Tư vấn soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế và chính sách hội nhập thế giới, các thương nhân thực hiện hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế dần trở nên phổ biến hơn. Để tránh rủi ro xảy ra, các bên tham gia hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế phải xác lập hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Dưới đây, công ty luật Việt An xin tư vấn quý khách hàng về cách thức soạn thảo hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đúng pháp luật và thực tiễn của hoạt động mua bán.
Căn cứ pháp lý
– Công ước Liên hợp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Công ước Viên 1980);
– Bộ luật dân sự năm 2015;
– Luật thương mại năm 2005.
Hình thức hợp đồng
Pháp luật Việt Nam quy định hình thức bắt buộc đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là dưới dạng văn bản hoặc các hình thức khác có giá trị tương đương như
– Bản fax;
– Điện tín, điện toán;
– Tài liệu mềm (như email…).
Bên cạnh đó, hoạt động mua bán hàng hóa có thể giao kết bằng cách gián tiếp thông qua hành vi chào hàng và chấp nhận chào hàng. Hầu hết các thương nhân sử dụng phương thức này để tìm kiếm đối tác mới. Đây cũng là phương thức phổ biến nhất trong mua bán hàng hóa quốc tế.
Điều khoản cơ bản của hợp đồng
Các bên tự do thỏa thuận các điều khoản cơ bản của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Công ty luật Việt An tư vấn một số điều khoản cơ bản trong hợp đồng bao gồm:
Thông tin các bên: Do các bên đều là thương nhân và đều đến từ các quốc gia khác nhau nên việc cung cấp chính xác thông tin của các bên là vô cùng quan trọng. Đây cũng là điều khoản để xác định chủ thể của hợp đồng.
Đối tượng của hợp đồng: Các bên ghi nhận cụ thể đối tượng của hợp đồng là hàng hóa gì? Thông tin chi tiết, chất lượng, số lượng hàng hóa.
Giá và phương thức thanh toán: Các bên thống nhất đồng tiền thanh toán, thông thường là USD. Phương thức thanh toán có thể là trực tiếp, chuyển khoản, L/C, D/A hoặc D/P…
Giao hàng: Các bên thỏa thuận bên giao hàng hoặc thuê bên thứ ba giao hàng; Phương thức giao hàng: Đường thủy, đường bộ hoặc đường hàng không; Chi phí giao hàng do bên nào chi trả; Các bên cũng có thể lựa chọn giao hàng theo một số tập quán quốc tế thông dụng trong INCOTERMS: FOB; CIF; DAP; DAT;…
Kho bãi: Ghi nhận cụ thể địa điểm kho để hàng (nếu có); Chi phí kho do bên nào chi trả;
Địa điểm và thời gian giao, nhận hàng: hai bên thỏa thuận cụ thể địa điển nhận hàng, thời gian giao hàng và nhận hàng.
Quyền và nghĩa vụ của các bên: Đây là nội dung quan trọng nên các bên cần thỏa thuận chặt chẽ.
Bồi thường thiệt hại và phạt vi phạm hợp đồng: Các bên nên thảo thuận điều khoản này để đảm bảo quyền lợi của mình chắc chắn hơn. Lưu ý mức phạt vi phạm không quá 8% tổng giá trị hợp đồng.
Các điều khoản khác:
Một số điều khoản khác các bên có thể tham khảo như:
– Chuyển rủi ro;
– Bất khả kháng;
– Quyền và các trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng;
– Luật áp dụng: bao gồm luật áp dụng để thực hiện hợp đồng và luật áp dụng để giải quyết tranh chấp;
– Cơ quan và phương thức giải quyết tranh chấp;
– Chấm dứt hợp đồng;
Lưu ý
– Các bên thống nhất ngôn ngữ dùng trong hợp đồng, thông thường là tiếng Anh;
– Các bên phải ghi rõ tập quán áp dụng và xác định phạm vi cũng như quyền đưuọc áp dụng tập quán đó hay không (ví dụ như tập quán UCC chỉ áp dụng đối với khu vực Bắc Mỹ);
– Các bên cần nghiên cứu kỹ các điều kiện thương mại để áp dụng cho đúng theo phương thức chuyên chở hàng hóa mà các bên áp dụng;
– Trong trường hợp các bên không lựa chọn luật thì khi xảy ra tranh chấp, cơ quan tài phán sẽ quyết định chọn luật.
Công ty luật Việt An sẵn sàng tư vấn và cung cấp các dịch vụ về soạn thảo hợp đồng, Qúy khách hàng có nhu cầu xin vui lòng liên hệ trực tiến đến Công ty để được hỗ trợ kịp thời.