Đăng ký kiểu dáng công nghiệp quốc tế bằng đơn Lahay
Nghị định 65/2023/NĐ-CP là một Nghị định mới được ban hành, nhằm chi tiết, cụ thể hóa các nội dung liên quan đến vấn đề đăng ký kiểu dáng công nghiệp quốc tế bằng đơn Lahay kể từ khi Việt Nam cam kết tham gia vào Thỏa ước Geneva 1999.
Để tìm hiểu chi tiết hơn về vấn đề được đề cập ở trên, công ty Luật Việt An sẽ đưa ra bài viết dưới đây.
Cơ sở pháp lý
Thỏa ước Lahay về đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp;
Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022;
Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.
Đăng ký kiểu dáng công nghiệp quốc tế bằng đơn Lahay
Đơn Lahay là gì?
Căn cứ theo quy định tại Khoản 15 Điều 3 Nghị định 65/2023/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, có thể hiểu Đơn Lahay là đơn đăng ký quốc tế kiểu dáng công nghiệp nộp theo Thỏa ước Lahay.
Thỏa ước Lahay về được ký kết vào năm 1925 và có hiệu lực từ năm 1928 là một điều ước quốc tế do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO. Tính đến nay, Thỏa ước Lahay đã trải qua nhiều lần sửa đổi và có ba lần sửa đổi lớn nhất là sửa đổi tại London (Anh); Văn kiện ký tại Lahay (Thụy Điển), và Văn kiện ký tại Geneva (Thụy Sỹ).
Những sự sửa đổi này tạo nên những ưu điểm nhất định cho Thỏa ước Lahay, chẳng hạn như:
Hệ thống Lahay cho phép chủ sở hữu của kiểu dáng công nghiệp có thể đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của mình bằng cách nộp một hồ sơ đơn duy nhất đến cho một cơ quan duy nhất, và chỉ cần sử dụng một loại ngôn ngữ. Điều này thể hiện sự đơn giản trong việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp của hệ thống Lahay.
Bên cạnh đó, đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước Lahay còn cho phép chủ đơn đăng ký bảo hộ chỉ định bảo hộ ở nhiều quốc gia, và có thể tự chỉ định quốc gia xuất xứ. Đặc điểm này thể hiện sự linh hoạt trong việc đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp theo Thỏa ước Lahay.
Cũng chính bởi những ưu điểm nổi bật này, mà Việt Nam cũng đã tham gia và trở thành thành viên của Thỏa ước Lahay (Văn kiện Geneva 1999) vào năm 2019. Điều này cũng có nghĩa là Việt Nam chỉ có quyền và nghĩa vụ với Thỏa ước theo Văn kiện này và không chịu ảnh hưởng từ các văn kiện còn lại.
Chủ thể có quyền nộp đơn Lahay
Theo Thỏa ước Lahay, thì các cá nhân, tổ chức đều có quyền nộp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp quốc tế theo Thỏa ước Lahay nếu như các cá nhân, tổ chức đó đáp ứng được một trong số các điều kiện được liệt kê sau đây:
Là công dân của một nước tham gia vào Thỏa ước Lahay;
Thường trú tại một quốc gia tham gia vào Thỏa ước Lahay;
Có nơi cư trú hoặc có trụ sở thương mại hoặc công nghiệp thực sự và hiệu quả tại một quốc gia tham gia Thỏa ước Lahay.
Do đó, chỉ cần thỏa mãn một trong các điều kiện trên thì bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo Hệ thống Lahay.
Phân loại đơn Lahay
Dựa trên nội dung Đơn Lahay được quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Theo đó, đơn Lahay bao gồm các loại đơn được liệt kê sau đây:
Đơn Lahay có chỉ định Việt Nam: là loại đơn Lahay mà đưa ra yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp tại Việt Nam, có nguồn gốc từ bất kỳ thành viên nào của Thỏa ước Lahay, kể cả Việt Nam;
Đơn Lahay có nguồn gốc Việt Nam: là đơn Lahay mà được nộp từ Việt Nam, trong đơn này có yêu cầu bảo hộ về kiểu dáng công nghiệp tại bất kỳ thành viên nào của Thỏa ước Lahay, kể cả Việt Nam.
Điểm khác biệt giữa hai loại đơn này chính là quốc gia yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và quốc gia được yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp. Cụ thể:
Đối với đơn có chỉ định Việt Nam: quốc gia có yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là các thành viên của Thỏa ước Lahay, và quốc gia được yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là Việt Nam;
Đối với đơn có nguồn gốc Việt Nam: quốc gia có yêu cầu bảo hiệu kiểu dáng công nghiệp là Việt Nam, và quốc gia được yêu cầu bảo hộ kiểu dáng công nghiệp là các nước thành viên khác của Thỏa ước Lahay.
Cách soạn đơn Lahay
Đơn Lahay được chia thành đơn Lahay bằng giấy và đơn Lahay trực tuyến, nếu người nộp đơn muốn sử dụng đơn giấy thì người nộp đơn sẽ phải tiến hành truy cập vào trang web https://www.wipo.int/hague/en/forms sau đó tại mẫu đơn DM/1 về để tiến hành điền thông tin vào đơn.
Trường hợp, người nộp đơn muốn nộp đơn trực tuyến, thì người nộp đơn sẽ phải nộp đơn bằng cách tiến hành khai trực tiếp các thông tin liên quan trên giao diện của hệ thống nộp đơn Lahay trực tuyến.
Dù ở là khai bằng giấy hay trực tuyến, thì đơn Lahay của người nộp đơn phải đáp ứng được các yêu cầu cụ thể được liệt kê dưới đây:
Phải sử dụng mẫu đã được quy định sẵn, người nộp đơn không được tự ý tiến hành sửa đổi mẫu tờ khai;
Đơn Lahay khi nộp cho Văn phòng quốc tế phải sử dụng một trong ba ngôn ngữ: Tiếng Anh, Tiếng Pháp hoặc Tiếng Tây Ban Nha.
Đơn Lahay khi nộp thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp phải được sử dụng bằng tiếng Anh;
Về thông tin đơn phải có:
Đầy đủ các thông tin về chủ đơn;
Thông tin liên lạc của chủ đơn hay người đại diện của chủ đơn;
Đầy đủ các thông tin về sản phẩm;
Thông tin liên quan đến quốc gia được chỉ định. Đặc biệt, người nộp đơn sẽ không thể chỉ định thêm bất kỳ quốc gia nào khác nữa một khi đã tiến hành nộp đơn.
Bên cạnh các yêu cầu này, trong quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 22 Nghị định 65/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, còn đặt ra thêm một số yêu cầu đối với người nộp đơn khi nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp quốc tế bằng đơn Lahay như sau:
Trường hợp người nộp đơn nộp đơn cho Văn phòng quốc tế thì đơn phải được làm bằng ngôn ngữ và theo các yêu cầu về hình thức cũng như nội dung như đã được nêu trong Thỏa ước Lahay đã được liệt kê ở trên;
Trường hợp người nộp đơn tiến hành nộp đơn thông qua cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thì phải đáp ứng được các yêu cầu cụ thể như dưới đây:
Đơn phải được làm bằng tiếng Anh;
Số lượng mỗi đơn nộp là 02 bản;
Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu liên quan đến vấn đề hình thức và nội dung theo Thỏa ước Lahay đã được đề cập ở trên.
Một số lưu ý đối với người nộp đơn khi sử dụng mẫu đơn Lahay
Đơn Lahay là mẫu đơn cực kỳ chú trọng đến vấn đề nội dung và hình thức, chính vì thế, người nộp đơn phải cực kì cẩn trọng về vấn đề này. Tuy nhiên, cũng vì tập trung về vấn đề này mà số lượng yêu cầu liên quan đến nội dung và hình thức của đơn Lahay cũng khá đồ sộ.
Do đó, khi tiến hành sử dụng mẫu đơn Lahay để đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp quốc tế, người nộp đơn nên tìm đến sự trợ giúp, hỗ trợ của các chuyên gia có kinh nghiệm, có uy tín và có năng lực về vấn đề này như đội ngũ luật sư, tư vấn viên của công ty Luật Việt An để nhận được sự trợ giúp thích hợp nhất.
Quý khách hàng có bất kỳ vướng mắc về đăng ký kiểu dáng công nghiệp quốc tế bằng đơn Lahay, xin vui lòng liên hệ Luật Việt An để được chúng tôi hỗ trợ tốt nhất!