Trong trường hợp chủ văn bằng không muốn tiếp tục sử dụng văn bằng bảo hộ nhãn hiệu nữa hoặc vì lý do thương mại, chủ văn bằng có thể thỏa thuận với một chủ thể khác về việc chuyển nhượng văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho chủ thể đó. Trong quá trình chuyển nhượng, một trong những vấn đề mà các bên quan tâm là mức phí, lệ phí phải nộp để thực hiện hoạt động chuyển nhượng. Trong bài viết dưới đây, Công ty Luật – Đại diện Sở hữu trí tuệ Việt An sẽ cung cấp những tư vấn pháp lý cơ bản về phí chuyển nhượng văn bằng bảo hộ nhãn hiệu.
Chuyển nhượng văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là gì?
Theo Điều 138 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009, 2019, 2022), chuyển nhượng văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là việc chủ sở hữu chuyển giao quyền đối với nhãn hiệu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Việc chuyển nhượng văn bằng bảo hộ nhãn hiệu phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.
Lưu ý: Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu chỉ có hiệu lực khi đã được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Chuyển nhượng nhãn hiệu: Chuyển nhượng văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là việc chủ sở hữu chuyển giao quyền đối với nhãn hiệu của mình cho tổ chức, cá nhân khác. Bản chất: Bên chuyển giao sẽ chấm dứt quyền sở hữu đối với nhãn hiệu; và xác lập quyền sở hữu cho bên nhận chuyển giao.
Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu: Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu là việc chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng nhãn hiệu thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình. Bản chất: Bên nhận chuyển giao chỉ có quyền sử dụng nhãn hiệu mà không nắm quyền sở hữu.
Chủ thể
Bên chuyển giao trong Chuyển nhượng nhãn hiệu phải là chủ sở hữu nhãn hiệu
Bên chuyển giao trong Chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu có thể là chủ sở hữu; hoặc là bên nhận chuyển giao theo một hợp đồng chuyển giao khác khi được bên chuyển giao đầu tiên cho phép (gọi là hợp đồng thứ cấp).
Các dạng hợp đồng
Chỉ có 01 dạng hợp đồng chuyển nhượng duy nhất là hợp đồng theo đó bên chuyển nhượng sẽ chấm dứt quyền sở hữu và chuyển giao lại cho bên nhận chuyển nhượng.
Đối với chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, gồm 03 dạng hợp đồng sau đây:
Hợp đồng độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao, bên được chuyển quyền được độc quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, bên chuyển quyền không được ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp với bất kỳ bên thứ ba nào và chỉ được sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó nếu được phép của bên được chuyển quyền;
Hợp đồng không độc quyền là hợp đồng mà theo đó trong phạm vi và thời hạn chuyển giao quyền sử dụng, bên chuyển quyền vẫn có quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp, quyền ký kết hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp không độc quyền với người khác;
Hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thứ cấp là hợp đồng mà theo đó bên chuyển quyền là người được chuyển giao quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó theo một hợp đồng khác.
Điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng nhãn hiệu
Theo Điều 139 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, các điều kiện hạn chế việc chuyển nhượng văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là:
Chủ sở hữu nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng quyền của mình trong phạm vi được bảo hộ;
Việc chuyển nhượng quyền đối với nhãn hiệu không được gây ra sự nhầm lẫn về đặc tính, nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu, tên nhãn hiệu trùng với tên thương mại của bên chuyển nhượng;
Quyền đối với nhãn hiệu chỉ được chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân đáp ứng các điều kiện đối với người có quyền đăng ký nhãn hiệu.
Nội dung của hợp đồng chuyển nhượng văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Theo Điều 140 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu phải có các nội dung chủ yếu sau đây:
Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu phải có các nội dung chủ yếu sau:
Tên và địa chỉ đầy đủ của bên chuyển nhượng và bên được chuyển nhượng;
Căn cứ chuyển nhượng;
Giá chuyển nhượng;
Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng.
Các bên có thể thỏa thuận các điều khoản khác không trái với quy định của pháp luật như giải quyết tranh chấp, ngôn ngữ, …
Phí, lệ phí chuyển nhượng văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Theo Thông tư 263/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí sở hữu công nghiệp, mức phí, lệ phí cần nộp khi chuyển nhượng văn bằng bảo hộ nhãn hiệu là:
Phí thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng: 230.000 đồng/Văn bằng bảo hộ
Phí tra cứu nhãn hiệu liên kết phục vụ việc thẩm định hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng: 180.000 đồng/Văn bằng bảo hộ
Phí công bố Quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp: 120.000 đồng/đơn
Phí đăng bạ Quyết định ghi nhận chuyển nhượng quyền sở hữu công nghiệp: 120.000 đồng/Văn bằng bảo hộ
Phí thẩm định quyền nộp đơn và quy chế sử dụng nhãn hiệu (trường hợp chuyển nhượng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận): 550.000 đồng/đơn
Lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (trường hợp chuyển nhượng một phần danh mục hàng hóa/dịch vụ mang nhãn hiệu): 120.000 đồng/Văn bằng bảo hộ
Chi phí thủ tục sẽ tăng thêm phí dịch vụ khi nộp hồ sơ qua đại diện.
Lưu ý: Theo Điều 1 Thông tư 43/2024/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, từ ngày 01/7/2024 đến ngày 31/12/2024, lệ phí cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu sẽ giảm 50%. Như vậy, lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chỉ còn 60.000 đồng/ Văn bằng bảo hộ.
Hình thức nộp phí, lệ phí chuyển nhượng nhãn hiệu
Nộp trực tiếp tại phòng kế toán Cục sở hữu trí tuệ khi đi nộp hồ sơ
Chuyển khoản phí chuyển nhượng nhãn hiệu vào số tài khoản của Cục Sở hữu trí tuệ như sau: Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ hướng dẫn cách thức nộp phí, lệ phí sở hữu công nghiệp qua tài khoản ngân hàng thương mại đối với các đơn nộp trực tiếp, qua bưu điện hoặc trực tuyến đến Cục Sở hữu trí tuệ như sau:
Người nhận tiền: Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ
Số tài khoản: 1038988888
Tại: Ngân hàng Vietcombank
Nội dung chuyển tiền (ghi rõ): Tên người nộp đơn + Mã số đơn trực tuyến(đối với đơn nộp trực tuyến) hoặc Số đơn (nếu có) + lý do nộp tiền.
Hồ sơ yêu cầu chuyển nhượng nhãn hiệu
Tờ khai yêu cầu chuyển nhượng (theo mẫu số 01 Phụ lục IV Nghị định 65/2023/NĐ-CP);
Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu;
Bản gốc văn bằng bảo hộ;
Giấy ủy quyền (trường hợp nộp yêu cầu thông qua đại diện);
Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí theo quy định;
Tài liệu khác (nếu cần).
Nếu nộp thông qua Luật Việt An, khách hàng cần chuẩn bị những thông tin, tài liệu sau:
Thông tin bên nhận/ bên chuyển nhượng;
Thông tin về nhãn hiệu cần chuyển nhượng;
Hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu;
Giấy ủy quyền (theo mẫu của Luật Việt An).
Thủ tục chuyển nhượng văn bằng bảo hộ nhãn hiệu
Bước 1: Các bên thỏa thuận và xác lập hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu.
Nếu khách hàng cần tư vấn và hỗ trợ, Luật Việt An sẽ hỗ trợ soạn hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu.
Bước 2: Nộp một bộ hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 3: Cục nhận và giải quyết hồ sơ đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu. Sau thời hạn thẩm định 02 tháng kể từ ngày nộp đơn, Cục ra quyết định:
Quyết định về việc đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu và công bố trên Công báo. Cập nhật nội dung chuyển nhượng vào bản gốc văn bằng bảo hộ nếu hợp đồng được đăng ký và trả văn bằng cho người nộp đơn; hoặc
Quyết định về việc từ chối đăng ký hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu nếu hồ sơ không đủ điều kiện chuyển nhượng.
Dịch vụ chuyển nhượng văn bằng bảo hộ của Luật Việt An
Tư vấn các điều kiện chuyển nhượng văn bằng bảo hộ nhãn hiệu để khách hàng tham khảo;
Tư vấn nội dung hợp đồng chuyển nhượng nhãn hiệu và xây dựng hợp đồng khung cho khách hàng;
Thay mặt khách hàng soạn thảo hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu;
Nộp hồ sơ chuyển nhượng nhãn hiệu lên Cục Sở hữu trí tuệ và theo dõi hồ sơ cho đến khi nhận được kết quả cuối cùng;
Nhận giấy chứng nhận đăng ký thương hiệu do chủ sở hữu mới là chủ đơn và trao cho khách hàng.
Quý khách hàng có nhu cầu chuyển nhượng văn bằng bảo hộ nhãn hiệu, xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được tư vấn và hỗ trợ tốt nhất.