Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện quyền và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của chủ sở hữu nhãn hiệu. Tuy nhiên, trên thực tế, vì nhiều lý do khác nhau mà Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể bị mất hoặc thất lạc. Điều nay gây ra nhiều rủi ro về mặt pháp lý cho chủ sở hữu nhãn hiệu. Trong trường hợp này, chủ sở hữu cần yêu cầu cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị mất để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.
Ý nghĩa của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Theo quy định tại Điều 92 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019, 2022), Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là tên gọi cụ thể của Văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu.
Và theo quy định tại Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2010, 2019, 2022), trừ nhãn hiệu nổi tiếng thì nhãn hiệu chỉ được bảo hộ khi đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền và được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hoặc các văn bản khác có giá trị tương đương. Vì vậy, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được coi là văn bản pháp lý quan trọng để chứng minh quyền hợp pháp đối với nhãn hiệu của chủ văn bằng bảo hộ. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để chủ sở hữu nhãn hiệu thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Những trường hợp nào được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu
Theo quy định tại khoản 7 Điều 29 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, Cục sở hữu trí tuệ sẽ cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong những trường hợp sau:
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị mất;
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị hỏng, rách, bẩn, phai mờ đến mức không sử dụng được;
Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị tháo rời không giữ được dấu niêm phong.
Như vậy, về cơ bản, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chỉ được cấp lại khi bi mất, rách hoặc bị hư hỏng không thể sử dụng được.
Cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị mất
Hồ sơ yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị mất
Theo điểm c khoản 7 Điều 29 Nghị định 65/2023/NĐ-CP, người yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cần chuẩn bị hồ sơ như sau:
Tờ khai yêu cầu cấp phó bản văn bằng bảo hộ, cấp lại văn bằng bảo hộ/phó bản văn bằng bảo hộ;
02 mẫu nhãn hiệu, 02 bộ ảnh chụp hoặc 02 bộ bản vẽ kiểu dáng công nghiệp trùng với mẫu nhãn hiệu, bộ ảnh chụp hoặc bản vẽ kiểu dáng công nghiệp trong văn bằng bảo hộ gốc;
Văn bản ủy quyền (trường hợp yêu cầu được nộp thông qua đại diện);
Bản sao chứng từ nộp phí, lệ phí (trường hợp nộp phí, lệ phí qua dịch vụ bưu chính hoặc nộp trực tiếp vào tài khoản của cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp).
Trình tự, thủ tục tiến hành
Bước 1: Nộp hồ sơ
Người có yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ tại một trong những nơi như sau theo hình thức trực tuyến hoặc qua dịch vụ bưu chính viễn thông:
Cục Sở hữu trí tuệ, hoặc;
Văn phòng đại diện của Cục Sở hữu trí tuệ tại Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục
Hồ sơ hợp lệ:
Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
Ghi nhận vào mục đăng bạ của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu trong Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp.
Hồ sơ không hợp lệ:
Cục Sở hữu trí tuệ ra thông báo yêu cầu sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản hồi, thời hạn thực hiện là 02 tháng.
Nếu quá thời hạn này mà người yêu cầu không có ý kiến phản hồi, không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chũa không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Thời gian giải quyết thủ tục
Thời gian giải quyết thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu từ 01 tháng đến 03 tháng, kể từ ngày nhận được yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Lệ phí cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị mất
Theo quy định tại Thông tư 263/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính thì khi có yêu cầu cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị mất, người có yêu cầu phải nộp lệ phí cấp Văn bằng bảo hộ là 120.000 đồng. Chứng từ nộp lệ phí sẽ được bổ sung vào hồ sơ yêu cầu cấp lại.
Rủi ro khi không cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị mất có rủi ro gì?
Như trên đã đề cập, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là văn bản pháp lý có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện và bảo vệ quyền sở hữu nhãn hiệu của chủ sở hữu. Trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị mất, chủ văn bằng bảo hộ có thể gặp những rủi ro như sau:
Tạo điều kiện cho bên thứ ba xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ
Việc không cung cấp được Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không làm mất đi quyền sở hữu nhãn hiệu. Nhưng chủ sở hữu nhãn hiệu lại không thể ngay lập tức chứng minh được quyền sở hữu nhãn hiệu của đối với bên thứ ba. Điều này đã vô tình tạo điều kiện cho bên thứ ba xâm phạm và sử dụng nhãn hiệu một cách trái phép, dẫn đến mất uy tín và thương hiệu của doanh nghiệp.
Chủ sở hữu khó có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình
Việc không cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã bị mất cũng có thể gây khó khăn trong việc bảo vệ quyền lợi và lợi ích của chủ sở hữu ban đầu trước mắt các tranh chấp pháp lý hoặc xung đột về nhãn hiệu. Nếu không có tài liệu chứng minh về việc đăng ký và quyền sở hữu nhãn hiệu, chủ sở hữu không thể chứng minh rằng họ có quyền hợp pháp đối với nhãn hiệu của mình trong trường hợp tranh chấp. Đồng thời, chủ sở hữu nhãn hiệu cũng không có cơ sở để yêu cầu người có hành vi xâm phạm nhãn hiệu dừng lại hành vi vi phạm ngay tại thời điểm phát hiện.
Giảm đi sự tin cậy từ phía đối tác, khách hàng
Rủi ro thứ ba có thể phát sinh khi không cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là làm giảm sự tin cậy của từ phái đối tác, khách hàng hoặc cơ quan có thẩm quyền về sở hữu nhãn hiệu của mình. Bởi lẽ, khi ký kết các hợp đồng kinh tế có liên quan đến việc sử dụng nhãn hiệu, đối tác thường đưa ra yêu cầu chủ sở hữu nhãn hiệu phải cung cấp được các giấy tờ, tài liệu chứng minh quyền sở hữu nhãn hiệu của mình, đơn giản nhất là Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu để tạo sự tin cậy và hạn chế rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Do đó, việc không cung cấp được Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có thể dẫn đến việc mất cơ hội hợp tác, đầu tư hoặc phát triển kinh doanh do việc không thể cung cấp chứng cứ và bằng chứng về việc sở hữu nhãn hiệu.
Qua bài viết trên, Luật Việt An đã gửi tới Quý khách hàng những nội dung pháp lý quan trọng liên quan đến vấn đề cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu bị mất. Nếu còn vướng mắc về nội dung bài viết hoặc có nhu cầu hỗ trợ các vấn đề pháp lý khác, Quý khách hàng vui lòng liên hệ tới Luật Việt An để được hỗ trợ kịp thời.