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP:
05 Mẫu nhãn hiệu kèm theo (mẫu nhãn hiệu kèm theo phải giống hệt mẫu nhãn hiệu dán trên tờ khai đơn đăng ký kể cả về kích thước và màu sắc. Mẫu nhãn hiệu phải được trình bày rõ ràng với kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8mm, tổng thể nhãn hiệu phải được trình bày trong khuôn mẫu nhãn hiệu có kích thước 80mm x 80mm. Nếu yêu cầu bảo hộ màu sắc thì tất cả các mẫu nhãn hiệu trên tờ khai và kèm theo đều phải được trình bày đúng màu sắc cần bảo hộ);
Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Cần lưu ý theo mẫu tờ khai đăng ký nhãn hiệu theo mẫu số 08 Phụ lục 1 của Nghị định số 65/2023/NĐ-CP, ở phần “Loại nhãn hiệu đăng ký”, tờ khai đã loại bỏ lựa chọn “nhãn hiệu liên kết”. Điều này là để thống nhất với những thay đổi trong Luật Sở hữu trí tuệ mới, cụ thể điểm c khoản 1 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã bỏ định nghĩa về nhãn hiệu liên kết.
Cũng trong phần “Loại nhãn hiệu đăng ký”, tờ khai đã bổ sung thêm lựa chọn “Nhãn hiệu ba chiều” và “Nhãn hiệu âm thanh”. Điều này nhằm nội luật hóa các quy định trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.
Như vậy, nếu đăng ký nhiều nhãn hiệu tương tự cho cùng 1 chủ thể không thuộc các trường hợp: nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu âm thanh, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu ba chiều thì người nộp đơn không cần đánh dấu vào loại nhãn hiệu ở Tờ khai đăng ký nhãn hiệu.
Một đơn đăng ký nhãn hiệu có thể yêu cấp cho nhiều nhãn hiệu được không?
Theo Khoản 4 Điều 101 Luật Sở hữu trí tuệ, “Mỗi đơn đăng ký có thể yêu cầu cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hóa, dịch vụ khác nhau”.
Như vậy, một đơn đăng ký nhãn hiệu không thể yêu cấp cho nhiều nhãn hiệu mà chỉ có thể yêu cầu cấp cho một nhãn hiệu dùng cho một hoặc nhiều hàng hóa, dịch vụ khác nhau.
Thời hạn xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu
Theo Khoản 3 Điều 110, Điều 119 Luật Sở hữu trí tuệ; Điều 9, Điều 10 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN/2023/TT-BKHCN, kể từ ngày được Cục Sở hữu trí tuệ tiếp nhận, đơn đăng ký nhãn hiệu được xem xét theo trình tự sau:
Thẩm định hình thức: 01 tháng
Công bố đơn: trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu có Quyết định chấp nhận đơn hợp lệ
Thẩm định nội dung: không quá 09 tháng, kể từ ngày công bố đơn.
Lưu ý về quyền ưu tiên trong đăng ký nhãn hiệu
Theo Điều 91 Luật Sở hữu trí tuệ, quyền ưu tiên khi đăng ký nhãn hiệu – người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ cùng một đối tượng nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:
Phạm vi lãnh thổ: Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định về quyền ưu tiên mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là thành viên hoặc có thoả thuận áp dụng quy định như vậy với Việt Nam;
Chủ thể nộp đơn: Người nộp đơn là công dân Việt Nam, công dân của nước khác cư trú hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước khác;
Nội dung yêu cầu: Trong đơn có nêu rõ yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên;
Thời hạn: Đơn được nộp trong thời hạn ấn định tại điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Ngoài ra, trong một đơn đăng ký nhãn hiệu, người nộp đơn có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở nhiều đơn khác nhau được nộp sớm hơn với điều kiện phải chỉ ra nội dung tương ứng giữa các đơn nộp sớm hơn ứng với nội dung trong đơn.
Trên đây là tư vấn của Luật Việt An về đăng ký nhãn hiệu liên kết theo quy định mới hiện nay. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hoặc có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu, vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được tư vấn hỗ trợ tốt nhất!