Thuế thu nhập doanh nghiệp là sắc thuế đánh vào thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thời hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp đã được quy định cụ thể trong Luật quản lý thuế. Trường hợp doanh nghiệp nộp chậm tiền thuế sẽ phát sinh thêm tiền chậm nộp thuế và tiềm ẩn rủi ro nghiêm trọng.
Mức tính tiền chậm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp khi nộp thuế không đúng thời hạn
Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước.
Trường hợp doanh nghiệp có phát sinh chậm nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp sau khi nộp hồ sơ quyết toán sẽ bị tính mức tính tiền chậm nộp bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế TNDN chậm nộp.
Rủi ro cưỡng chế trích tiền từ tài khoản, phong tỏa tài khoản
Căn cứ Điều 125 Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019 và Điều 31 Nghị định 126/2020/NĐ-CP, doanh nghiệp sẽ bị cưỡng chế trích tiền tử tài khoản, phong tỏa tài khoản tại các thời điểm sau:
Sau ngày thứ 90 kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế;
Ngay sau ngày hết thời hạn gia hạn nộp thuế;
Ngay sau ngày người nộp thuế không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế theo thời hạn ghi trên quyết định xử phạt (trừ trường hợp được hoãn hoặc tạm đình chỉ thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý thuế);
Ngay trong ngày phát hiện người nộp thuế có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn.
Quyết định cưỡng chế chấm dứt hiệu lực kể từ ngày người nộp thuế đã nộp đủ số tiền thuế nợ bị cưỡng chế vào ngân sách nhà nước hoặc số tiền thuế nợ bị cưỡng chế được cơ quan quản lý thuế ban hành quyết định nộp dần tiền thuế nợ hoặc quyết định gia hạn nộp thuế hoặc quyết định miễn tiền chậm nộp tiền thuế hoặc thông báo không tính tiền chậm nộp.
Rủi ro cưỡng chế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn
Cưỡng chế hóa đơn là rủi ro rất nghiêm trọng. Doanh nghiệp sẽ không được xuất hóa đơn ngay cả khi có phát sinh bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ, điều này ảnh hưởng rất lớn tới thu nhập của doanh nghiệp. Mặt khác, một số doanh nghiệp không nắm được hóa đơn của doanh nghiệp mình thuộc diện bị cưỡng chế dẫn đến vẫn xuất hóa đơn và kê khai thuế. Các hóa đơn đã xuất thuộc hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, mức phạt vi phạm rất cao.
Rủi ro cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép thành lập và hoạt động, giấy phép hành nghề.
Cưỡng chế bằng biện pháp thu hồi giấy phép là hình thức cưỡng chế được sử dụng cuối cùng nếu doanh nghiệp vẫn không nộp tiền thuế nợ đọng.
Khi thực hiện biện pháp cưỡng chế này, cơ quan quản lý thuế sẽ công khai trên trang thông tin điện tử ngành thuế hoặc ngành hải quan hoặc trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Trên đây, Đại lý thuế Việt An đã chia sẻ một số nội dung liên quan đến việc chậm nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp, Quý doanh nghiệp vui lòng liên hệ Đại lý thuế Việt An để được tư vấn, hỗ trợ nếu có bất kỳ vướng mắc, khó khăn về khai và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.