Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận được ghi nhận tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật dân sự 2015, là nguyên tắc quan trọng bao trùm lên toàn bộ quan hệ dân sự. Chính vì nguyên tắc trên mà pháp luật Việt Nam cho phép những nhà kinh doanh tự do lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp. Hiện nay, việc sử dụng biện pháp giải quyết tranh chấp bằng trọng tài rất được ưa chuộng sử dụng để có thể giải quyết các xung đột phát sinh. Việc nắm rõ các quy định liên quan tới áp dụng tố tụng trọng tài là vô cùng cần thiết và quan trọng. Trong bài viết sau đây, Luật Việt An sẽ tổng hợp những quy định về quy tắc tố tụng trọng tài.
Cơ sở pháp lý
Luật trọng tài thương mại 2010;
Bộ luật dân sự 2015.
Quy tắc tố tụng trọng tài là gì
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Đièu 3 Luật trọng tài thương mại 2010 quy định về trọng tài như sau: Trọng tài thương mại là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên thoả thuận và được tiến hành theo quy định của Luật này.
Quy tắc tố tụng trọng tài được áp dụng để giải quyết các vụ tranh chấp tại Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam. Tất cả các tổ chức trọng tài đều có quy tắc tố tụng của mình.
Như vậy, tố tụng trọng tài là phương thức giải quyết tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại được các bên thỏa thuận có sự tham gia của bên thứ ba – trọng tài viên và được tiến hành theo trình tự, thủ tục tố tụng do pháp luật quy định.
Các loại quy tắc tố tụng trọng tài
Trọng tài thương mại tồn tại dưới hai hình thức cơ bản là trọng tài vụ việc (hay còn gọi là trọng tài ad hoc) và trọng tài thường trực (hay còn gọi là trọng tài quy chế).
Trọng tài vụ việc
Trọng tài vụ việc là hình thức trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập để giải quyết vụ việc và sẽ chấm dứt tồn tại khi giải quyết xong vụ việc đó. Bản chất của trọng tài vụ việc được thể hiện qua các đặc trưng cơ bản sau:
Được thành lập khi phát sinh tranh chấp và tự chấm dứt hoạt động khi giải quyết xong tranh chấp.
Không có trụ sở thường trực, không có bộ máy điều hành, không có danh sách trọng tài viên. Trọng tài viên được các bên chọn hoặc chỉ định có thể là người có tên trong hoặc ngoài danh sách trọng tài viên của bất kỳ trung tâm trọng tài nào.
Quy tắc tố tụng của trọng tài vụ việc để giải quyết vụ tranh chấp có thể do các bên thỏa thuận xây dựng hoặc lựa chọn từ bất kỳ một quy tắc tố tụng nào của các trung tâm trọng tài.
Trọng tài vụ việc tuy được quy định trong Luật trọng tài thương mại 2010 nhưng chưa phát triển trên thực tế, một phần vì nếu lựa chọn sử dụng trọng tài vụ việc, các bên phải tự thực hiện toàn bộ quy trình với hội đồng trọng tài mà không có sự hỗ trợ bởi một Ban thư ký thường trực và vì vậy cần có kinh nghiệm tham gia tố tụng trọng tài trước đó.
Trọng tài thường trực
Trọng tài thường trực hình thức trọng tài được tổ chức chặt chẽ, có bộ máy, trụ sở làm việc thường xuyên, thường có danh sách trọng tài viên hoạt động theo điều lệ và quy tắc tố tụng riêng. Hầu hết các tổ chức trọng tài lớn, có uy tín trên thế giới đều được thành lập theo mô hình này dưới những tên gọi như trung tâm trọng tài, ủy ban trọng tài, viện trọng tài, hội đồng trọng tài quốc gia và quốc tế… nhưng chủ yếu và phổ biến được tổ chức dưới dạng các trung tâm trọng tài.
Quy định về lựa chọn quy tắc trọng tài
Căn cứ Điều 16 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về hình thức thoả thuận trọng tài như sau:
Thỏa thuận trọng tài có thể được xác lập dưới hình thức điều khoản trọng tài trong hợp đồng hoặc dưới hình thức thỏa thuận riêng.
Thoả thuận trọng tài phải được xác lập dưới dạng văn bản hoặc các hình thức có giá trị pháp lý tương đương theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 luật này.
Đồng thời, căn cứ Điều 14 của Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định về luật áp dụng giải quyết tranh chấp (bao gồm cả luật tố tụng hay quy tắc tố tụng trọng tài) như sau:
Đối với tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật Việt Nam để giải quyết tranh chấp.
Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài, Hội đồng trọng tài áp dụng pháp luật do các bên lựa chọn; nếu các bên không có thỏa thuận về luật áp dụng thì Hội đồng trọng tài quyết định áp dụng pháp luật mà Hội đồng trọng tài cho là phù hợp nhất.
Trường hợp pháp luật Việt Nam, pháp luật do các bên lựa chọn không có quy định cụ thể liên quan đến nội dung tranh chấp thì Hội đồng trọng tài được áp dụng tập quán quốc tế để giải quyết tranh chấp nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
Quy trình tố tụng trọng theo theo quy tắc của VIAC
Nguyên đơn nộp Đơn kiện, chỉ định trọng tài viên và nộp phí trọng tài
Khi phát sinh tranh chấp liên quan đến thương mại mà không thể thương lượng, hòa giải, một trong hai bên có thể nộp đơn khởi kiện lên Hội đồng trọng tài.
Đơn kiện bao gồm ngày, tháng; tên và địa chỉ của các bên; tóm tắt nội dung vụ tranh chấp; căn cứ pháp lý để khởi kiện; trị giá của vụ tranh chấp và các yêu cầu khác của Nguyên đơn; tên trọng tài viên mà Nguyên đơn chọn.
Nguyên đơn sẽ phải đảm bảo nghĩa vụ nộp phí trọng tài khi nộp đơn khởi kiện
Nguyên đơn có thể sửa đổi, bổ sung hoặc rút Đơn kiện trước khi Hội đồng Trọng tài ra Quyết định Trọng tài.
Thụ lý và xác nhận hồ sơ
VIAC kiểm tra sơ bộ về vấn đề thẩm quyền, thụ lý Đơn kiện và gửi thông báo cho Bị đơn.
Bị đơn nộp Bản Tự bảo vệ và chỉ định Trọng tài viên
Trong Bản tự bảo vệ, bị đơn phải cung cấp các thông tin cá nhân, các kiến nghị để bảo vệ quyền lợi của mình. Đồng thời, cũng giống nguyên đơn, bị đơn có quyền lựa chọn trọng tài viên.
Việc Bị đơn không nộp Bản tự bảo vệ sẽ không ngăn cản VIAC tiếp tục quá trình tố tụng trọng tài.
Nếu Bị đơn không nộp Bản tự bảo vệ, hoặc Bản tự bảo vệ không đề cập đến việc chỉ định trọng tài viên, Chủ tịch VIAC sẽ chỉ định trọng tài viên cho Bị đơn.
Hội đồng Trọng tài xem xét giải quyết vụ tranh chấp
Chủ tịch Hội đồng Trọng tài sẽ được hai Trọng tài viên của Nguyên đơn và Bị đơn bầu hoặc do Chủ tịch VIAC chỉ định.
Hội đồng Trọng tài quyết định cách thức tiến hành tố tụng trên cơ sở thỏa thuận trọng tài và Quy tắc tố tụng của VIAC. Ngoài ra, yêu cầu của nguyên đơn và bị đơn cũng được Hội đồng trọng tài xem xét xử lý.
Hội đồng Trọng tài nghiên cứu hồ sơ, xác minh sự việc. Để giải quyết tranh chấp, Hội đồng trọng tài sẽ gặp các bên để nghe các bên trình bày ý kiến, yêu cầu các bên bổ sung chứng cứ.
Hội đồng Trọng tài triệu tập các Bên đến phiên họp giải quyết vụ tranh chấp
Thời gian mở phiên họp giải quyết vụ tranh chấp do Chủ tịch Hội đồng Trọng tài quyết định, nếu các bên không có thỏa thuận khác.
Trong trường hợp nguyên đơn hoặc bị đơn không tham dự họp giải quyết tranh chấp thương mại mà không đưa ra được chính đáng, phiên họp vẫn được diễn ra..
Công bố Quyết định Trọng tài
Trường hợp không hòa giải hoặc không hòa giải thành, Hội đồng Trọng tài ra Phán quyết trọng tài trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày kết thúc phiên họp giải quyết tranh chấp cuối cùng.
Hội đồng Trọng tài gửi Phán quyết trọng tài tới Trung tâm ngay sau ngày lập. Trung tâm gửi ngay tới các bên bản chính hoặc bản sao có chứng thực của Phán quyết trọng tài.
Quyết định Trọng tài được công bố sẽ có giá trị chung thẩm và ràng buộc đối với các Bên.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay tìm hiểu kỹ hơn về quy tắc trọng tài nói riêng và tìm hiểu thêm về các phương thức giải quyết tranh chấp khác nói chung, xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.