Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là quá trình nhằm xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu của cá nhân, tổ chức. Tuy nhiên, để đảm bảo tính công bằng và minh bạch, pháp luật về sở hữu trí tuệ cho phép bất kỳ tổ chức, cá nhân nào có thể đưa ra ý kiến về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu. Đây là một trong những nguồn thông tin để cơ quan có thẩm quyền xem xét nhãn hiệu có đủ điều kiện được bảo hộ không. Trong bài viết dưới đây, Luật Việt An sẽ cung cấp những thông tin pháp lý cơ bản về việc nêu ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu và phân biệt với phản đối đơn nhãn hiệu.
Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là gì?
Theo Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó.
Thời hạn nêu ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có thể lập công văn nêu ý kiến về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ.
Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.
Phân biệt ý kiến của người thứ ba và phản đối cấp
Giống nhau
Trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ bên thứ ba nào cũng có quyền đưa ra ý kiến hoặc quyền phản đối việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ.
Không đòi hỏi tính liên quan lợi ích giữa người nêu ý kiến/phản đối và chủ sở hữu nhãn hiệu để nộp ý kiến của người thứ ba hay đơn phản đối.
Phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.
Khác nhau
Ý kiến của người thứ ba
Phản đối đơn
Căn cứ pháp lý
Điều 112 Luật Sở hữu trí tuệ
Điều 112a Luật Sở hữu trí tuệ
Thời hạn
Trong suốt thời gian thẩm định nhãn hiệu, miễn rằng ý kiến đó phải được nộp trước khi Cục SHTT ra quyết định cấp Văn bằng bảo hộ.
Cục SHTT tiếp nhận ý kiến của bên thứ ba, nhưng có thể không có trả lời hoặc thủ tục riêng để giải quyết ý kiến của bên thứ ba.
Cục SHTT tiếp nhận ý kiến phản đối, cấp số đơn phản đối, phải thiết lập cơ chế, trình tự, thủ tục để giải quyết và trả lời đơn phản đối, thông báo cho người nộp đơn phản đối biết về kết quả giải quyết phản đối.
Tính chất
Văn bản nêu ý kiến của người thứ ba được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký nhãn hiệu.
Là một thủ tục riêng biệt, độc lập. Cục SHTT có trách nhiệm xử lý ý kiến phản đối.
Quy trình, thủ tục nộp ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ
Hồ sơ ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Văn bản nêu ý kiến (ghi rõ số đơn nhãn hiệu muốn ý kiến, căn cứ pháp lý, lý do ý kiến về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ,…)
Tài liệu, chứng cứ đi kèm (nếu có)
Thông tin về người đưa ra ý kiến
Bước 2: Nộp công văn nêu ý kiến
Hồ sơ ý kiến của người thứ ba được gửi tới Cục Sở hữu trí tuệ theo các cách sau đây:
Nộp trực tiếp tại Cục SHTT theo địa chỉ sau:
Cục SHTT: 384-386, đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội.
Văn phòng đại diện cục sở hữu trí tuệ tại Thành Phố Hồ Chí Minh: Số 31 Hàn Thuyên, phường Bến Nghé, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh
Văn phòng đại diện cục sở hữu trí tuệ tại Thành Phố Đà Nẵng: Tầng 1, số 135 đường Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng
Nộp qua đường bưu điện đến các địa chỉ trên.
Bước 3: Cục Sở hữu trí tuệ xem xét ý kiến
Sau khi nhận được văn bản nêu ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét ý kiến của người thứ ba như một tài liệu tham khảo bổ sung khi thẩm định đơn đăng ký.
Lưu ý khi nộp ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Lập luận rõ ràng, chứng cứ cụ thể: người thứ ba cần đưa ra các chứng cứ cụ thể, xác đáng để chứng minh nhãn hiệu không đủ điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
Lưu ý thời hạn nêu ý kiến: ý kiến chỉ có hiệu lực nếu được gửi trong thời hạn quy định. Việc nộp ý kiến muộn có thể dẫn đến việc đơn nêu ý kiến không được xem xét.
Tôn trọng quyền riêng tư: trong quá trình đưa ra ý kiến, cần tránh sử dụng các tài liệu, thông tin mang tính bảo mật của bên liên quan.
Ý nghĩa ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Đối với người thứ ba: việc phản đối giúp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng và ngăn chặn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu
Đối với chủ đơn nhãn hiệu bị ý kiến: chủ đơn cần chuẩn bị hồ sơ kỹ lưỡng trước khi nộp đơn đăng ký nhãn hiệu và trung thực khi nộp đơn
Đối với hệ thống pháp luật: tạo sự minh bạch trong hệ thống sở hữu trí tuệ, giảm các quyết định cấp văn bằng sai.
Quý Khách hàng cần tư vấn và nộp đơn ý kiến phản đối của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, vui lòng liên hệ công ty Luật Việt An để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất!