Theo quy định tại Nghị định số 14/2018/NĐ-CP thì hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân là hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Theo đó, hoạt động thương mại biên giới được thanh toán bằng ngoại tệ tự do chuyển đổi, đồng Việt Nam hoặc đồng tiền của nước có chung biên giới. Các phương thức thanh toán bao gồm: Thanh toán qua ngân hàng; Thanh toán bằng tiền mặt; Thanh toán bù trừ giữa hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu với hàng hóa, dịch vụ nhập khẩu (phần chênh lệch thanh toán qua ngân hàng).
Các thương nhân được thực hiện mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới bao gồm thương nhân Việt Nam và thương nhân có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, công ty và chi nhánh công ty nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới theo cam kết của các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Cửa khẩu biên giới thực hiện mua bán, trao đổi hàng hóa là các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính. Ngoài ra còn có các cửa khẩu khác, qua nơi mở ra cho qua lại biên giới được bảo đảm các điều kiện, chịu sự giám sát, quản lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và pháp luật có liên quan (phải thuộc Danh mục các cửa khẩu phụ, lối mở biên giới được phép thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa do Ủy ban nhân dân tỉnh biên giới quyết định).
Những hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của thương nhân phải hợp pháp và không thuộc diện cấm lưu thông. Ngoài ra, những hàng hóa mua bán, trao đổi qua cửa khẩu phụ, lối mở biên giới phải thuộc danh mục do Bộ công thương ban hành. Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới của thương nhân phải tuân thủ các quy định của pháp luật, điều ước quốc tế về kiểm dịch y tế; kiểm dịch động vật, thực vật, kiểm dịch thủy sản; kiểm tra chất lượng hàng hóa; kiểm tra về an toàn thực phẩm. Như vậy, vì mục đích hoạt động kinh doanh của hàng hóa nên khi mua bán, trao đổi hàng hóa đó qua biên giới, thương nhân phải chịu sự kiểm tra nghiêm ngặt hơn so với cư dân biên giới nhằm đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng.
Thương nhân hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật. Hàng hóa mua bán, trao đổi qua biên giới được hưởng ưu đãi theo quy định của pháp luật và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Hàng hóa xuất khẩu dưới hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới của thương nhân quy định tại Nghị định này được hoàn thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 23 tháng 01 năm 2018.