Nhãn hiệu là những dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau. Để nhãn hiệu được bảo hộ theo quy định của pháp luật thì cần phải trải qua giai đoạn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo đảm tính hợp pháp của nhãn hiệu đăng ký. Sau đây, Công ty luật Việt An xin đưa ra thông tin về vấn đề các giai đoạn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu:
Cơ sở pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019;
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022;
Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN;
Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN, được sửa đổi bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN, Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN và Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN.
Các dấu hiệu được sử dụng làm nhãn hiệu
Dấu hiệu dùng làm nhãn hiệu phải là những dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng:
Nhãn hiệu chữ: chữ cái, từ, ngữ, cụm từ,…
Nhãn hiệu hình: hình ảnh, hình vẽ, biểu tượng,… mà không có từ ngữ
Nhãn hiệu kết hợp của cả yếu tố hình và chữ được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.
Bên cạnh đó, nhãn hiệu âm thanh là quy định mới được quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2022. Tuy luật sửa đổi bổ sung này phải đến ngày 01/01/2023 mới có hiệu lực nhưng với nhãn hiệu âm thanh đã được áp dụng và có hiệu lực kể từ ngày 01/04/2022 nhằm kịp thời đáp ứng theo quy định tại Hiệp định CPTPP mà Việt Nam là thành viên.
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu
02 Tờ khai đăng ký nhãn hiệu, đánh máy theo mẫu số: 04-NH Phụ lục A của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN;
05 Mẫu nhãn hiệu kèm theo (mẫu nhãn hiệu kèm theo phải giống hệt mẫu nhãn hiệu dán trên tờ khai đơn đăng ký kể cả về kích thước và màu sắc. Mẫu nhãn hiệu phải được trình bày rõ ràng với kích thước của mỗi thành phần trong nhãn hiệu là 80mm x 80mm nhưng không lớn hơn 80mm và không nhỏ hơn 8mm. Nếu yêu cầu bảo hộ màu sắc thì tất cả các mẫu nhãn hiệu trên tờ khai và kèm theo đều phải được trình bày đúng màu sắc cần bảo hộ);
Chứng từ nộp phí, lệ phí.
Trường hợp đơn đăng ký nhãn hiệu là nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu tối thiểu nêu trên, đơn đăng ký cần phải có thêm các tài liệu sau:
Quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể hoặc nhãn hiệu chứng nhận;
Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương);
Bản đồ khu vực địa lý (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm, hoặc nhãn hiệu chứa địa danh hoặc dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).
Văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cho phép sử dụng địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương để đăng ký nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận có chứa địa danh hoặc dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý của đặc sản địa phương).
Các giai đoạn thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu
Bước 1: Nộp đơn đăng ký nhãn hiệu
Sau khi tra cứu chuyên sâu và nhãn hiệu được đánh giá là có khả năng đăng ký, chủ đơn tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu
Thời hạn thẩm định hình thức đơn đăng ký nhãn hiệu 01 tháng kể từ ngày nộp đơn.
Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét đơn có đủ điều kiện về hình thức, mẫu nhãn, chủ sở hữu đơn, quyền nộp đơn, phân nhóm,…
Nếu đơn đăng ký của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ Thông báo chấp nhận đơn hợp lệ và cho đăng công bố đơn.
Nếu đơn đăng ký của doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra Thông báo không chấp nhận đơn và đề nghị doanh nghiệp sửa đổi. Doanh nghiệp tiến hành sửa đổi theo yêu cầu và nộp công văn sửa đổi cho Cục sở hữu trí tuệ.
Bước 3: Công bố đơn đăng ký nhãn hiệu
Thời hạn công bố đơn đăng ký nhãn hiệu: 02 tháng kể từ ngày có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ.
Nội dung công bố đơn đăng ký nhãn hiệu là các thông tin liên quan đến đơn hợp lệ ghi trong thông báo chấp nhận đơn hợp lệ, mẫu nhãn hiệu và danh mục hàng hóa, dịch vụ kèm theo.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn đăng ký nhãn hiệu
Thời hạn thẩm định nội dung: 09 tháng kể từ ngày công bố đơn.
Cục sở hữu trí tuệ xem xét các điều kiện đăng ký nhãn hiệu từ đó đánh giá khả năng cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà chủ đơn đã đăng ký. Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu đáp ứng đủ điều kiện thì Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo dự định cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà doanh nghiệp đã đăng ký.
Nếu đơn đăng ký nhãn hiệu không đáp ứng đủ điều kiện, Cục Sở hữu trí tuệ ra Thông báo không cấp văn bằng cho nhãn hiệu mà chủ đơn đã đăng ký.
Như vậy, tổng thời gian thẩm định đơn đăng ký nhãn hiệu theo quy định của pháp luật là 12 -18 tháng kể từ ngày nộp đơn. Tuy nhiên, thời gian có thể kéo dài hơn phụ thuộctiến trình xét nghiệm của CụcSở hữu trí tuệ hoặc trong trường hợp đơn đăng ký cho nhiều nhóm, nhiều sản phẩm dịch vụ, hoặc thời gian có thể phát sinh trong trường hợp sau khi đơn đã được nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ và chủ đơn đơn xin sửa chữa, bổ sung những thiếu sót về mặt hình thức của đơn đăng ký hoặc có công văn khiếu nại đối với Thông báo xét nghiệm nội dung không hợp lý của Cục Sở hữu trí tuệ.
Quý khách hàng có nhu cầu đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam và nước ngoài vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ nhanh, chuyên nghiệp nhất với chi phí hợp lý nhất!