Các lỗi thường gặp trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng tín dụng

Giao kết hợp đồng tín dụng là một quá trình bao gồm nhiều khâu: (1) Đề nghị vay vốn và lập hồ sơ tín dụng, (2) Thẩm định hồ sơ tín dụng, (3) Quyết định cho vay, (4) Đàm phán các điều khoản trong hợp đồng và ký kết hợp đồng. Để phòng tránh các rủi ro pháp lý trong các giai đoạn này, Luật Việt An tư vấn một số điểm cần lưu ý sau.

Hợp đồng tín dụng

Về giao kết hợp đồng tín dụng

Giai đoạn lập hồ sơ và thẩm định hồ sơ tín dụng là giai đoạn đầu tiên, có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với doanh nghiệp. Hồ sơ tín dụng thể hiện mối quan hệ tổng thể giữa doanh nghiệp và ngân hàng, minh chứng cho doanh nghiệp đủ điều kiện vay vốn. Sự hoàn chỉnh và chính xác của hồ sơ tín dụng, kết quả thẩm định hồ sơ (chính là việc thẩm định các điều kiện vay vốn của doanh nghiệp) là cơ sở, căn cứ để doanh nghiệp có thể được vay vốn ở ngân hàng.

Dựa vào hồ sơ tín dụng nêu trên, ngân hàng có thể thu thập được đầy đủ các thông tin cần thiết về quá khứ cũng như hiện tại của doanh nghiệp, có thể xác định khả năng trả nợ của doanh nghiệp đối với nguồn vốn vay ở ngân hàng trong thời hạn nhất định. Trong trường hợp cần thiết, ngân hàng sẽ yêu cầu doanh nghiệp bổ sung thêm tài sản bảo đảm để hạn chế rủi ro cho ngân hàng.

Trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ tín dụng, đánh giá tính khả thi, hiệu quả của dự án sản xuất kinh doanh, dịch vụ, đời sống và khả năng hoàn trả của doanh nghiệp, ngân hàng, tổ chức tín dụng (TCTD) phải ra quyết định và thông báo cho doanh nghiệp về quyết định cho vay của mình. Trong trường hợp quyết định không cho vay, TCTD phải nêu rõ lý do từ chối cho vay.

Quyết định cho vay của TCTD không đồng nghĩa với việc hợp đồng tín dụng đã được ký kết. Quyết định trên chỉ là cơ sở để đàm phán, thoả thuận các điều khoản trong hợp đồng và ký kết hợp đồng tín dụng. Về nguyên tắc, hợp đồng tín dụng phát sinh hiệu lực kể từ khi đại diện hai bên tham gia quan hệ hợp đồng (TCTD và doanh nghiệp) đã ký vào văn bản hợp đồng và các bên cũng không có thoả thuận về thời hạn bắt đầu có hiệu lực của hợp đồng.

Về chủ thể ký kết hợp đồng tín dụng

Doanh nghiệp cần lưu ý người ký kết hợp đồng phải có thẩm quyền ký kết, có thể là đại diện theo pháp luật hoặc đại diện theo uỷ quyền. Người đại diện này cũng phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

Việc xem xét tư cách chủ thể của bên vay vốn là một vấn đề quan trọng, nó ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu lực của hợp đồng tín dụng. Trên thực tế, nếu tổ chức tín dụng xem nhẹ vấn đề này, không xác định đúng tư cách chủ thể (đặc biệt là trường hợp khách hàng vay là tổ chức, doanh nghiệp) dẫn đến việc ký hợp đồng tín dụng với chủ thể không có thẩm quyền ký kết. Hợp đồng bị tuyên bố vô hiệu gây thiệt hại nặng nề cho các tổ chức tín dụng.

Việc xem xét tư cách chủ thể của bên vay vốn – doanh nghiệp là rất quan trọng. Đây chính là cơ sở để các thẩm phán, trọng tài xem xét tính hiệu lực của hợp đồng tín dụng. Việc xác định sai tư cách của chủ thể vay vốn dẫn đến hợp đồng vô hiệu, tổ chức tín dụng không thu hồi được lãi, gây thiệt hại nặng nề cho các tổ chức tín dụng.

Về số tiền vay

Số tiền vay hoàn toàn phụ thuộc vào sự thoả thuận của các bên. Trong hợp đồng tín dụng, sự thoả thuận của tổ chức tín dụng và khách hàng về số tiền vay bị giới hạn bởi các quy định của pháp luật. Số tiền vay được hình thành trên cơ sở mức cho vay của tổ chức tín dụng và sự đồng ý của khách hàng vay đối với quyết định cho vay đó (Điều 13 – 18 Quy chế cho vay). Để quyết định mức cho vay đối với khách hàng, tổ chức tín dụng phải dựa trên các căn cứ sau:

  • Nhu cầu vay vốn của khách hàng.
  • Căn cứ vào khả năng trả nợ của khách hàng.
  • Căn cứ vào giá trị tài sản bảo đảm.
  • Căn cứ vào nguồn vốn của tổ chức tín dụng cho vay.

Trong trường hợp đặc biệt, tổ chức tín dụng chỉ được cho vay vượt quá mức giới hạn cho vay theo quy định trên khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép đối với từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, để đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động cho vay, tránh hành vi trục lợi từ hoạt động cho vay, pháp luật của hầu hết pháp luật của các nước trên thế giới đều giới hạn cho vay ở mức thấp hơn đối với một số đối tượng cụ thể. Theo Điều 78 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 thì: Tổ chức tín dụng không được phép cho vay vượt quá 15% vốn tự có của tổ chức tín dụng đối với các đối tượng sau:

  • Tổ chức kiểm toán, Kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng; Kế toán trưởng, thanh tra viên.
  • Các cổ đông lớn của tổ chức tín dụng.

Đối với cho vay để đầu tư chứng khoán: đầu tư, kinh doanh chứng khoán luôn tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt đối với thị trường chứng khoán ở Việt Nam, các nhà đầu tư chủ yếu là các nhà đầu tư không chuyên nghiệp chạy theo tâm lý bầy đàn càng làm tăng tính rủi ro trên thị trường chứng khoán. Rủi ro của các nhà đầu tư ảnh hưởng trực tiếp đến nguy cơ không thu hồi được vốn của các ngân hàng, gây sụp đổ hệ thống ngân hàng. Do đó, nhằm hạn chế một lượng vốn của ngân hàng bị đổ sang thị trường chứng khoán và kiểm soát chất lượng tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Quyết định số 03/2008/QĐ – NHNN về việc tổ chức tín dụng cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán. Theo đó, tổng dư nợ cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán không vượt quá 20% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư và kinh doanh chứng khoán phải bảo đảm mức tỷ lệ an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, có tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ tín dụng dưới 5%. Như vậy, cho vay, chiết khấu giấy tờ có giá để đầu tư chứng khoán của các tổ chức tín dụng bị khống chế bởi mức vốn điều lệ của các tổ chức tín dụng. Vì vậy, khi doanh nghiệp vay vốn với mục đích để đầu tư vào chứng khoán cần xem xét đến nguồn vốn điều lệ của TCTD và các khoản tín dụng trong lĩnh vực này đã được cấp cho khách hàng. Vốn điều lệ càng lớn, mức cho vay càng cao.

Về các biện pháp bảo đảm tiền vay tại tổ chức tín dụng

Hiện nay có các biện pháp bảo đảm như cầm cố, thế chấp bằng tài sản của khách hàng vay hoặc bằng tài sản của bên thứ ba, đặt cọc, ký cược, kỹ quỹ, tín chấp. Trong đó, cầm cố, thế chấp là biện pháp hay được áp dụng. Các ngân hàng thường muốn doanh nghiệp vay vốn dùng chính tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình để bảo đảm cho khoản vay của doanh nghiệp tại ngân hàng.

Các tài sản này phải thoả mãn những điều kiện nhất định như:

  • Phải có tính thanh khoản, pháp luật cho phép chuyển nhượng, thuộc quyền sở hữu hợp pháp của bên bảo đảm và thường không bị tranh chấp khi đưa ra làm bảo đảm.
  • Đối với cầm cố, bên bảo đảm phải chuyển giao tài sản cho ngân hàng cho vay, đối với thế chấp bên bảo đảm chỉ chuyển giao các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản đó. Tuy nhiên, trên thực tế một số tài sản chỉ có thể là đối tượng của thế chấp như: nhà, đất đai, tàu biển, tàu đánh cá, tàu bay, một số tài sản chỉ có thể là đối tượng của cầm cố như thẻ tiết kiệm, cổ phiếu, trái phiếu, giấy tờ có giá khác.

Trong số các điều kiện đối với tài sản bảo đảm, đặc biệt cần lưu ý khách hàng phải có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản đó.

  • Đối với tài sản có giá trị lớn, có thể đưa ra bảo đảm cho nhiều khoản vay ở các ngân hàng khác nhau, tuy nhiên trong trường hợp này, các bên nhận bảo đảm (các TCTD) phải đăng ký giao dịch bảo đảm và phải cử ra một TCTD làm đầu mối giữ các giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu tài sản bảo đảm nói trên.
  • Về xử lý tài sản bảo đảm: hiện nay có hai phương thức xử lý tài sản bảo đảm sau: do các bên thoả thuận và bán đấu giá. Việc thoả thuận của các bên cũng có thể xảy ra theo các cách thức (tự bán hoặc uỷ quyền cho người thứ ba bán), bên bảo đảm nhận chính tài sản bảo đảm, bên bảo đảm nhận tiền hoặc tài sản (trường hợp thế chấp quyền đòi nợ); phương thức khác do các bên thỏa thuận. Vấn đề là sự thoả thuận của các bên được xác định tại thời điểm nào: thời điểm giao kết giao dịch bảo đảm hay thời điểm xử lý tài sản bảo đảm? Trường hợp một tài sản dùng để bảo đảm nhiều nghĩa vụ trả nợ và phương thức xử lý tài sản được thoả thuận khác nhau thì vấn đề lại trở nên phức tạp.

Về hiệu lực của hợp đồng tín dụng

Khi xem xét hiệu lực pháp lý của hợp đồng tín dụng, ngoài việc xem xét các yếu tố liên quan đến hiệu lực pháp lý của hợp đồng nói chung thì cần thiết chú ý đến các qui định áp dụng riêng đối với hợp đồng tín dụng. Hợp đồng tín dụng bị tuyên bố vô hiệu khi hợp đồng được ký không thoả mãn các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng như về năng lực chủ thể, về điều kiện tự nguyện, về mục đích, nội dung của hợp đồng không được trái luật và đạo đức xã hội.

Một trong các nguyên nhân dẫn tới hợp đồng tín dụng vô hiệu là người ký kết không đúng thẩm quyền hoặc vượt quá thẩm quyền.

Về nguyên tắc, người đại diện hợp pháp của tổ chức là người có thẩm quyền ký kết hợp đồng tín dụng. Người đại diện hợp pháp có thể là người đại diện theo pháp luật hoặc là người đại diện theo uỷ quyền. Việc ủy quyền phải được thực hiện trước khi giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của các bên, hạn chế đến mức thấp nhất việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu do người ký kết không đúng thẩm quyền, quy định về uỷ quyền trong pháp luật hiện hành cũng mang tính linh hoạt, mềm dẻo. Theo đó, việc uỷ quyền có thể được thực hiện trước hoặc sau khi ký hợp đồng, có thể bằng văn bản hoặc bằng hình thức nhất định.

Theo Điều 143 BLDS 2015: “Giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý, biết mà không phản đối trong một thời hạn hợp lý hoặc người được đại diện có lỗi dẫn đến việc người đã giao dịch không biết hoặc không thể biết về việc người đã xác lập, thực hiện giao dịch dân sự với mình vượt quá phạm vi đại diện”.

Như vậy, việc người có thẩm quyền chấp nhận sau khi hợp đồng đã được giao kết không làm cho hợp đồng bị vô hiệu. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 04/2003/NQ–HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao trước đây hướng dẫn một số quy định của pháp luật trong việc giải quyết các vụ án kinh tế. Theo Nghị quyết 04/2003/NQ–HĐTP thì được coi là người có thẩm quyền biết mà không phản đối khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Sau khi hợp đồng đã được ký kết, có đầy đủ căn cứ chứng minh rằng người ký kết hợp đồng đã báo cáo với người có thẩm quyền biết hợp đồng đã được ký kết (Việc báo cáo đó được thực hiện trong biên bản họp giao ban của ban giám đốc, Biên bản cuộc họp của Hội đồng thành viên hay Hội đồng quản trị, có nhiều người khai thống nhất việc báo cáo là có thực…);
  • Người có thẩm quyền thông qua các chứng từ, tài kiệu về kế toán, thống kê biết được hợp đồng kinh tế đó đã được ký kết và đang được thực hiện (đã ký trên hoá đơn, phiếu xuất kho, các khoản thu chi của việc thực hiện hợp đồng hoặc trên sổ sách kế toán của pháp nhân…);
  • Người có thẩm quyền chứng minh có tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ phát sinh theo thoả thuận của hợp đồng được ký kết (ký các văn bản xin gia hạn thanh toán, cam kết sẽ thực hiện nghĩa vụ trong hợp đồng…);
  • Người có thẩm quyền đã trực tiếp sử dụng tài sản, lợi nhuận có được do việc ký kết, thực hiện hợp đồng đó mà có (sử dụng ô tô để đi lại, để kinh doanh mà biết do việc ký kết, thực hiện hợp đồng mà có…).

Ngoài ra, hợp đồng tín dụng có thể bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ khi bên vay là đối tượng bị cấm cho vay hoặc trong trường hợp loại cho vay bị cấm. Điều 126 Luật các tổ chức tín dụng Việt Nam năm 2010 có quy định:

Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép cho vay đối với những đối tượng sau:

  • Thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, pháp nhân là cổ đông có người đại diện phần vốn góp là thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Ban kiểm soát của tổ chức tín dụng là công ty cổ phần, pháp nhân là thành viên góp vốn, chủ sở hữu của tổ chức tín dụng là công ty trách nhiệm hữu hạn.
  • Cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó giám đốc) và các chức danh tương đương.

Các quy định trên không áp dụng đối với quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính quy mô.

Thêm vào đó, Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng Việt Nam năm 2010 còn không cho phép tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được cấp tín dụng không có bảo đảm, cấp tín dụng với điều kiện ưu đãi cho những đối tượng sau đây:

  • Tổ chức kiểm toán, kiểm toán viên đang kiểm toán tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; thanh tra viên đang thanh tra tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
  • Kế toán trưởng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;
  • Cổ đông lớn, cổ đông sáng lập;
  • Doanh nghiệp có một trong những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 126 của Luật này sở hữu trên 10% vốn điều lệ của doanh nghiệp đó;
  • Người thẩm định, xét duyệt cấp tín dụng;
  • Các công ty con, công ty liên kết của tổ chức tín dụng hoặc doanh nghiệp mà tổ chức tín dụng nắm quyền kiểm soát.

Như vậy, nếu tổ chức tín dụng mà cho vay những đối tượng được quy định trong Khoản 1 Điều 126 và cấp tín dụng không có bảo đảm hoặc với những điều kiện ưu đãi cho các đối tượng quy định trong Khoản 1 Điều 127 Luật các tổ chức tín dụng thì hợp đồng tín dụng đó bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ.

Ngoài ra, hợp đồng tín dụng cũng có thể bị tuyên bố vô hiệu toàn bộ khi TCTD cho vay các nhu cầu vốn sau đây (Điều 9.1 Quy chế cho vay):

  • Để mua sắm các tài sản và các chi phí hình thành nên tài sản mà pháp luật cấm mua bán, chuyển nhượng, chuyển đổi.
  • Để thanh toán các chi phí cho việc thực hiện các giao dịch mà pháp luật cấm;
  • Để đáp ứng các nhu cầu chính của các giao dịch mà pháp luật cấm.

Hợp đồng tín dụng có thể bị vô hiệu từng phần khi một phần của hợp đồng vô hiệu không ảnh hưởng đến các phần còn lại của hợp đồng. Ví dụ, hợp đồng tín dụng có thể bị vô hiệu một phần do có điều khoản trong hợp đồng được ký kết trái với quy định của pháp luật như: Điều khoản về lãi suất cho vay, điều khoản về bảo đảm tiền vay…

Ví dụ: Điều 468 BLDS 2015 quy định: Các bên có thỏa thuận về lãi suất thì lãi suất theo thỏa thuận không được vượt quá 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp luật khác có liên quan quy định khác. Căn cứ tình hình thực tế và theo đề xuất của Chính phủ, Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh mức lãi suất nói trên và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất. Do đó, đối với những hợp đồng tín dụng mà các bên thoả thuận mức lãi suất cho vay vượt quá giới hạn trên thì hợp đồng tín dụng đó bị vô hiệu điều khoản về lãi suất.

Mối quan hệ giữa hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm tiền vay

Quan hệ giữa hợp đồng tín dụng và hợp đồng bảo đảm:

  • Hợp đồng tín dụng bị vô hiệu mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì giao dịch bảo đảm chấm dứt; Nếu đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng tín dụng hợp đồng bảo đảm không chấm dứt, trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
  • Hợp đồng bảo đảm vô hiệu không làm chấm dứt hợp đồng tín dụng; trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
  • Hợp đồng tín dụng bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt mà các bên chưa thực hiện hợp đồng đó thì hợp đồng bảo đảm chấm dứt; nếu đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng tín dụng thì hợp đồng bảo đảm không chấm dứt; trừ trường hợp có thỏa thuận khác;
  • Hợp đồng bảo đảm bị hủy bỏ hoặc đơn phương chấm dứt thực hiện không làm chấm chấm dứt hợp đồng tín dụng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, hiệu lực của hợp đồng tín dụng không phải trong mọi trường hợp đều ảnh hưởng tới hiệu lực của giao dịch bảo đảm. Để xác định xem hiệu lực của hợp đồng tín dụng có ảnh hưởng tới giao dịch bảo đảm hay không hoàn toàn phụ thuộc vào hợp đồng tín dụng đã được thực hiện hay chưa. Nếu các bên chưa thực hiện hợp đồng tín dụng thì khi hợp đồng tín dụng bị vô hiệu, bị huỷ bỏ, hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng thì giao dịch bảo đảm chấm dứt. Trường hợp các bên đã thực hiện một phần hoặc toàn bộ hợp đồng thì khi hợp đồng tín dụng bị vô hiệu, bị huỷ bỏ, hoặc đơn phương chấm dứt hợp đồng thì giao dịch bảo đảm không chấm dứt, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Đối với hợp đồng bảo lãnh: Khác biệt với các giao dịch bảo đảm khác, chủ thể của hợp đồng bảo lãnh không đồng thời là chủ thể của hợp đồng tín dụng (hợp đồng có nghĩa vụ được bảo đảm). Trường hợp mà hợp đồng tín dụng vô hiệu nhưng các bên chưa thực hiện hợp đồng nghĩa là bên tổ chức tín dụng chưa tiến hành giải ngân cho khách hàng thì hợp đồng bảo đảm cũng bị chấm dứt. Trường hợp mà hợp đồng tín dụng bị vô hiệu nhưng các bên đã thực hiện được một phần hoặc toàn bộ nghĩa là khách hàng đã nhận được một phần hoặc toàn bộ số tiền vay thì hợp đồng bảo lãnh không chấm dứt. Do đó, nếu khách hàng vay không hoàn trả lại tiền cho tổ chức tín dụng trong việc xử lý hợp đồng vô hiệu thì lúc này bên bảo lãnh vẫn phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh của mình đối với tổ chức tín dụng.

Quy định trên đây là hoàn toàn phù hợp với thực tế quan hệ tín dụng ngân hàng, phản ánh đúng tính chất của giao dịch bảo đảm, nhằm đảm bảo quyền lợi cho bên cho vay (tổ chức tín dụng) với tư cách là bên nhận bảo đảm.

Trường hợp tổ chức tín dụng thỏa thuận với khách hàng hợp đồng bảo đảm là bộ phận không thể tách rời của hợp đồng tín dụng thì khi hợp đồng bảo đảm vô hiệu có thể sẽ làm hợp đồng tín dụng vô hiệu theo.

Trên đây là một số vấn đề cơ bản liên quan đến Quý khách có nhu cầu tư vấn soạn thảo hợp đồng, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!

Mục lục

Bài viết liên quan

Mục lục
Ẩn

    Tư vấn hợp đồng

    Tư vấn hợp đồng

    Văn bản pháp luật

    Văn bản pháp luật

    Tư vấn pháp luật

    Tư vấn luật

    LIÊN HỆ CÔNG TY LUẬT VIỆT AN

    Tư vấn doanh nghiệp: 09 79 05 77 68
    Tư vấn doanh nghiệp
    Tư vấn sở hữu trí tuệ: 0976 18 66 08
    Tư vấn sở hữu trí tuệ
    Tư vấn đầu tư: 09 13 380 750
    Tư vấn đầu tư

    TỔNG ĐÀI PHÍA BẮC

    Hotline: 09 61 37 18 18
    (Whatsapp, Zalo, Viber) hanoi@vietanlaw.vn Skype IconSkype Chat
    Tư vấn kế toán - thuế: 09 888 567 08
    Dịch vụ kế toán thuế
    Tư vấn giấy phép: 0966 83 66 08
    Tư vấn giấy phép
    Tư vấn hợp đồng: 0913 380 750
    Tư vấn hợp đồng

    TỔNG ĐÀI PHÍA NAM

    Hotline: 09 61 57 18 18

    (Whatsapp, Zalo, Viber)
    hcm@vietanlaw.vn
    Skype IconSkype Chat

    Liên hệ tư vấn
    Cảnh báo lừa đảo
    CẢNH BÁO MẠO DANH CÔNG TY LUẬT VIỆT AN LỪA ĐẢO