Giảm lệ phí cấp GPKD lữ hành nội địa 50% từ 01.07.2025
Từ ngày 1/7/2025, gần 50 khoản phí, lệ phí chính thức giảm 50% nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh. Đây là nội dung quan trọng tại Thông tư số 64/2025/TT-BTC về quy định mức thu, miễn phí hỗ trợ doanh nghiệp, người dân. Trong đó, đối với lĩnh vực dịch vụ lữ hành, giảm lệ phí cấp GPKD lữ hành nội địa 50% từ 01.07.2025. Sau đây, Luật Việt An sẽ cập nhật quy định mới này về lệ phí cấp GPKD lữ hành nội địa theo Thông tư số 64/2025/TT-BTC.
Kinh doanh lữ hành nội địa là gì?
Kinh doanh dịch vụ lữ hành là việc xây dựng, bán và tổ chức thực hiện một phần hoặc toàn bộ chương trình du lịch cho khách du lịch, bao gồm: Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa và kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế.
Theo Khoản 1 Điều 30 Luật Du lịch năm 2017, kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa có đối tượng phục vụ là khách du lịch nội địa. Doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa ngoài việc đáp ứng điều kiện để kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa còn phải được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.
Điều kiện doanh nghiệp cần đáp ứng khi kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa gồm:
Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng: Mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa: 100.000.000 đồng theo Nghị định 168/2017/NĐ-CP về mức ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp cao đẳng trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế. Quy định về bằng cấp của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được quy định tại Điều 3 Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL, được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 13/2019/TT-BVHTTDL, Thông tư 04/2024/TT-BVHTTDL.
Quy định mới giảm lệ phí cấp GPKD lữ hành nội địa 50% từ 01.07.2025
Theo số thứ tự 17 Khoản 1 Điều 1 Thông tư số 64/2025/TT-BTC quy định:
“Điều 1. Mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân
…1. Kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2025 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2026, mức thu một số khoản phí, lệ phí được quy định như sau:
…. a) Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
Bằng 50% mức thu phí quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư số 33/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp và quản lý phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa; phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch; lệ phí cấp Giấy phép thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành nước ngoài.”
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 33/2018/TT-BTC quy định phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa như sau:
Cấp mới: 3.000.000 đồng/giấy phép;
Cấp đổi: 2.000.000 đồng/giấy phép;
Cấp lại: 1.500.000 đồng/giấy phép.
Như vậy, từ ngày 01/7/2025 đến hết năm 2026, lệ phí cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa sẽ áp dụng theo mức như sau:
Cấp mới: 1.500.000 đồng/giấy phép.
Cấp đổi: 1.000.000 đồng/giấy phép.
Cấp lại: 750.000 đồng/giấy phép.
Lưu ý khi áp dụng giảm lệ phí cấp GPKD lữ hành nội địa 50% từ 01.07.2025
Mức thu phí nêu trên áp dụng cả đối với trường hợp sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2027 trở đi, mức thu các khoản phí, lệ phí quy định tại Biểu nêu trên thực hiện theo quy định tại các Thông tư 33/2018/TT-BTC.
Người nộp phí, lệ phí: Tổ chức, cá nhân khi nộp hồ sơ đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về du lịch cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa.
Tổ chức thu phí, lệ phí: Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, cụ thể là cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh (thường là Sở Văn hóa Thể Thao Du lịch hoặc Sở Du lịch tùy vào sự phân cấp từng tỉnh).
Quản lý, sử dụng phí: Tổ chức thu phí được trích để lại 90% tổng số tiền phí thẩm định thu được để chi cho hoạt động thẩm định, thu phí và nộp 10% vào ngân sách nhà nước. Tiền phí để lại được quản lý và sử dụng theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 120/2016/NĐ-CP; trong đó, các Khoản chi khác liên quan đến thực hiện công việc, dịch vụ và thu phí, bao gồm cả: Chi thiết lập Phần mềm quản lý, thiết lập hệ thống mạng, thuê máy chủ và duy trì hệ thống mạng phục vụ công tác cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành; Tập huấn nghiệp vụ kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Mức giảm phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa 50% từ 01.07.2025
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Thông tư 33/2018/TT-BTC, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch (bao gồm: cấp mới, cấp đổi, cấp lại):
Đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và nội địa: 650.000 đồng/thẻ;
Đối với hướng dẫn viên du lịch tại điểm: 200.000 đồng/thẻ.
Tuy nhiên, từ ngày 01 tháng 7 năm 2025 đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2026, phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch giảm 50% mức thu phí trước đây. Như vậy, giảm phí thẩm định cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch nội địa 50% từ 01.07.2025 còn 375.000 đồng/thẻ.
Các lần giảm phí cấp phép lữ hành nội địa từ năm 2022 đến nay
Trong thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã nhiều lần ban hành quy định mức giảm phí, lệ phí liên quan đến dịch vụ lữ hành nội địa nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân, đặc biệt trong giai đoạn phục hồi sau Covid-19. Cụ thể:
Thông tư 43/2024/TT-BTC: Giảm 50% Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa từ 01/07/2024 đến hết 31/12/2024.
Thông tư 44/2023/TT-BTC: Giảm 50% Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa từ 01/07/2023 đến hết 31/12/2023.
Thông tư 120/2021/TT-BTC: Giảm 50% Phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa từ 01/01/2022 đến hết 30/06/2022.
Lưu ý hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa
Hồ sơ, trình tự, thủ tục, thẩm quyền cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo hướng dẫn tại Điều 32 Luật Du lịch năm 2017, cụ thể:
Thành phần hồ sơ
Hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa bao gồm:
Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo Mẫu số 01 Phụ lục II Thông tư 04/2024/TT-BVHTTD;
Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định.
Trình tự, thủ tục, thẩm quyền
Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa nộp 01 bộ hồ sơ đến Sở Văn hóa Thể Thao Du lịch hoặc Sở Du lịch cấp tỉnh nơi doanh nghiệp có trụ sở;
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Văn hóa Thể Thao Du lịch hoặc Sở Du lịch cấp tỉnh thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Trên đây là tư vấn về giảm lệ phí cấp GPKD lữ hành nội địa 50% từ 01.07.2025. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan hay có nhu cầu tư vấn xin giấy phép trong lĩnh vực du lịch, vui lòng liên hệ với Luật Việt An để được tư vấn cụ thể và chi tiết hơn.