Đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất theo Nghị định 135/2024/NĐ-CP
Với mục tiêu thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo và giảm thiểu tác động đến môi trường, ngày 22/10/2024, Nghị định 135/2024/NĐ-CP quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được Chính phủ ban hành và có hiệu lực cùng ngày. Một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị định 135/2024/NĐ-CP là đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất tự tiêu thụ tại các hộ gia đình hiện nay. Sau đây, Luật Việt An sẽ cập nhật những thông tin về đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất theo Nghị định 135/2024/NĐ-CP.
Chính sách khuyến khích về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ
Điện mặt trời mái nhà là điện được sản xuất từ các tấm quang điện theo nguyên lý biến đổi từ quang năng thành điện năng, thông qua kết cấu xây dựng nhằm lắp đặt trên mái nhà của công trình xây dựng, kết nối với thiết bị điện và phục vụ trực tiếp cho hoạt động phát điện. Điện tự sản xuất, tự tiêu thụ là điện được sản xuất và tiêu thụ do tổ chức hoặc cá nhân thực hiện để phục vụ chính cho nhu cầu của tổ chức, cá nhân đó.
Theo đó, tại Điều 8 Nghị định 135/2024/NĐ-CP mới ban hành, Việt Nam đang thực thi chính sách khuyến khích về phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ như sau:
Miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực
Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực và không giới hạn công suất trong các trường hợp:
Không đấu nối với hệ thống điện quốc gia;
Lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia;
Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất dưới 100 kW.
Ưu đãi về thuế
Doanh nghiệp tự sản xuất, tự tiêu thụ điện mặt trời mái nhà được hưởng chính sách ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế VAT, khi thực hiện các dự án đầu tư mới theo quy định của pháp luật thuế hiện hành.
Hỗ trợ, đơn giản thủ tục hành chính
Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được rút gọn các thủ tục hành chính theo quy định pháp luật chuyên ngành hiện hành.
Công trình xây dựng có lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không phải thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch đất năng lượng và công năng theo quy định của pháp luật.
Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được miễn hoặc không phải điều chỉnh giấy phép kinh doanh.
Nghĩa vụ thông báo khi thực hiện phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ
Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không đấu nối với hệ thống điện quốc gia
Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không đấu nối với hệ thống điện quốc gia là điện mặt trời mái nhà để sản xuất, cung cấp điện cho phụ tải tại chỗ không đấu nối với hệ thống điện quốc gia và cung cấp điện cho phụ tải tại chỗ không liên kết vật lý với hệ thống điện quốc gia. Theo Điều 6 Nghị định 135/2024/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân trước khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không đấu nối với hệ thống điện quốc gia phải thực hiện nghĩa vụ như sau:
Thông báo công suất lắp đặt và địa điểm thực hiện đến Sở Công Thương và đơn vị điện lực địa phương.
Thông báo đến cơ quan quản lý về xây dựng, phòng cháy chữa cháy tại địa phương để quản lý, theo dõi, hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia
Theo Điều 7 Nghị định 135/2024/NĐ-CP, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt dưới 100 kW thực hiện:
Thông báo đến Sở Công Thương và đơn vị điện lực địa phương;
Thông báo đến cơ quan quản lý về xây dựng, phòng cháy chữa cháy tại địa phương để quản lý, theo dõi, hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân trước khi lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt từ 100 kW đến dưới 1.000 kW thực hiện:
Thông báo kèm hồ sơ thiết kế đến Sở Công Thương;
Thông báo đến cơ quan quản lý về xây dựng, phòng cháy chữa cháy tại địa phương để quản lý, theo dõi, hướng dẫn thực hiện theo quy định của pháp luật;
Thông báo đến đơn vị điện lực địa phương để quản lý, theo dõi, điều độ vận hành an toàn hệ thống điện.
Mẫu thông báo phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia
Lưu ý hiện nay, trường hợp điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia, mẫu thông báo thực hiện theo mẫu số 04 Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 135/2024/NĐ-CP.
Nghĩa vụ đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ
Trường hợp phải đăng ký
Theo Khoản 2 Điều 8 Nghị định số 135/2024/NĐ-CP quy định như sau:
“Điều 8. Chính sách khuyến khích
Tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có công suất lắp đặt từ 1.000 kW trở lên và bán điện dư vào hệ thống điện quốc gia, thực hiện thủ tục về quy hoạch điện lực (trừ trường hợp thuộc quy mô công suất theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch được phân bổ tại địa phương) và đề nghị cấp giấy phép hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, trường hợp điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia có công suất từ 1.000 kW trở lên và bán điện dư vào hệ thống quốc gia thì phải đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển.
Hồ sơ đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ
Hồ sơ đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ theo Khoản 2 Điều 10 Nghị định số 135/2024/NĐ-CP. Cụ thể:
Giấy đăng ký: theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 135/2024/NĐ-CP;
Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ cung cấp tài liệu: Bản vẽ thiết kế lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; bản sao giấy phép xây dựng của công trình (nếu có) theo quy định của pháp luật;
Đối tượng còn lại cung cấp tài liệu: Bản vẽ thiết kế lắp đặt điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ; các bản sao chủ trương đầu tư, giấy phép xây dựng, nghiệm thu phòng cháy chữa cháy, kết quả nghiệm thu công trình xây dựng, tài liệu về bảo vệ môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Trình tự giải quyết hồ sơ
Nộp hồ sơ tại Sở Công Thương cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển.
Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận chịu trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký phát triển. Trường hợp không đáp ứng yêu cầu, cơ quan tiếp nhận hồ sơ ra thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký hợp lệ, cơ quan tiếp nhận gửi hồ sơ đến đơn vị điện lực tại địa phương để lấy ý kiến về việc điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ đề nghị phát triển có hoặc không gây quá tải trạm biến áp, lưới điện hạ áp và phân phối tại khu vực đăng ký phát triển, công suất đề nghị có hoặc không phù hợp phụ tải hiện có (căn cứ theo sản lượng điện tiêu thụ tại 12 tháng gần nhất). Đơn vị điện lực phải xem xét, giải quyết và gửi ý kiến cho cơ quan tiếp nhận trong thời hạn tối đa 07 ngày.
Lưu ý quy định về bán sản lượng điện dư
Sản lượng điện dư là sản lượng điện của điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không sử dụng hết cho phụ tải và phát phần còn lại vào hệ thống điện quốc gia.
Hoạt động mua bán sản lượng điện dư cần lưu ý một số quy định tại Nghị định số 135/2024/NĐ-CP như sau:
Trường hợp bán sản lượng điện dư
Tổ chức, cá nhân lựa chọn phát hoặc không phát sản lượng điện dư (nếu có) của điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ vào hệ thống điện quốc gia.
Hộ gia đình, nhà ở riêng lẻ có tự sản xuất, tự tiêu thụ điện mặt trời mái nhà công suất dưới 100 kW nếu không dùng hết được bán điện dư lên hệ thống điện quốc gia nhưng phải đáp ứng:
Có đấu nối với hệ thống điện quốc gia;
Công suất phải phù hợp với quy mô công suất được phân bổ phát triển tại địa phương trong quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch;
Đã thực hiện thông báo theo quy định;
Tập đoàn Điện lực Việt Nam thanh toán cho tổ chức, cá nhân phần sản lượng điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia nhưng không quá 20% công suất lắp đặt thực tế;
Giá mua bán điện dư phát lên hệ thống điện quốc gia bằng giá điện năng thị trường điện bình quân trong năm trước liền kề do đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố nhằm bảo đảm khuyến khích phù hợp trong từng thời kỳ phát triển của hệ thống điện quốc gia;
Lưu ý: Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ lắp đặt trên mái công trình xây dựng là công sở hoặc công trình được xác định là tài sản công không thực hiện mua bán sản lượng điện dư.
Trường hợp không bán sản lượng điện dư
Trường hợp không bán sản lượng điện dư vào hệ thống điện quốc gia thì đăng ký thực hiện theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 135/2024/NĐ-CP. Theo đó, tổ chức/ cá nhân tự sản xuất, tự tiêu thụ có nghĩa vụ lắp đặt hệ thống thiết bị chống phát ngược điện vào hệ thống điện quốc gia (nếu có đấu nối với hệ thống điện quốc gia).
Lưu ý thực hiện mua bán điện đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ bán điện dư
Bên mua điện dư và bên bán điện dư ký kết hợp đồng mua bán điện theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 135/2024/NĐ-CP. Theo đó, thời hạn của hợp đồng mua bán điện là 05 năm kể từ ngày điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ được đưa vào khai thác, sử dụng.
Trình tự, thủ tục mua bán điện đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ bán điện dư theo Điều 18 Nghị định 135/2024/NĐ-CP bao gồm các bước như sau:
Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đề nghị bán điện từ điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu bao gồm: văn bản đề nghị bán điện, tài liệu kỹ thuật về tấm quang điện mặt trời, bộ biến đổi điện từ một chiều sang xoay chiều; đường dây tải điện; giấy chứng nhận xuất xưởng, chứng nhận chất lượng thiết bị (bản sao y); giấy chứng nhận đăng ký phát triển hoặc văn bản của Sở Công Thương xác nhận công suất thuộc quy hoạch, kế hoạch thực hiện quy hoạch được phân bổ tại địa phương; hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng theo pháp luật về xây dựng;
Các bên thực hiện kiểm tra kỹ thuật, lắp đặt công tơ đo đếm sản lượng điện, chốt chỉ số công tơ.
Ký hợp đồng mua bán điện và đóng điện, đưa điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ vào khai thác, sử dụng; thời hạn bên mua điện dư ký hợp đồng là 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản, hồ sơ đề nghị bán điện của bên bán điện dư.
Trên đây là một số nội dung đáng chú ý về thủ tục thông báo và đăng ký phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất theo Nghị định 135/2024/NĐ-CP. Quý khách hàng có thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ Luật Việt An để được tư vấn, hỗ trợ tốt nhất!