Nhãn hiệu là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, là cầu nối giữa nhà sản xuất hay cung cấp dịch vụ đối với người tiêu dùng. Trong điều kiện nền kinh tế phát triển và cạnh tranh gay gắt như hiện nay, nếu một người đã đầu tư công sức, tài chính để tạo ra các đối tượng sở hữu công nghiệp nhưng lại không tiến hành đăng ký quyền cho đối tượng đó thì sẽ không được pháp luật bảo hộ trong trường hợp có người khác sử dụng hoặc đăng ký trước. Do đó, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là công việc thật sự cần thiết.
Nhãn hiệu là dấu hiệu để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức kinh doanh khác nhau. Như vậy, nhãn hiệu chủ yếu dùng để gắn lên các loại hàng hóa và các loại dịch vụ nhằm chỉ ra nó do ai sản xuất, cung cấp.
Nhãn hiệu gồm hai loại cơ bản là nhãn hiệu dùng cho hàng hóa và nhãn hiệu dùng cho dịch vụ.
Nhãn hiệu dùng cho hàng hóa: Dùng để phân biệt hàng hóa của các cá nhân, tổ chức kinh doanh khác nhau nhằm mục đích cho biết ai là người sản xuất ra những loại hàng hóa đó chứ không phải hàng hóa đó là gì. Các nhãn hiệu mang tính chất mô tả, có sự liên quan hoặc là tên gọi của sản phẩm thì nhãn hiệu đó sẽ không có khả năng đăng ký.
Nhãn hiệu dùng cho dịch vụ: Nhãn hiệu dịch vụ thường được gắn trên các bảng hiệu dịch vụ để người có nhu cầu hưởng thụ dịch vụ đó có thể dễ dàng nhận biết.
Theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, trên cơ sở hai loại nhãn hiệu chính là nhãn hiệu dùng cho hàng hóa và nhãn hiệu dành cho dịch vụ thì có thể chia ra các loại nhãn hiệu cụ thể như: nhãn hiệu thông thường, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu liên kết và nhãn hiệu nổi tiếng.
Nhãn hiệu thông thường: là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của tổ chức cá nhân này với tổ chức cá nhân khác trên thị trường.Ví dụ: nhãn hiệu của Luật Việt An .
Nhãn hiệu tập thể: là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của các cá nhân, tổ chức kinh doanh khác không phải là thành viên của tổ chức đó. Ví dụ: nhãn hiệu của Hội nông dân huyện Bắc Hà.
Đặc trưng của nhãn hiệu tập thể là nhiều chủ thể có quyền sử dụng nó nhưng cần lưu ý là khi một tập thể sử dụng nhãn hiệu nhân danh tập thể thì nhãn hiệu đó không được coi là nhãn hiệu tập thể nữa mà mà nhãn hiệu bình thường vì nó do một chủ thể sử dụng.
Nhãn hiệu chứng nhận: là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép cá nhân, tổ chức khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, tổ chức đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu. Ví dụ như tiêu chuẩn chất lượng ISO 9000 được công nhận trên toàn thế giới là loại nhãn hiệu chứng nhận.
Nhãn hiệu liên kết: là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan đến nhau. Nhãn hiệu liên kết tạo sự yên tâm cho người sử dụng sản phẩm, dịch vụ bởi nó có mối liên kết với các sản phẩm, dịch vụ họ đã sử dụng trước đây. Ví dụ: Các dòng sản phẩm của TH Milk về sản phẩm sữa, đồ uống bao gồm: TH true milk, TH true yogurt, TH true tea, TH true topkid… Nhưng tên nhãn hiệu này được gọi là nhãn hiệu liên kết vì nó đáp ứng được ba điều kiện: Do cùng chủ thể là CTCP Sữa TH đăng ký, các sản phẩm này đều có tính năng cơ bản tương tự nhau và cùng nằm trong chuỗi sản phẩm về sữa và đồ uống.
Nhãn hiệu nổi tiếng: nhãn hiệu này khác với nhãn hiệu thông thường là ở danh tiếng của nhãn hiệu đó trong bộ phận công chúng. Ví dụ: Vinamilk là nhãn hiệu nổi tiếng tại Việt Nam.
Quy định nhãn hiệu nổi tiếng được xác lập thông qua thủ tục công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền chứ không qua thủ tục nộp đơn đăng ký nhãn hiệu như các loại nhãn hiệu thông thường khác.