Giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hóa được quy định tại Nghị định số 19/2006/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Thương mại về xuất xứ hàng hóa, Thông tư số 07/2006/TT-BTM hướng dẫn thủ tục cấp và quản lý việc cấp Giấy Chứng nhận xuất xứ và một số văn bản hướng dẫn khác. Giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hóa là loại chứng từ quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa nói chung và các bên tham gia vào hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng. Theo Khoản 4 Điều 3 Nghị định số 19/2006/NĐ-CP thì Giấy Chứng nhận xuất xứ là: “Văn bản do tổ chức thuộc quốc gia hoặc vùng lãnh thổ xuất khẩu hàng hoá cấp dựa trên những quy định và yêu cầu liên quan về xuất xứ, chỉ rõ nguồn gốc xuất xứ của hàng hoá đó”.
Nhất là trong bối cảnh hằng năm Việt Nam xuất khẩu một lượng rất lớn hàng hóa đi các nước thì Giấy Chứng nhận xuất xứ là một trong những giấy tờ thiết yếu trong quá trình giao kết hợp đồng thương mại.
Giấy Chứng nhận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu bao gồm các loại sau:
C/O Mẫu A cấp cho các sản phẩm của Việt Nam xuất khẩu sang các nước, vùng lãnh thổ dành cho Việt Nam chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập;
C/O dệt may cấp cho các sản phẩm dệt may của Việt nam xuất khẩu theo các Hiệp định quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
C/O hàng dệt thủ công cấp cho các sản phẩm dệt thủ công của Việt Nam, xuất khẩu sang EU theo Nghị định thư D bổ sung cho Hiêp định hàng dệt may giữa Việt Nam và EU;
C/O cho hàng cà phê cấp cho sản phẩm cà phê xuất khẩu của Việt Nam theo quy định của Tổ chức cà phê thế giới;
Các loại C/O do nước nhập khẩu sản phẩm của Việt Nam quy định hoặc được quy định trong các hiệp định quốc tế mà Việt Nam là thành viên;
C/O Mẫu B cấp cho sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam trong các trường hợp Người xuất khẩu không đề nghị cấp một trong các loại mẫu C/O nói trên.
Đối với những doanh nghiệp lần đầu xin cấp C/O thì phải có Đăng ký Hồ sơ thương nhân và Hồ sơ đề nghị cấp C/O.
Đăng ký Hồ sơ thương nhân gồm:
Đăng ký mẫu chữ ký của Người được ủy quyền ký Đơn đề nghị cấp C/O và con dấu của thương nhân;
Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của thương nhân (bản sao có dấu sao y bản chính);
Giấy chứng nhận đăng ký mã số thuế (bản sao có dấu sao y bản chính);
Danh mục các cơ sở sản xuất của thương nhân (nếu có).
Hồ sơ đề nghị cấp C/O gồm:
Đơn đề nghị cấp C/O đã được khai hoàn chỉnh, hợp lệ;
Mẫu C/O đã được khai hoàn chỉnh: 01 bản gốc và 03 bản sao;
Tờ khai hải quan xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan (bản sao có chữ ký của người có thẩm quyền và dấu “sao y bản chính“), trừ các trường hợp hàng xuất khẩu không phải khai báo tờ khai hải quan xuất khẩu theo qui định của pháp luật. Trong trường hợp có lý do chính đáng Người đề nghị cấp C/O có thể nộp sau chứng từ này nhưng không quá ba mươi (30) ngày kể từ ngày cấp C/O;
Và một số giấy tờ khác nếu cơ quan cấp C/O xét thấy cần thiết như: Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên, phụ liệu; giấy phép xuất khẩu; hợp đồng mua bán; hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên phụ liệu trong nước; mẫu nguyên, phụ liệu hoặc sản phẩm xuất khẩu; vận đơn đường biển; vận đơn đường không và các chứng từ khác để chứng minh xuất xứ của sản phẩm xuất khẩu.
Các tổ chức cấp C/O gồm: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan được ủy quyền.
Thời hạn: Thời hạn cấp C/O không quá 03 ngày làm việc kể từ thời điểm nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.
Lưu ý:
Trong trường hợp cần thiết, tổ chức cấp C/O có thể tiến hành kiểm tra tại nơi sản xuất nếu thấy rằng việc kiểm tra trên hồ sơ là chưa đủ căn cứ hoặc phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật với các C/O đã cấp trước đó.
Trong những trường hợp ngoại lệ khi C/O không được cấp vào thời điểm xuất khẩu do sai sót của cán bộ cấp C/O hoặc vì các trường hợp bất khả kháng hoặc có lý do xác đáng của Người đề nghị cấp C/O, C/O có thể được cấp sau và có giá trị hiệu lực tính từ thời điểm giao hàng nhưng không vượt quá một (01) năm tính từ ngày giao hàng đến ngày cấp thực tế và phải ghi rõ: “ISSUED RETROACTIVELY” (cấp sau và có hiệu lực từ khi giao hàng) lên C/O.
Dịch vụ tư vấn pháp luật doanh nghiệp và đầu tư của Công ty Luật Việt An:
Tư vấn các quy định pháp luật và thủ tục liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp và đầu tư tại Việt Nam;
Tư vấn các quy định pháp luật và thủ tục liên quan đến Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy Chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy phép con…;
Tư vấn các quy định về ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện cụ thể với mỗi ngành nghề;
Soạn thảo, nộp hồ sơ và làm việc với cơ quan nhà nước khi được Khách hàng ủy quyền;
Tư vấn về các vấn đề sau thành lập như hợp đồng, lao động Việt Nam, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, thương mại, nhượng quyền thương mại, sở hữu trí tuệ…
Quý Khách hàng có nhu cầu tìm hiểu và cần được tư vấn các vấn đề pháp lý liên quan đến lĩnh vực doanh nghiệp và đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để biết thêm chi tiết!