Tổ chức tín dụng là loại hình doanh nghiệp đặc biệt trong nền kinh tế hiện đại ngày nay. Hoạt động cho vay là một trong những hoạt động cơ bản của các tổ chức tín dụng. Hoạt động này đóng vai trò quan trọng, kết nối giữa những người cần vốn với những người thừa vốn, đảm bảo nhu cầu về vốn cho các mục đích sử dụng khác nhau của các chủ thể, thúc đẩy sản xuất, tái sản xuất, điều tiết nền kinh tế vĩ mô. Để hoạt động này được công nhận, mang giá trị pháp lý, phải cần có hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, việc soạn thảo hợp đồng tín dụng đầy đủ theo đúng quy định pháp luật lại là một trong những khó khăn mà nhiều khách hàng gặp phải. Và để giải đáp thắc mắc của quý khách hàng, công ty Luật Việt An đưa ra bài viết về soạn thảo hợp đồng tín dụng dưới đây.
Căn cứ pháp lý:
Bộ luật dân sự năm 2015.
Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010.
Hợp đồng tín dụng là gì?
Hợp đồng là sự thoả thuận giữa các bên nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt các quyền và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia.
Hoạt động cấp tín dụng được hiểu là sự thoả thuận để tổ chức cá nhân sử dụng một khoản tiền hoặc cam kết cho phép sử dụng một khoản tiền theo nguyên tắc có hoàn trả bằng nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bao thanh toán, bảo lãnh ngân hàng và các hoạt động cấp tín dụng khác.
Hợp đồng tín dụng phổ biến trên thực tế là loại hợp đồng cho vay tài sản được quy định trong Bộ luật dân sự năm 2015, với bên cho vay là tổ chức tín dụng. Có thể hiểu hợp đồng tín dụng là sự thoả thuận bằng văn bản giữa tổ chức tín dụng với khách hàng là các cá nhân hoặc pháp nhân có đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật. Theo đó, tổ chức tín dụng sẽ cho khách hàng vay một số tiền nhất định, khi đến hạn, bên vay phải trả cả gốc và lãi theo lãi suất mà các bên đã tự thoả thuận với nhau.
Đặc điểm của hợp đồng tín dụng
Với khái niệm nêu trên, hợp đồng tín dụng có một số đặc điểm cơ bản như sau:
Thứ nhất, hình thức của hợp đồng tín dụng: phải được thể hiện bằng văn bản, có thể là văn bản viết tay hoặc văn bản điện tử dưới dạng thông điệp dữ liệu điện tử, tuỳ thuộc vào sự thoả thuận của các bên. Đây là cơ sở quan trọng, tiên quyết để bảo vệ quyền lợi của các bên khi có tranh chấp xảy ra.
Thứ hai, bên cho vay trong hợp đồng tín dụng bắt buộc phải là tổ chức tín dụng, được thành lập và hoạt động hợp pháp. Bên vay có thể là cá nhân hoặc pháp nhân đáp ứng đủ điều kiện.
Thứ ba, đối tượng của hợp đồng tín dụng là tiền tệ, có thể là tiền đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ, được xác định cụ thể, do các bên tự thoả thuận và phải được ghi rõ trong hợp đồng tín dụng. Đây là một trong những đặc điểm phân biệt hợp đồng tín dụng với các loại hợp đồng vay tài sản thông thường khác bởi trong các hợp đồng vay tài sản thì đối tượng có thể là tiền hoặc vật.
Thứ tư, hợp đồng tín dụng có thời hạn: ngắn hạn (đến 1 năm), trung hạn (từ 1-5 năm) và dài hạn (từ 5 năm trở lên).
Thứ năm, hợp đồng tín dụng được thực hiện vì mục tiêu lợi nhuận.
Một số nội dung trong hợp đồng tín dụng
Ngoài thông tin về thời gian, địa điểm ký hợp đồng, thông tin của bên cho vay và bên vay hợp đồng tín dụng còn có các nội dung như sau:
Điều khoản về số tiền vay: ghi rõ cụ thể số tiền vay (bằng số và bằng chữ), loại tiền tệ vay;
Điều khoản về mục đích vay: mục đích vay phải được ghi rõ trong hợp đồng, nội dung của mục đích phải không trái đạo đức, không vi phạm các quy định của pháp luật;
Điều khoản về lãi suất vay: nêu rõ cách tính lãi suất, các mức lãi suất áp dụng, có thể bao gồm lãi suất trong thời hạn, lãi suất cơ cấu lại thời hạn trả nợ, lãi suất quá hạn. Lãi suất cho vay do các bên thoả thuận theo nhu cầu vốn của thị trường và tuỳ thuộc vào mức độ tin cậy của khách hàng, trừ trường hợp Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam có quy định về lãi suất cho vay tối đa đối với một số lĩnh vực;
Điều khoản về bảo đảm thực hiện hợp đồng: các bên thoả thuận các biện pháp bảo đảm thực hiện hợp đồng như cầm cố, thế chấp, hoặc các biện pháp tài sản bảo đảm khác (nếu có);
Điều khoản về quyền và nghĩa vụ của bên cho vay, về quyền và nghĩa vụ của bên vay: nội dung của các điều khoản này do các bên tự thoả thuận, bên cho vay có thể có các quyền như: quyền từ chối giải ngân nếu bên vay không đáp ứng đủ các yêu cầu, điều kiện, quyền yêu cầu bên vay thanh toán các khoản nợ đầy đủ, đúng hạn,…Bên vay có thể có các quyền như: quyền nhận và sử dụng vốn vay, quyền yêu cầu bên vay giải toả tài sản khi bên vay đã hoàn thành các nghĩa vụ đối với bên cho vay,… Tương ứng với các quyền của bên cho vay là các nghĩa vụ của bên vay và ngược lại.
Điều khoản về giải quyết tranh chấp: các bên thoả thuận các biện pháp giải quyết tranh chấp hợp đồng tín dụng, ví dụ như thoả thuận sử dụng phương thức trọng tài để giải quyết tranh chấp;
Điều khoản thi hành: xác định thời gian có hiệu lực của hợp đồng, thông thường, các bên sẽ thoả thuận hợp đồng có hiệu lực kể từ ngày ký kết cho đến khi bên vay hoàn thành các nghĩa vụ đã thoả thuận với bên cho vay. Điều khoản thi hành cũng ghi nhận việc các bên giao kết hợp đồng theo nguyên tắc tự nguyện, thiện chí, trung thực, không bị ép buộc hay lừa dối. Các bên đã đọc hợp đồng và nhất trí, thể hiện bằng việc ký tên, đóng dấu ở cuối hợp đồng.
Hợp đồng tín dụng có bắt buộc về biện pháp bảo đảm hay không?
Hợp đồng tín dụng không bắt buộc về biện pháp bảo đảm, tuỳ vào sự thoả thuận của các bên, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trường hợp có bảo đảm thì thường hợp đồng bảo đảm được xác lập riêng với hợp đồng tín dụng (hợp đồng cầm cố, hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh).
Thời hạn sử dụng vốn trong các loại hợp đồng tín dụng?
Căn cứ vào thời gian sử dụng vốn, hợp đồng tín dụng bao gồm hợp đồng tín dụng ngắn hạn và dài hạn. Trong đó, hợp đồng tín dụng ngắn hạn có thời gian sử dụng vốn vay là đến một năm, thường đáp ứng nhu cầu về kinh doanh của khách hàng trong khoảng thời gian ngắn. Hợp đồng tín dụng trung và dài hạn, thời gian sử dụng vốn là một năm trở lên, thường đáp ứng nhu cầu mua sắm, tiêu dung, kinh doanh cố định của khách hàng.
Có phải tất cả mọi cá nhân, pháp nhân đều có thể tham gia hợp đồng tín dụng hay không?
Tổ chức tín dụng không được cho vay vốn nhằm thực hiện các hành vi trái pháp luật, không được cho vay với các trường hợp bị cấm cho vay.
Ví dụ: Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được phép cho vay đối với cha, mẹ, vợ, chồng, con của thành viên Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên Ban kiểm soát, Tổng giám đốc, Phó tổng giám đốc và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về soạn thảo hợp đồng tín dụng nói riêng và soạn thảo các hợp đồng dân sự, kinh tế, xin vui lòng liên hệ Công ty Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.