Các nhà xuất khẩu thường chỉ nhận ra tầm quan trọng của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ, đặc biệt là quyền đối với nhãn hiệu của họ khi đã quá muộn. Theo đó, chỉ khi họ đối mặt với các công ty làm hàng giả hoặc hàng nhái sản phẩm của họ hoặc khi họ bị cáo buộc xâm phạm quyền của người khác. Do đó, khi doanh nghiệp có kế hoạch và chiến lược xuất khẩu, điều quan trọng là phải hiểu được môi trường sở hữu trí tuệ, cách thức đăng ký, xác lập quyền đối với nhãn hiệu ở thị trường xuất khẩu tiềm năng, cũng như hiểu được tất cả các vấn đề khác về môi trường kinh doanh ở thị trường đó. Một số lưu ý về nhãn hiệu cho hàng hóa xuất khẩu là:
Tính lãnh thổ của quyền sở hữu nhãn hiệu
Nhiều nhà xuất khẩu tin rằng bằng cách nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước sở tại là họ sẽ tự động nhận được sự bảo hộ trên toàn thế giới. Nhưng, quyền sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng có tính lãnh thổ và các cơ quan sở hữu trí tuệ chỉ cấp sự bảo hộ theo pháp luật quốc gia (hay khu vực có liên quan). Chỉ trong lĩnh vực quyền tác giả mới có bảo hộ rộng rãi và tự động ở nhiều nước. Để biết được về cách thức nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài nhà xuất khẩu phải tìm hiểu cách thức đăng ký nhãn hiệu của quốc gia đó, vì hệ thống pháp luật liên quan đến nhãn hiệu của mỗi nước là khác nhau.
Thường lầm tưởng rằng pháp luật và thủ tục bảo hộ, đăng ký nhãn hiệu là giống nhau trên toàn thế giới
Tuy đã có sự hài hòa hỏa đáng kể về pháp luật và thủ tục bảo hộ đăng ký nhãn hiệu trên toàn thế giới, nhưng vẫn còn tồn tại khác biệt trong nhiều vấn đề ở các nước khác nhau. Ví dụ, Hệ thống pháp luật Anh Mỹ (Common Law) thì thường áp dụng nguyên tắc ưu tiên cho người sử dụng trước hay còn gọi là nguyên tắc “first to use” được hiểu là quyền sở hữu nhãn hiệu được quyết định bởi những người đầu tiên sử dụng nó, không phải người đầu tiên nộp đơn đăng ký nó, đặc biệt phù hợp với việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Ngược lại, các nước theo hệ thống pháp luật châu Âu lục địa (Civil Law) lại áp nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (first – to – file) là một trong hai nguyên tắc bảo hộ đối với quyền sở hữu trí tuệ. Theo nguyên tắc “first to file”, pháp luật chỉ bảo hộ cho chủ thể nộp đơn đăng ký sớm nhất đối với cùng một đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp như sáng chế, nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp,… chứ không phải là người đầu tiên sáng tạo ra nó.
Không kiểm tra xem nhãn hiệu đã được đăng ký hay được sử dụng bởi đối thủ cạnh tranh ở thị trường xuất khẩu hay chưa
Việc sử dụng nhãn hiệu trùng hoặc tương tự với một nhãn hiệu đã đăng ký hay đang được sử dụng bởi một công ty khác ở nước khác có thể bị coi là xâm phạm quyền nhãn hiệu của công ty đó. Công ty có hàng hóa xuất khẩu có thể bị yêu cầu ngừng sử dụng nhãn hiệu đó hoặc bị yêu cầu bồi thường thiệt hại cho hành vi xâm phạm. Đây có thể là một luồng gió lớn quét sạch toàn bộ chiến lược xuất khẩu và tiếp thị của công ty bạn. Việc tra cứu nhãn hiệu ở thị trường xuất khẩu có liên quan là một biện pháp cực kỳ cần thiết trước khi bắt đầu triển khai kế hoạch xuất khẩu của bạn và việc tra cứu này nên được thực hiện trước khi lựa chọn nhãn hiệu.
Không sử dụng các hệ thống bảo hộ khu vực hoặc quốc tế
Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nhiều cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia có thể sẽ gây ra tốn kém. Các hệ thống bảo hộ khu vực và quốc tế, nếu có, là một cách thức có hiệu quả để đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại nhiều nước khác nhau trên thế giới.
Sử dụng nhãn hiệu không phù hợp với thị trường xuất khẩu
Có rất nhiều ví dụ về các công ty chỉ khi bắt đầu tiếp thị sản phẩm hoặc dịch vụ ở thị trường nước ngoài mới nhận ra rằng nhãn hiệu của họ không phù hợp với thị trường đó vì (a) nhãn hiệu có ý nghĩa tiêu cực hoặc không hay theo ngôn ngữ hoặc văn hóa địa phương hoặc (b) nhãn hiệu không thể đăng ký ở cơ quan sở hữu trí tuệ quốc gia dựa trên cơ sở tuyệt đối.
Tóm lại, có rất nhiều lý do để tin chắc rằng các vấn đề nhãn hiệu cần phải được xem xét một cách thỏa đáng khi doanh nghiệp xây dựng kế hoạch xuất khẩu và rằng doanh nghiệp đã áp dụng đầy đủ các biện pháp để bảo đảm, không xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của người khác.
Quý khách hàng có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa ra thị trường nước ngoài cần xem xét đến vấn đề đăng ký nhãn hiệu tại nước ngoài. Mọi khó khăn, vướng mắc Quý khách hàng xin vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất!