Thời hiệu giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán là bao lâu?
Trong cuộc sống kinh doanh, tranh chấp hợp đồng mua bán không phải là điều hiếm gặp. Khi xảy ra tranh chấp, hai bên có thể thương lượng hòa giải với nhau trước; nếu trường hợp không thể đưa ra được chung 1 phương án thì có thể đưa vụ việc lên Tòa án. Tuy nhiên, việc giải quyết tranh chấp này một cách hiệu quả và công bằng là một thách thức đối với các bên liên quan. Và thời hiệu giải quyết tranh chấp là 1 vấn đề quan trọng mà các bên rất quan tâm. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ trình bày những vấn đề pháp lý liên quan đến thời hiệu giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán.
Các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán
Hiện nay có 4 phương thức giải quyết các tranh chấp hợp đồng dân sự nói chung và hợp đồng mua bán nói riêng được thể hiện bằng sơ đồ dưới đây:
Lưu ý: Trọng tài chỉ giải quyết những tranh chấp hợp đồng mua bán thuộc thẩm quyền của mình được quy định tại Điều 2 Luật Trọng tài thương mại 2010. Bao gồm:
Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại;
Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại,
Tranh chấp khác giữa các bên mà pháp luật quy định được giải quyết bằng Trọng tại.
Thời hiệu giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán tại Tòa án là bao lâu?
Căn cứ theo khoản 2, Điều 149 Bộ luật Dân sự 2015 và khoản 2 Điều 184 Bộ luật TTDS 2015 quy định như sau:
“Tòa án chỉ áp dụng quy định về thời hiệu theo yêu cầu áp dụng thời hiệu của một bên hoặc các bên với điều kiện yêu cầu này phải được đưa ra trước khi Tòa án cấp sơ thẩm ra bản án, quyết định giải quyết vụ việc.”
Như vậy nếu đương sự không yêu cầu xem xét vời thời hiệu giải quyết tranh chấp thì Tòa án sẽ không áp dụng. Còn trường hợp các bên yêu cầu Tòa áp dụng thời hiệu khởi kiện thì Tòa sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Đối với là tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, thời hiệu giải quyết tranh được quy định tại Điều 429 Bộ luật Dân sự 2015, cụ thể: “Thời hiệu khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng là 03 năm, kể từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm”.
Đối với những tranh chấp thương mại như tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa, thời hiệu khởi kiện sẽ được quy định tại Điều 319, Luật Thương mại 2005, quy định: “Thời hiệu khởi kiện áp dụng đối với các tranh chấp thương mại là hai năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm, trừ trường hợp quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 237 của Luật này”
Như vậy có thể thấy tùy từng loại hợp đồng mua bán khác nhau mà thời hiệu khởi kiện sẽ quy định tại các luật khác nhau. Người có quyền trong hợp đồng có thời hạn là 03 năm để khởi kiện và yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản, trong khi đó chỉ có 02 năm để khởi kiện và yêu cầu Tòa giải quyết hợp đồng mua bán hàng hóa. thời hiệu khởi kiện không được tính từ ngày ký hợp đồng mà được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã bị xâm phạm. Sau khi hết thời hiệu này, quyền khởi kiện có thể không còn hiệu lực.
Lưu ý: Thời hiệu khởi kiện không được tính từ ngày ký hợp đồng mà được tính từ ngày người có quyền yêu cầu biết hoặc phải biết rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình đã bị xâm phạm. Sau khi hết thời hiệu này, quyền khởi kiện có thể không còn hiệu lực.
Thời hiệu giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán tại Trọng tài là bao lâu?
Căn cứ Điều 33 Luật Trọng tài thương mại 2010, nếu luật chuyên ngành không quy định khác, thời hiệu khởi kiện theo thủ tục trọng tài thương mại là 02 năm, kể từ thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm. Cần lưu ý rằng thời hiệu khởi kiện giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có thể được điều chỉnh linh hoạt theo thỏa thuận của các bên trong hợp đồng trọng tài. Vì vậy, trước khi khởi kiện, các bên liên quan nên xem xét cẩn thận các điều khoản trong hợp đồng trọng tài để đảm bảo tuân thủ thời hiệu quy định.
Về hệ quả của hết thời hiệu, pháp luật về trọng tài không có quy định nhưng theo tinh thần tại khoản 3 Điều 150 Bộ luật dân sự 2015 thì nếu không tuân thủ thời hiệu khởi kiện, các bên có thể mất quyền được giải quyết tranh chấp bằng phương thức trọng tài.
Trong mọi trường hợp, thời gian giải quyết tranh chấp tại Trọng tài, thời gian tiến hành thủ tục hủy phán quyết trọng tài tại Tòa án không tính vào thời hiệu khởi kiện.
Thời gian nào không tính vào thời hiệu khởi kiện?
Căn cứ theo Điều 156, Bộ luật Dân sự 2015, thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện như sau:
Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.
Chưa có người đại diện trong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;
Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự chưa có người đại diện khác thay thế.
Một số câu hỏi liên quan
Thời hiệu là gì?
Căn cứ theo khoản 1, Điều 149, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về khái niệm thời hiệu như sau:
“1. Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định.
Thời hiệu được áp dụng theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan”
Hợp đồng mua bán là gì?
Hợp đồng mua bán là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên bán chuyển quyền sở hữu hàng hóa tài sản cho bên mua và bên mua trả tiền cho bên bán. Hợp đồng mua bán nhà ở, mua bán nhà để sử dụng vào mục đích khác được thực hiện theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015, Luật Nhà ở 2014 và luật khác có liên quan.
Có 1 số loại hợp đồng mua bán chủ yếu như sau
Hợp đồng mua bán tài sản: được điều chỉnh bởi Bộ luật Dân sự 2015.
Hợp đồng mua bán hàng hóa: được điều chỉnh tại Luật Thương mại 2005.
Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế: được điều chỉnh bởi Công ước Viên 1980, Luật Thương mại 2005 và Bộ luật Dân sự 2015.
Hợp đồng mua bán nhà ở: được điều chỉnh bởi Luật Nhà ở năm 2014.
Nếu hết thời hiệu khởi kiện thì xử lý như thế nào?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 192 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, khi hết thời hiệu khởi kiện thì Thẩm phán sẽ trả lại đơn, Tòa án sẽ không thụ lý đơn vì chưa đủ điều kiện khởi kiện mà đã hết thời hiệu khởi kiện. Cụ thể trong các trường hợp sau:
Người khởi kiện không có quyền khởi kiện theo quy định tại Điều 186 và Điều 187 của Bộ luật này hoặc không có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự.
Chưa có đủ điều kiện khởi kiện theo quy định của pháp luật.
Sự việc đã được giải quyết bằng bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án hoặc quyết định đã có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hết thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 195 của Bộ luật này mà người khởi kiện không nộp biên lai thu tiền tạm ứng án phí cho Tòa án.
Vụ án không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Người khởi kiện không sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo yêu cầu của Thẩm phán.
Người khởi kiện rút đơn khởi kiện.
Có thể kéo dài thời hiệu khởi kiện không?
Có. Trong các trường hợp sau:
Trường hợp người có quyền khởi kiện là người chưa thành niên hoặc mất năng lực hành vi dân sự thì thời hiệu khởi kiện được kéo dài đến khi hết thời hạn 06 tháng sau khi người đó thành đủ tuổi thành niên hoặc phục hồi năng lực hành vi dân sự.
Trường hợp người có quyền khởi kiện phải vắng mặt do chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc do những lý do khác mà không thể thực hiện được quyền khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện được kéo dài đến khi hết thời hạn 06 tháng sau khi người đó trở lại hoặc có thể thực hiện được quyền khởi kiện.
Dịch vụ tư vấn và giải quyết tranh chấp hợp đồng, tư vấn hợp đồng của Luật Việt An
Tư vấn pháp lý liên quan đến quyền và nghĩa vụ của các bên khi kí kết các loại hợp đồng như mua bán hàng hóa, mua bán tài sản, hợp đồng kinh doanh thương mại,…
Tư vấn cho khách hàng ký kết các hợp đồng tránh gây ra những “lỗ hỏng hợp đồng” gây đến những bất lợi cho khách hàng sau này;
Đưa ra những ý kiến tư vấn xác định những vấn đề và cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp;
Khi xảy ra tranh chấp, tổ chức các buổi thương lượng hòa giải cho các bên giảm thiểu được các trường hợp phải đưa ra Tòa giải quyết. Tránh mất thời gian, công sức của các bên.
Đại diện khách hàng theo ủy quyền tham gia những buổi trao đổi làm việc với các cơ quan có thẩm quyền như Trọng tài, Tòa án để có thể đảm bảo được quyền và nghĩa vụ của khách hàng,…
Gói tư vấn thường xuyên cho khách hàng.
Quý khách có nhu cầu hoặc vướng mắc pháp lý nào liên quan đến thời hiệu giải quyết tranh chấp hợp đồng mua bán hoặc sử dụng dịch vụ tư vấn khác, vui lòng liên hệ đến Luật Việt An để được tư vấn hiệu quả, nhanh chóng và chi tiết nhất. Luật Việt An xin chân thành cảm ơn.