Lưu ý khi giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Sự kiện Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa quan hệ vào năm 1995 đã mở ra nhiều cơ hội cho việc giao thương giữa Việt Nam và thế giới. Hiện nay, Việt Nam là thành viên của 10 Hiệp định thương mại tự do; đồng thời, Cộng đồng kinh tế ASEAN chính thức có hiệu lực vào ngày 31 tháng 12 năm 2015 và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP vừa kết thúc vòng đàm phán, hứa hẹn sẽ thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ thương mại quốc tế Việt Nam với thế giới. Theo số liệu từ Cục Hải Quan, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước đạt 327.76 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2014; do đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những khu vực trọng điểm của xuất nhập khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, vấn đề pháp luật và tranh chấp trong hợp đồng vẫn là một thách thức lớn với các doanh nghiệp nội địa, vốn ở vị trí yếu thế hơn hẳn so với các đối tác nước ngoài.
Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 84 của Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế (CISG – United Nations Convention on Contracts for the International Sale of Goods) vào ngày 18 tháng 12 năm 2015 và sẽ chính thức có hiệu lực ràng buộc từ ngày 01 tháng 01 năm 2017. Công ước này sẽ mặc nhiên có hiệu lực đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế theo quy định tại Điều 1 Công ước. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa cập nhật được thông tin này. Một số vấn đề pháp lý mà các doanh nghiệp, kể cả là doanh nghiệp nội địa lẫn doanh nghiệp nước ngoài cần quan tâm như sau:
Thứ nhất, theo Điều 1.1 CISG 1980 một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa một doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài sẽ chịu sự điều chỉnh của CISG 1980 trong hai trường hợp:
Cả hai bên trong hợp đồng đều đến từ nước là thành viên Công ước này.
Khi luật được chọn để điều chỉnh nội dung hợp đồng là luật của một nước là thành viên Công ước này.
Vì vậy, nếu muốn loại trừ sự điều chỉnh mặc nhiên của CISG 1980, hai bên phải ghi nhận điều khoản loại trừ trong hợp đồng một cách minh thị.
Thứ hai, CISG 1980 không điều chỉnh tất cả các khía cạnh pháp lý của một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, mà chỉ điều chỉnh một số nội dung:
Chào hàng và giao kết hợp đồng.
Quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng.
Vi phạm hợp đồng và các biện pháp khắc phục hậu quả.
Vấn đề chuyển rủi ro.
Các vấn đề pháp lý khác sẽ do luật các bên chọn điều chỉnh. Vì vậy, việc tìm hiểu và áp dụng các quy định của Công ước là một công việc tối cần thiết với các doanh nghiệp ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Thứ ba, về hình thức của lời chào hàng, chấp nhận lời chào hàng và giao kết, sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng. Tuy Điều 11 Công ước này không bắt buộc phải thực hiện dưới hình thức văn bản, nhưng Việt Nam cũng đã tuyên bố bảo lưu theo sự cho phép tại Điều 96 nên tất cả các hành vi nêu trên đều phải được thực hiện bằng văn bản. Đây cũng là một lưu ý quan trọng với các bên, dù là thực hiện bất cứ hành vi pháp lý nào, cũng nên thực hiện dưới hình thức văn bản, fax, email… để tránh tranh chấp về sau.
Thứ tư, về vấn đề giải quyết tranh chấp. Trong một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các bên có thể thỏa thuận lựa chọn cơ quan giải quyết tranh chấp là Tòa án một quốc gia hay một Trung tâm trọng tài cụ thể. Thực tiễn cho thấy, các doanh nghiệp nước ngoài thường ưa chuộng sử dụng điều khoản trọng tài để làm căn cứ giải quyết tranh chấp. Tuy nhiên, một số quốc gia có trung tâm trọng tài uy tín, lại áp dụng Điều 95 CISG 1980, để bảo lưu Điều 1.1.b. Tức là, chiếu theo quy tắc luật trung tâm trọng tài (lex arbitri) thì pháp luật của quốc gia nơi có trung tâm trọng tài đó sẽ được áp dụng, nhưng nếu quốc gia đó là thành viên công ước và đã tuyên bố bảo lưu Điều 1.1.b thì CISG sẽ không có hiệu lực điều chỉnh để giải quyết tranh chấp, mà sẽ là luật thực chất của quốc gia đó. Điều này xuất phát từ quan điểm chủ quyền quốc gia, các nền kinh tế lớn gia nhập CISG 1980 để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp nước mình giao kết hợp đồng với quốc tế, nhưng lại muốn các trung tâm trọng tài áp dụng luật quốc gia mình để giải quyết các tranh chấp phát sinh.
Một ví dụ cụ thể là Singapore, một đất nước phát triển mạnh về xuất nhập khẩu hàng hóa và có các Trung tâm Trọng tài uy tín, thường được lựa chọn trong các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài, đã tuyên bố bảo lưu Điều 1.1.b. Vì vậy, trong một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế giữa doanh nghiệp Việt Nam và một đối tác nước ngoài có lựa chọn Trung tâm trọng tài tại Singapore là cơ quan giải quyết tranh chấp, thì CISG 1980 sẽ không được áp dụng, mà sẽ là Luật Singapore. Đây cũng là một bất lợi lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam, vốn chưa có nhiều kinh nghiệm giải quyết tranh chấp tại trọng tài quốc tế.
Thứ năm, về mối quan hệ giữa CISG 1980 và tập quán thương mại quốc tế Incoterms. CISG 1980 có quy định về vấn đề chuyển rủi ro, tuy nhiên, không thực sự rõ ràng về thời điểm chuyển rủi ro, cũng như trách nhiệm cụ thể của các bên. Thực tiễn, trong các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, các điều kiện giao hàng theo Incoterms thường được áp dụng, có tác dụng bổ sung và cụ thể hóa vấn đề chuyển rủi ro trong CISG 1980. Mỗi một điều khoản Incoterms có quy định khác biệt, nên việc hiểu, vận dụng và kết hợp CISG 1980 và Incoterms là điều cần thiết đối với các doanh nghiệp ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế.
Mọi vướng mắc liên quan đến giao kết hợp đồng mua bán hang hoá quốc tế, Quý khách hàng vui lòng liên hệ với Công ty Luật Việt An để được tư vấn chi tiết.