Ngày nay, người ta thường nói đến cụm từ “sức mạnh thương hiệu-sự khác biệt tạo nên giá trị”, có thể nói thương hiệu là một yếu tố quan trọng mà mọi nhà đầu tư kinh doanh đều hướng đến xây dựng cho sản, phẩm dịch vụ của mình, trong đó có nhãn hiệu. Nhãn hiệu là một yếu tố có thể tác động vào tâm lý mạnh nhất của người tiêu dùng. Có bao giờ bạn tự hỏi: tại sao người ta sẵn sàng mua chiếc túi mang nhãn hiệu LV với giá hàng triệu USD mà các hãng túi sách nội địa khác chỉ có giá vài trăm nghìn VNĐ! Không nằm chủ yếu về chất lượng, mà sự khác biệt trọng yếu lại nằm ở nhãn hiệu của sản phẩm.
Có thể thấy tầm quan trọng của nhãn hiệu đối với hàng hóa dịch vụ hiện nay, sau đây Luật Việt An sẽ hướng dẫn quy chế cơ bản về đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam hiện hành.
Dấu hiệu có khả năng đăng ký nhãn hiệu
Dấu hiệu có thể nhìn thấy được trong đăng ký nhãn hiệu
Tại điều 72, Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam năm 2005 sửa đổi bổ sung 2009 cũng nêu rõ, một nhãn hiệu có khả năng đăng ký phải có dấu hiệu “nhìn thấy được”. Trong hiệp định TRIPs, “nhìn thấy được” được hiểu là có thể nhận biết bằng thị giác. Các dấu hiệu nhận biết được bằng thính giác hoặc vị giác như mùi vị, âm thanh,… là những dấu hiệu này không nhìn thấy được, do đó không thể dùng để đăng ký nhãn hiệu. Dấu hiệu “nhìn thấy được” được chia vào ba nhóm cơ bản sau:
Dấu hiệu hai chiều
Màu sắc
Dấu hiệu ba chiều
Dấu hiệu hai chiều trong đăng ký nhãn hiệu
Biểu hiện đầu tiên của dấu hiệu hai chiều là từ ngữ, chữ cái, ký tự, chữ số, biểu tượng quy ước, khẩu hiệu. Loại dấu hiệu này chỉ bao gồm những yếu tố có thể đọc được: dấu hiệu chứa một hoặc nhiều từ, có hoặc không có nghĩa; chữ cái, ký tự, chữ số hoặc biểu tượng quy ước; hoặc sự kết hợp của các yếu tố đó, bao gồm khẩu hiệu và các thông điệp quảng cáo. Những dấu hiệu này không bao gồm bất cứ yếu tố nền, khung hoặc yếu tố hình nào. Nhãn hiệu chữ cũng bao gồm dấu hiệu như chữ ký cá nhân, có thể là tên thật hoặc cách điệu. Hiện nay, nhiều nhãn hàng nổi tiếng, đặc biệt là các hãng thời trang thường sử dụng các loại chữ ký cá nhân cách điệu để làm nhãn hiệu cho sản phẩm.
Dấu hiệu hình là một dấu hiệu hai chiều có thể nhìn thấy được trong đăng ký nhãn hiệu, gồm một hoặc nhiều yếu tố hình hai chiều như lô gô, chữ số, thiết bị, hình học trừu tượng hoặc tưởng tượng hoặc hình hai chiều được tạo ra có chủ đích. Yếu tố màu sắc cũng được coi là một dấu hiệu nhận biết của nhãn hiệu, tuy nhiên các hình đơn giản chỉ bao gồm các từ ngữ, chữ cái, ký tự, chữ số hoặc biểu tượng quy ước có thể khiến nhãn hiệu bị hạn chế khả năng đăng ký do các yếu tố này chưa đạt đến tính “có khả năng phân biệt được” của hàng hóa.
Hiện nay, trong đăng ký nhãn hiệu người ta sử dụng nhiều những dấu hiệu hỗn hợp, loại dấu hiệu này là sự kết hợp của một hoặc nhiều từ ngữ, chữ cái, ký tự, chữ số hoặc biểu tượng quy ước với một hoặc nhiều dấu hiệu hình hoặc yếu tố không phải chữ viết.
Dấu hiệu màu sắc trong đăng ký nhãn hiệu
Trong đăng ký nhãn hiệu, màu sắc được công nhận là một nhãn hiệu cần phải được thể hiện bằng hình dáng cụ thể hoặc cần có đường nét xác định rõ ràng được kết hợp một cách thống nhất, xác định và riêng biệt.
Điều 72, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi bổ sung năm 2009) quy định một nhãn hiệu được bảo hộ là dấu hiệu nhìn thấy dưới dạng hình, chữ, ba chiều hoặc kết hợp được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc; có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác. Do đó có thể thấy quy định pháp luật của Việt Nam chấp nhận việc bảo hộ màu sắc như một nhãn hiệu, tuy nhiên, trong thực tế đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam thì một màu duy nhất hoặc một tập hợp màu không tạo thành một dấu hiệu xác định thì không được bảo hộ như một nhãn hiệu mà thông thường một nhãn hiệu màu được bảo hộ chỉ khi nó là một dấu hiệu hình, chữ, ba chiều hoặc kết hợp được thể hiện bằng một hoặc một tập hợp màu.
Dấu hiệu ba chiều trong đăng ký nhãn hiệu
Dấu hiệu ba chiều là loại dấu hiệu hình khối có khả năng được đăng ký làm nhãn hiệu hàng hóa, ví dụ như hình dạng hàng hóa, bao bì sản phẩm,…
Để được chấp nhận bảo hộ, những loại dấu hiệu ba chiều sau đây có thể có tính phân biệt, dưới các dạng cụ thể sau:
Hình dáng của thiết bị gắn với hàng hóa;
Hình dáng nằm trong sản phẩm hoặc trong một bộ phận của sản phẩm;
Hình dáng của vật chứa, vỏ bọc, bao gói,… của hàng hóa hoặc thiết bị.
Hiện nay, quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ của Việt Nam năm 2005 sửa đổi bổ sung 2009 thì những hình học đơn giản là không có khả năng phân biệt, do đó các hình học đơn giản trong không gian ba chiều như hình lập phương, hình cầu, hình trụ, hình chóp… không được pháp luật Việt Nam thừa nhận là nhãn hiệu hàng hóa.
Một số các nhãn hiệu ba chiều rất nổi tiếng như: hình con ngựa bay đúc nguyên khối của xe Rolls-Royce, con sư tử đứng hai chân nổi của xe Peugeot,…
Bên cạnh đó, dấu hiệu chuyển động (hoạt hình) và hình ba chiều và dấu hiệu “vị trí” cũng được là dấu hiệu để xác định đăng ký nhãn hiệu. Có thể nói thêm về dấu hiệu “vị trí”, dấu hiệu này được hiểu là dấu hiệu hình, hỗn hợp, màu sắc hoặc hình ba chiều được gắn vào bộ phận cụ thể của hoặc vị trí cụ thể trên hàng hóa mà nhãn hiệu cần phân biệt. Nhãn hiệu loại này được gắn cố định tại cùng vị trí trên hàng hóa của vật mang nhãn hiệu, theo kích cỡ hoặc tỷ lệ tương xứng với kích thước của hàng hóa. Dấu hiệu vị trí là một dấu hiệu khá độc đáo, đã từng được đăng ký tại nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên ở Việt Nam dấu hiệu này chưa được sử dụng rộng rãi, và gần như không có yêu cầu đăng ký nhãn hiệu theo dấu hiệu này.
Dấu hiệu không nhìn thấy được trong đăng ký nhãn hiệu
Theo quy chế pháp luật về nhãn hiệu tại Việt Nam thì chỉ những dấu hiệu có thể nhìn thấy được mới được đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam, do đó loại trừ khả năng đăng ký nhãn hiệu của âm thanh, mùi vị,…
Tuy nhiên, có thể nói thêm, tại một số nước trên thế giới, thì các dấu hiệu về màu sắc, âm thanh,… vẫn có khả năng đăng ký, tùy thuộc vào quy định của từng quốc gia. Khác với dấu hiệu “nhìn thấy được”, dấu hiệu không nhìn thấy được bị hạn chế khá nhiều trong đăng ký nhãn hiệu, đặc biệt khả năng đăng ký của các dấu hiệu không nhìn thấy được sẽ phụ thuộc vào việc liệu dấu hiệu đó có thể được thể hiện bằng đồ họa hay không.
Ví dụ, theo Luật Nhãn hiệu của Singapore thì nếu dấu hiệu gồm giai điệu, tiếng chuông, tiếng động, bài hát hoặc các âm thanh khác được thể hiện một cách rõ ràng và chính xác bằng hệ thống ký hiệu âm nhạc, thì những ký hiệu âm nhạc như vậy phải được gửi kèm theo đơn đăng ký nhãn hiệu và như vậy đủ để đáp ứng yêu cầu thể hiện bằng đồ họa.
Khả năng phân biệt của nhãn hiệu
Theo quy định pháp luật Việt Nam thì khả năng phân biệt của nhãn hiệu hàng hóa là một trong hai yếu tố quan trọng để xem xét cho phép đăng ký nhãn hiệu. Nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt nếu được tạo thành từ một hoặc một số yếu tố dễ nhận biết, dễ ghi nhớ hoặc từ nhiều yếu tố kết hợp thành một tổng thể dễ nhận biết, dễ ghi nhớ và không thuộc các trường hợp được coi là không có khả năng phân biệt theo quy định của pháp luật.
Nhãn hiệu có khả năng phân biệt với những nhãn hiệu khác cho cùng nhóm, cùng loại sản phẩm, dịch vụ không chỉ nhằm đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, mà còn đảm bảo quyền và lợi ích của những doanh nghiệp. Một nhãn hiệu được coi là có khả năng phân biệt phải không thuộc các trường hợp sau đây:
Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu;
Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hoá, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi;
Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;
Dấu hiệu mô tả hình thức pháp lý, lĩnh vực kinh doanh của chủ thể kinh doanh;
Dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hoá, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu hoặc được đăng ký dưới dạng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận quy định tại Luật này;
Dấu hiệu không phải là nhãn hiệu liên kết trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu đã được đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự trên cơ sở đơn đăng ký có ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên sớm hơn trong trường hợp đơn đăng ký được hưởng quyền ưu tiên, kể cả đơn đăng ký nhãn hiệu được nộp theo điềuước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên;
Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng;
Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng;
Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hoá, dịch vụ;
Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với tên thương mại đang được sử dụng của người khác;
Dấu hiệu trùng hoặc tương tự với chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm cho người tiêu dùng hiểu sai lệch về nguồn gốc địa lý của hàng hoá;
Dấu hiệu trùng với chỉ dẫn địa lý hoặc có chứa chỉ dẫn địa lý hoặc được dịch nghĩa, phiên âm từ chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ cho rượu vang, rượu mạnh nếu dấu hiệu được đăng ký để sử dụng cho rượu vang, rượu mạnh không có nguồn gốc xuất xứ từ khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý đó;
Dấu hiệu trùng hoặc không khác biệt đáng kể với kiểu dáng công nghiệp của người khác được bảo hộ.
Người đăng ký nhãn hiệu có thể viện dẫn về tính phân biệt được để phản đối quyết định của thẩm định viên khi nói rằng dấu hiệu là không có tính phân biệt, chung chung hoặc mang tính mô tả. Chủ đơn có trách nhiệm chứng minh, nhưng cơ quan thẩm định có thể bổ sung chứng cứ được chủ đơn nộp với bất kỳ thông tin liên quan nào thu được từ các nguồn khác nhau.
Dấu hiệu có tính chất lừa dối trong đăng ký nhãn hiệu
Dấu hiệu có tính chất lừa dối hoặc gây nhầm lẫn khi sử dụng thì không được đăng ký bảo hộ như nhãn hiệu cho các hàng hóa và dịch vụ. Một dấu hiệu được xem là có tính chất lừa dối là khi sử dụng trong thương mại gắn với hàng hóa và dịch vụ liên quan sẽ mang đến thông tin sai lệch hoặc gây nhẫm lẫn về hàng hóa và dịch vụ đó. Về điểm này, thông tin mang tính lừa dối và gây nhầm lẫn được truyền tải bởi dấu hiệu liên quan đến bản chất, đối tượng, chất lượng, nguồn gốc địa lý, số lượng, kích thước, mục đích, lợi ích, giá trị hoặc những đặc tính khác có liên quan của hàng hóa và dịch vụ.
Tính chất lừa dối có thể xem xét ở các khía cạnh sau:
Chủ sở hữu của nhãn hiệu có cố tình tìm cách đánh lừa người tiêu dùng khi sử dụng nhãn hiệu của họ hay không;
Người tiêu dùng có sử dụng hàng hóa mang nhãn hiệu có tính chất lừa dối hay không trong trường hợp biết về thông tin lừa dối;
Tính chất lừa dối của nhãn hiệu có xâm phạm đến quyền và lời ích của người tiêu dùng và doanh nghiệp khác hay không?
Một số dấu hiệu có tính chất lừa dối thường gặp:
Dấu hiệu có tính chất lừa dối về địa lý
Ví dụ: nhãn hiệu “sữa tươi Mộc Châu Thanh Hà” có thể bị từ chối nếu sản phẩm sữa đó không có nguồn gốc liên quan đến Mộc Châu. Bởi lẽ, cụm từ “sữa tươi Mộc Châu” có trong nhãn hiệu có thể sẽ khiến người tiêu dùng liên tưởng, suy đoán sai lệch đến nguồn gốc của sản phẩm.
Tham chiếu chứng thực chính thức đối với dấu hiệu có tính chất lừa dối
Một nhãn hiệu có chứa từ “Chứng nhận ISO“, hoặc “Kiểm tra – BSI” không nên được chấp nhận đăng ký bảo hộ, nếu các tổ chức có tên trong các nhãn hiệu đó có thẩm quyền ban hành các tiêu chuẩn/chứng nhận đó và không đồng ý cho việc sử dụng dấu hiệu này. Tương tự, ở Việt Nam các cụm từ “công nghệ Hoa Kỳ”, “Tiêu chuẩn châu Âu” sẽ bị từ chối do cơ quan đăng ký cho rằng chúng gây lừa dối đến việc tuân thủ các tiêu chuẩn.
Trên đây là quy chế đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam hiện nay, quy chế là các nguyên tắc và tiêu chuẩn cơ bản được áp dụng tại cơ quan đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên quy chế này không quyết định kết quả thẩm định nội dung đơn nhãn hiệu, hay nhãn hiệu có được đăng ký hay không mà cơ quan đăng ký nhãn hiệu vẫn giữ mọi quyền hạn trong việc thẩm định và đánh giá khả năng đăng ký của nhãn hiệu. Quý khách hàng quan tâm đến thủ tục đăng ký nhãn hiệu xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt A để được hỗ trợ nhanh nhất!