Câu hỏi: Tại sao phải thẩm định lại đơn đăng ký nhãn hiệu? Thẩm định lại đơn đăng ký nhãn hiệu khi nào?
Cơ sở pháp lý:
Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019
Thông tư số 01/2007/BKHCN
Thông tư số 16/2016/BKHCN
Cục sở hữu trí tuệ ra quyết định dự định cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu gửi tới chủ đơn hoặc Tổ chức Đại diện sở hữu trí tuệ. Sau khi nhận được quyết định chủ đơn sẽ có ý kiến băng văn bản về việc quyết định chấp nhận quyết định cấp văn bằng bảo hộ hoặc xin có ý kiến bằng văn bản nêu rõ các lý do cần thẩm định lại đơn đăng ký nhãn hiệu dựa trên những lý lẽ như sau:
Thứ nhất: Thẩm định lại đơn do có ý kiến phản đối sau khi đã có thông báo dự định cấp/dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ
a) Việc thẩm định lại đơn theo quy định tại khoản 4 Điều 117: Trong trường hợp có phản đối về dự định cấp văn bằng bảo hộ, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tương ứng được thẩm định lại về những vấn đề bị phản đối của Luật Sở hữu trí tuệ được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
(i) Có ý kiến bằng văn bản của người nộp đơn nộp cho Cục Sở hữu trí tuệ trong giai đoạn từ ngày ra thông báo dự định cấp/dự định từ chối cấp văn bằng bảo hộ đến trước ngày ra quyết định cấp/thông báo chính thức từ chối cấp văn bằng bảo hộ liên quan; hoặc có ý kiến bằng văn bản của người thứ ba với lý do xác đáng về việc đã không có điều kiện, cơ hội hợp lý để thể hiện ý kiến của mình;
(ii) Ý kiến nêu ở trên đây là có cơ sở xác đáng, kèm theo các chứng cứ hoặc chỉ dẫn tới các nguồn thông tin đáng tin cậy;
(iii) Lý lẽ, chứng cứ chứng minh ý kiến nêu trên khác với lý lẽ, chứng cứ (nếu có) đã được đưa ra trong giai đoạn trước đó, hoặc tuy lý lẽ, chứng cứ đó là không khác nhưng chưa được Cục Sở hữu trí tuệ trả lời theo quy định tại điểm 6.2: Trong trường hợp xét thấy ý kiến của người thứ ba là có cơ sở, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo về ý kiến đó cho người nộp đơn và ấn định thời hạn tối đa là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người nộp đơn trả lời bằng văn bản. Sau khi nhận được ý kiến phản hồi của người nộp đơn, nếu xét thấy cần thiết, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo về ý kiến phản hồi cho người thứ ba và ấn định thời hạn tối đa là 01 tháng kể từ ngày ra thông báo để người thứ ba trả lời bằng văn bản về ý kiến phản hồi đó. Sau thời hạn nói trên, Cục Sở hữu trí tuệ xử lý ý kiến của người nộp đơn và người thứ ba trên cơ sở chứng cứ, lập luận do các bên cung cấp và tài liệu có trong đơn. Người thứ ba cũng được thông báo về kết quả thẩm định đơn tương ứng của Thông tư 16/2016/BKHCN.
b) Thời hạn thẩm định lại đơn bằng hai phần ba thời hạn thẩm định lần đầu quy định tại điểm 15.8 của Thông tư 16; đối với những vụ việc phức tạp, có nhiều tình tiết cần phải được xác minh hoặc cần trưng cầu ý kiến chuyên gia thì có thể kéo dài nhưng không vượt quá thời hạn thẩm định lần đầu.
c) Nội dung và thủ tục thẩm định lại được thực hiện theo quy định tương ứng tại điểm 15.6 và điểm 15.7 của Thông tư 16.
d) Việc thẩm định lại đơn chỉ được thực hiện một lần.
Thứ hai: Thẩm định lại đơn do có yêu cầu thu hẹp phạm vi bảo hộ của chủ văn bằng bảo hộ
Trường hợp chủ văn bằng bảo hộ có yêu cầu thu hẹp phạm vi bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 97 của Luật Sở hữu trí tuệ: Chủ văn bằng bảo hộ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thu hẹp phạm vi quyền sở hữu công nghiệp; trong trường hợp này, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tương ứng phải được thẩm định lại về nội dung và người yêu cầu phải nộp phí thẩm định nội dung, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành thẩm định lại đơn tương ứng theo nội dung, thủ tục quy định tại điểm 15.6 và điểm 15.7 của Thông tư số 16, với điều kiện người yêu cầu phải nộp phí, lệ phí theo quy định.
Kết luận về thẩm định lại đơn
Căn cứ vào kết quả thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu, Cục sở hữu trí tuệ đưa ra quyết định dự định cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, căn cứ vào quyết định chủ nhãn hiệu hoặc Tổ chức đại diện sẽ đưa ra ý kiến với các cơ sở lý lẽ yêu cầu Cục sở hữu trí tuệ thẩm định lại đơn đăng ký nhãn hiệu trong đó chủ đơn có thể yêu cầu thu hẹp lại phạm bi bảo hộ của mình.