Nhằm đảm bảo chất lượng thực phẩm với người tiêu dùng, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ngày càng quan tâm tới chứng nhận. Giấy chứng nhận HACCP (viết tắt của cụm từ tiếng Anh Hazard Analysis and Critical Control Point System) là một trong những bước quan trọng nhất để xác nhận rằng một doanh nghiệp thực phẩm tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm. Với sự gia tăng của yêu cầu về an toàn thực phẩm trên toàn cầu, việc đạt được chứng nhận HACCP đang trở thành mục tiêu hết sức quan trọng đối với các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thực phẩm. Bài viết dưới đây Luật Việt An xin cung cấp cho quý khách những thông tin cần thiết về điều kiện cấp Giấy chứng nhận HACCP.
Giấy chứng nhận HACCP là gì?
Chứng nhận HACCP là một tài liệu được cấp cho các nhà chế biến và sản xuất thực phẩm để chứng nhận đã phát triển và thực hiện một kế hoạch an toàn vệ sinh thực phẩm toàn diện. HACCP hình thành từ khoảng những năm 1960 dựa trên nhu cầu về việc tạo ra những loại thực phẩm an toàn, đảm bảo dinh dưỡng để có thể sử dụng trong thời gian thám hiểm vũ trụ. Vào năm 1973, FAD yêu cầu áp dụng HACCP vào quá trình sản xuất, chế biến thực phẩm. Năm 1994, Tổ chức Liên minh HACCP quốc tế được thành lập nhằm hỗ trợ các ngành công nghiệp chế biến thịt và gia cầm của Mỹ trong việc áp dụng HACCP. Từ đó, HACCP được công nhận là một hệ thống quản lý chất lượng an toàn thực phẩm trên toàn thế giới.
Việc áp dụng HACCP ở Việt Nam bắt đầu từ những năm 1990 đối với ngành chế biến thủy sản, và đến nay, áp dụng cho mọi loại hình sản xuất, chế biến thực phẩm khác nhau. Các doanh nghiệp ở Việt Nam thường xây dựng hệ thống HACCP và được chứng nhận theo một trong các tiêu chuẩn: TCVN 5603:2008 hay HACCP Code 2003 (của Australia).
Cấu trúc tiêu chuẩn HACCP mà các doanh nghiệp Việt Nam thường hay dùng bao gồm 10 phần:
Mục tiêu
Phạm vi áp dụng và định nghĩa
Khâu ban đầu
Cơ sở: Thiết kế và phương tiện
Kiểm soát hoạt động
Cơ sở: Bảo dưỡng và làm vệ sinh
Cơ sở: Vệ sinh cá nhân
Vận chuyển
Thông tin về sản phẩm và sự hiểu biết của người tiêu dùng
Đào tạo
Điều kiện cấp Giấy chứng nhận HACCP
Điều kiện 1: Doanh nghiệp phải xây dựng và áp dụng chứng nhận HACCP
Mỗi doanh nghiệp có hệ thống Quản lý An toàn Thực phẩm riêng biệt, phù hợp với các yếu tố như lĩnh vực hoạt động, phương pháp sản xuất, quy trình thực hiện và quy mô kinh doanh của đơn vị. Vì vậy, tùy từng doanh nghiệp sẽ xây dựng và triển khai các tiêu chuẩn cho phù hợp với bối cảnh của mình để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất. Một số khía cạnh mà doanh nghiệp cần quan tâm như:
Sự cam kết của lãnh đạo trong việc xây dựng và áp dụng tiêu chuẩn HACCP tại đơn vị.
Thực hiện đánh giá và lập kế hoạch tiêu chuẩn HACCP một cách cụ thể và chi tiết nhất.
Thiết lập hệ thống HACCP dựa trên các điều kiện kinh doanh cụ thể.
Áp dụng đầy đủ 7 nguyên tắc trong Hệ thống Quản lý An toàn Thực phẩm. Gồm: Phân tích mối nguy trong HACCP, Xác định các điểm kiểm soát tới hạn, Thiết lập giới hạn cho các điểm kiểm soát, Thiết lập quy trình giám sát cho các điểm kiểm soát tới hạn, Thiết lập hành động khắc phục, Thiết lập thủ tục xác minh, Thiết lập hệ thống lưu trữ hồ sơ.
Đề xuất các biện pháp cải tiến hiệu quả để nâng cao hệ thống và khắc phục các điểm yếu.
Điều kiện 2: Đăng ký chứng nhận HACCP
Sau khi đã xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn kể trên, doanh nghiệp cần đăng ký chứng nhận tại tổ chức uy tín được chỉ định. Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của doanh nghiệp sẽ đánh giá doanh nghiệp. Nếu đáp ứng các yêu cầu, doanh nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ. Còn nếu không sẽ có thời gian quy định để thực hiện các biện pháp khắc phục.
Điều kiện 3: Duy trì hiệu lực của chứng nhận
Mặc dù doanh nghiệp đã được cấp chứng nhận HACCP, tuy nhiên doanh nghiệp cần duy trì, cải tiến hệ thống để đảm bảo tính hợp lệ của chứng chỉ và mang lại lợi ích cao cho đơn vị trong quá trình sản xuất kinh doanh, kiểm soát các mối nguy, không để bất kỳ tác động tiêu cực nào xảy ra đối với hàng hóa, sản phẩm.
Đối tượng áp dụng HACCP
Giấy chứng nhận HACCP thường áp dụng trong các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thực phẩm. Có thể kể đến như:
Doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh thực phẩm, thức ăn chăn nuôi, thủy sản…;
Cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, thức ăn công nghiệp, khu chế xuất;
Cơ sở dịch vụ ăn uống, nhà hàng, khách sạn và các tổ chức có hoạt động liên quan đến thực phẩm.
Các tổ chức, doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, vận hành trong lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, muốn chứng minh chất lượng về an toàn thực phẩm.
Quy trình đánh giá chứng nhận HACCP
Bước 1: Xác định phạm vi chứng nhận, tư vấn xây dựng HACCP
Bước 2: Doanh nghiệp chuẩn bị các hồ sơ cho cuộc đánh giá.
Trước tiên phải đánh giá sơ bộ để xác định mức độ đáp ứng của doanh nghiệp với yêu cầu của tiêu chuẩn. Sau đó chuyển sang đánh giá chính thức (đánh giá tại doanh nghiệp). Cuối cùng xét hồ sơ sau đánh giá và xem xét hướng dẫn Doanh nghiệp khắc phục các tiêu chuẩn không phù hợp (nếu có).
Bước 3: Quyết định cấp chứng nhận
Chứng chỉ HACCP có hiệu lực 03 năm và thực hiện giám sát hàng năm.
Bước 4: Đánh giá giám sát định kỳ
Trong 03 năm, doanh nghiệp tiến hành đánh giá giám sát 02 lần. Chu kỳ đánh giá giám sát không quá 12 tháng kể từ lần đánh giá trước, nhằm đảm bảo Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm của doanh nghiệp tuân thủ các yêu cầu chuẩn mực của HACCP đưa ra;
Ngoài ra cần phải đánh giá tái chứng nhận sau 03 năm. Sau khi hoàn thành chu kỳ 03 năm, doanh nghiệp sẽ đánh giá tái chứng nhận, cuộc đánh giá diễn ra tương tự như lần đầu. Chứng chỉ HACCP sẽ được cấp mới và có giá trị trong 03 năm.
Giấy chứng nhận HACCP hiển thị những thông tin gì?
Thông tin cần có trong một giấy chứng nhận hợp pháp bao gồm các nội dung sau:
Thông tin của doanh nghiệp được cấp chứng nhận (bao gồm: tên công ty, địa chỉ, mã số thuế)
Logo của tổ chức chứng nhận
Tên hệ thống quản lý được chứng nhận
Địa chỉ doanh nghiệp được chứng nhận
Tên của tiêu chuẩn chứng nhận (cụ thể là HACCP)
Phạm vi chứng nhận (lĩnh vực, ngành nghề của doanh nghiệp)
Mã số chứng nhận
Ngày cấp chứng nhận – Ngày hết hạn
Dấu hiệu chứng nhận
Chữ ký và tên của đại diện đơn vị cấp chứng chỉ HACCP
Thông tin của tổ chức cấp chứng chỉ (gồm: tên công ty, địa chỉ, số điện thoại, website)
Căn cứ theo Điểm k, Khoản 1, Điều 12 Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định như sau:
“Cơ sở đã được cấp Giấy chứng nhận Hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP) không phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm”
Như vậy, Giấy chứng nhận HACCP hoàn toàn có thể thay thế được Giấy phép vệ sinh an toàn thực phẩm.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có chứng nhận được tiêu chuẩn HACCP không?
Các doanh nghiệp lớn thì họ có đủ chi phí và nhân lực để thực hiện. Tuy nhiên với doanh nghiệp nhỏ thì việc áp dụng HACCP là thách thức lớn bởi điều kiện cấp giấy chứng nhận HACCP khá khó. Tuy nhiên các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều hoàn toàn chứng nhận được HACCP.
Giấy chứng nhận HACCP được cấp bởi ai?
Tổ chức chứng nhận phải là các đơn vị được chỉ định của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất Lượng – Bộ Khoa học và công nghệ trong lĩnh vực chứng nhận. Và phải là cơ quan độc lập với đơn vị tư vấn áp dụng tiêu chuẩn HACCP. Tại Việt Nam, hiện nay có rất nhiều tổ chức chứng nhận để doanh nghiệp bạn có thể lựa chọn có cả các Tổ chức chứng nhận nước ngoài đăng ký hoạt động tại Việt Nam.
Lưu ý: Để không phải gặp khó khăn về lựa chọn tổ chức chứng nhận, doanh nghiệp có thể tham khảo ý kiến từ đơn vị đang thực hiện tư vấn áp dụng tiêu chuẩn HACCP cho mình về các tổ chứng chứng nhận sao cho phù hợp với nhận sự, năng lực và chi phí của doanh nghiệp.
Thời gian cấp chứng nhận HACCP là bao lâu?
Từ 60 – 90 ngày.
Dịch vụ tư vấn giấy chứng nhận HACCP
Tư vấn điều kiện xin cấp chứng nhận HACCP
Hỗ trợ đối với các chứng nhận liên quan như Hệ thống quản lý chất lượng- ISO 9001:2015; chứng nhận ISO 14001; ISO 22000; Chứng nhận HACCP; Chứng nhận hợp quy; Chứng nhận tiêu chuẩn Việt Nam; Công bố thực phẩm và các dịch vụ pháp lý khác.
Quý khách có nhu cầu đăng ký dịch vụ tư vấn, thủ tục liên quan đến chứng nhận HACCP hoặc sử dụng dịch vụ tư vấn khác, vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được tư vấn hiệu quả, nhanh chóng và chi tiết nhất.