Trách nhiệm hình sự là một loại trách nhiệm đặc biệt và thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là một quy định quan trọng trong lĩnh vực pháp luật hình sự của nước ta. Trên thực tế, việc xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự không phải lúc nào cũng dễ dàng mà có nhiều trường hợp sẽ xảy ra những mâu thuẫn, ý kiến trái chiều về thời hiệu được xác định. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An xin giới thiệu các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam về cách xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm.
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là gì?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, thời hạn truy cứu trách nhiệm hình sự được định nghĩa là thời hạn theo quy định của pháp luật, mà khi hết thời hạn đó thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghĩa là, sau khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự, người phạm tội sẽ không phải chịu bất cứ hình phạt nào cho hành vi phạm tội của mình
Xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được quy định cụ thể tùy theo mức độ nghiêm trọng của tội phạm như sau:
Như vậy, có thể thấy rằng mức độ nghiêm trọng của tội phạm càng lớn thì thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự càng được kéo dài.
Phân loại mức độ nghiêm trọng của tội phạm được quy định tại Điều 9 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể như sau:
Loại tội phạm
Mức độ nguy hiểm
Khung hình phạt cao nhất
Tội phạm ít nghiêm trọng
Không lớn
Phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm
Ví dụ: Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ (khoản 1 Điều 124 Bộ luật Hình sự)
Tội phạm nghiêm trọng
Lớn
Từ trên 03 năm tù đến 07 năm tù
Ví dụ: Tội giết người trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh (khoản 2 Điều 125 Bộ luật Hình sự)
Tội phạm rất nghiêm trọng
Rất lớn
Từ trên 07 năm tù đến 15 năm tù
Ví dụ: Tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế – xã hội (khoản 1 Điều 115 Bộ luật Hình sự)
Tội phạm đặc biệt nghiêm trọng
Đặc biệt lớn
Từ trên 15 năm tù đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Ví dụ: Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân (Khoản 1 Điều 109 Bộ luật Hình sự).
Cách xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Trường hợp 1: Xác định thời hiệu trong trường hợp thông thường
Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự được tính từ ngày tội phạm được thực hiện, nghĩa là hành vi đó đã đủ yếu tố cấu thành tội phạm mà không cần phân biệt ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội, phạm tội chưa đạt hay tội phạm đã hoàn thành.
Trường hợp 2: Xác định thời hiệu khi người phạm tội thực hiện thêm hành vi phạm tội mới
Trong trường hợp đang trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự mà người phạm tội thực hiện thêm hành vi phạm tội mới mà tội này có khung hình phạt cao nhất trên 01 năm tù thì thời hiệu đối với tội cũ được tính lại kể từ ngày thực hiện tội mới.
Ví dụ: Anh A phạm tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức được quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015. Do đây là tội ít nghiêm trọng nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của anh A là 05 năm, tính từ ngày anh A thực hiện hành vi phạm tội – 20/05/2024. Tuy nhiên, vào ngày 24/06/2024, anh A thực hiện thêm hành vi phạm tội mới, đó là chiếm đoạt, mua bán, tiêu hủy con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức. Theo quy định tại Điều 342 Bộ luật Hình sự, khung hình phạt cao nhất của tội này là 05 năm, như vậy, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của anh A sẽ được tính lại kể từ ngày 24/06/2024.
Trường hợp 3: Xác định thời hiệu khi người phạm tội cố tình trốn tránh
Trong trường hợp đang trong thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, mà người phạm tội cố tình trốn tránh và đã có quyết định truy nã thì thời hiệu được tính lại kể từ khi người đó ra đầu thú hoặc bị bắt giữ.
Ví dụ: Anh B phạm tội giết người thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 123 Bộ luật Hình sự, nên thời hiệu truy cứu trách nhiệm của anh B là 15 năm, tính từ ngày anh B thực hiện hành vi phạm tội là 20/1/2024. Tuy nhiên, trong quá trình truy nã, anh B đã cố tình trốn tránh không ra đầu thú, cho tới ngày 20/5/2024, anh B bị bắt giữ bởi cơ quan công an. Như vậy, thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của anh B được tính từ ngày 20/5/2024.
Lưu ý, pháp nhân thương mại bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi thực hiện một số tội phạm được quy định tại Điều 76 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại cũng tương tự như cá nhân.
Trường hợp không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Trong một số trường hợp đặc biệt, pháp luật sẽ không áp dụng thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các tội phạm đó, mà sẽ thực hiện truy cứu cho tới khi người phạm tội ra đầu thú hoặc bị bắt giữ bởi tính chất nghiêm trọng của các tội phạm này.
Đây là những tội phạm mang tính chất nguy hiểm rất lớn, có thể ảnh hưởng tới nền kinh tế của đất nước, xâm phạm tới an ninh quốc gia và hòa bình thế giới. Quy định này thể hiện tinh thần kiên quyết, không khoan nhượng cho những tội phạm ảnh hưởng tới vận mệnh đất nước, hòa bình thế giới và các tội phạm chống tham nhũng của Nhà nước ta.
Các trường hợp này được quy định tại Điều 28 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 cụ thể như sau:
Các tội xâm phạm an ninh quốc gia được quy định tại Chương XIII Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;
Các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh được quy định tại Chương XXVI Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;
Một số trường hợp đặc biệt của tội tham ô tài sản; tội nhận hối lộ tại khoản 3, 4 Điều 353 và khoản 3,4 Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017
Trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự
Đây là những trường hợp mà dù có thực hiện hành vi phạm tội nhưng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, các trường hợp này được quy định tại Điều 20, 21, 22, 23,24, 25, 26 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể như sau:
Người thực hiện hành vi không thể thấy trước hoặc không buộc phải thấy trước hậu quả của hành vi đó;
Người thực hiện hành vi trong khi đang mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
Người thực hiện hành vi phạm tội khi đang phòng vệ chính đáng để ảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích hợp pháp.
Người thực hiện hành vi gây thiệt hại khác để tránh gây thiệt hại cho quyền, lợi ích hợp pháp của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức;
Gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội;
Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ;
Người thực hiện hành vi gây thiệt hại trong khi thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên trong lực lượng vũ trang nhân dân để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh;
Một số câu hỏi liên quan tới xác định thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự
Khi đã có quyết định khởi tố bị can thì có tiếp tục tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 179 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, khi có đủ căn cứ để xác định tội phạm, Cơ quan điều tra sẽ ra quyết định khởi tố bị can. Như vậy, có thể nói rằng quyết định khởi tố bị can là bước xác định trách nhiệm hình sự của cá nhân, pháp nhân bị buộc tội nên sau khi có quyết định khởi tố bị can, sẽ không tính thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự trong quá trình tiến hành các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ.
Trong trường hợp tạm đình chỉ điều tra, vụ án và tạm dừng các hoạt động tố tụng thì thời gian khắc phục các lý do tạm đình chỉ sẽ được tính vào thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hậu quả pháp lý khi hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự?
Căn cứ theo quy định tại khoản 5 Điều 157 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ không khởi tố vụ án hình sự. Như vậy, trong trường hợp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, vụ án sẽ không được tiếp tục giải quyết.
Độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự?
Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017, độ tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự được quy định như sau:
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại khoản 2 Điều 12 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017;
Người tù đủ 16 tuổi trở lên: chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm có quy định khác.
Dịch vụ tư vấn pháp luật hình sự của Luật Việt An
Tư vấn, soạn thảo hồ sơ tham gia khởi kiện, bảo vệ quyền lợi cho khách hàng trong lĩnh vực hình sự;
Đại diện khách hàng làm việc với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong quá trình thực hiện tố tụng hình sự;
Tư vấn các cá nhân, tổ chức các quy định của pháp luật về lĩnh vực hình sự;
Tư vấn thường xuyên, toàn diện cho khách hàng về các vấn đề thuộc lĩnh vực hình sự và các vấn đề liên quan khác.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn hay tìm hiểu kỹ hơn về truy cứu trách nhiệm hình sự, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.