Trong xu hướng kinh tế hội nhập hiện nay, việc bảo hộ sáng chế có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế và sự tiến bộ của nhân loại. Bảo hộ sáng chế khuyến khích sự sáng tạo không ngừng qua việc pháp luật sở hữu trí tuệ trao cho chủ sở hữu sáng chế bằng độc quyền sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định. Liên quan đến vấn đề này, Công ty Luật Việt An đã tổng hợp các vấn đề pháp lý về hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền sáng chế để cung cấp thông tin hữu ích cho Quý khách hàng.
Căn cứ pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019, 2022;
Bằng độc quyền sáng chế là gì?
Khái niệm bằng độc quyền sáng chế
Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam không định nghĩa “Bằng độc quyền sáng chế” mà chỉ quy định sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện luật định. Tuy nhiên, hiểu một cách đơn giản nhất thì bằng độc quyền sáng chế là một chứng chỉ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho nhà sáng chế, trong đó bao gồm các độc quyền mà nhà sáng chế được hưởng trong một thời hạn nhất định.
Bằng độc quyền sáng chế (Patent) là độc quyền được cấp để bảo hộ sáng chế. Bằng độc quyền sáng chế mang lại cho chủ sở hữu độc quyền ngăn cấm người khác khai thác thương mại sáng chế trong một thời hạn nhất định để đổi lại việc họ phải bộc lộ thông tin sáng chế cho công chúng.
Nội dung bằng độc quyền sáng chế
Trong bằng độc quyền sáng chế có ghi tên chủ sở hữu sáng chế, căn cứ vào đó, người không phải là chủ sở hữu sáng chế hoặc không phải là người được chủ sở hữu sáng chế cho phép sử dụng sáng chế không được xâm phạm quyền một cách vô tình hay hữu ý. Đổi lại, nhà sáng chế phải bộc lộ công khai các thông tin liên quan đến sáng chế của mình theo quy định của pháp luật.
Chủ sở hữu sáng chế có quyền ngăn cấm người khác sản xuất, sử dụng, chào bán, bán hoặc nhập khẩu sáng chế được bảo hộ mà không có sự cho phép của người nắm độc quyền sử dụng sáng chế và có thể kiện ra tòa bất kì ai khai thác thương mại sáng chế được bảo hộ mà không được phép của họ.
Đặc điểm của bằng độc quyền sáng chế
Bằng độc quyền sáng chế phải do nhà nước cấp.
Ở Việt Nam, cơ quan có thẩm quyền cấp Bằng độc quyền sáng chế là Cục Sở hữu trí tuệ. Đây là một chứng nhận đăng ký sáng chế bởi cơ quan nhà nước ghi nhận quyền của tác giả và chủ sở hữu sáng chế đối với sáng chế của mình. Căn cứ vào đó, tác giả sáng chế và chủ sở hữu sáng chế sẽ có các quyền nhân thân, quyền tài sản theo quy định của pháp luật.
Bằng độc quyền sáng chế ghi nhận quyền sử dụng sáng chế của chủ sở hữu sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định.
Tùy theo pháp luật từng quốc gia mà khoảng thời gian có hiệu lực của Bằng độc quyền sáng chế có thể khác nhau, thông thường là hai mươi năm kể từ thời điểm nộp đơn yêu cầu. Sở dĩ có quy định này là vì sáng chế tồn tại và giảm dần giá trị theo sự tiến bộ của nhân loại. Chủ sở hữu sáng chế có quyền khai thác sáng chế trong một khoảng thời gian hợp lý đủ để bù đắp những chi phí cho việc sáng tạo ra sáng chế. Hết thời hạn bảo hộ, sáng chế đó thuộc về xã hội để tạo điều kiện cho những sáng tạo mới ra đời.
Các trường hợp hủy bỏ hiệu lực của bằng độc quyền sáng chế
Hủy bỏ toàn bộ hiệu lực của bằng độc quyền sáng chế
Căn cứ vào khoản 1 Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ, toàn bộ hiệu lực của bằng độc quyền sáng chế sẽ bị hủy bỏ trong các trường hợp sau:
Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định kiểm soát an ninh đối với sáng chế
Trường hợp này liên quan đến việc đơn đăng ký sáng chế không tuân thủ các quy định về an ninh được quy định tại Điều 89a của Luật Sở hữu trí tuệ. Cụ thể, quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài được ghi nhận như sau:
“Sáng chế thuộc các lĩnh vực kỹ thuật có tác động đến quốc phòng, an ninh, được tạo ra tại Việt Nam và thuộc quyền đăng ký của cá nhân là công dân Việt Nam và thường trú tại Việt Nam hoặc của tổ chức được thành lập theo pháp luật Việt Nam chỉ được nộp đơn đăng ký sáng chế ở nước ngoài nếu đã được nộp đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam để thực hiện thủ tục kiểm soát an ninh.”
An ninh ở đây có thể liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và bảo mật thông tin. Nếu sáng chế đưa ra có khả năng đe dọa an ninh quốc gia hoặc vi phạm các quy định về sự bảo mật thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng thì văn bằng bảo hộ sáng chế có thể bị hủy bỏ để đảm bảo an toàn quốc gia.
Đơn đăng ký sáng chế đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen nhưng không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen có trong đơn
Trường hợp này liên quan đến việc không tiết lộ đầy đủ thông tin về nguồn gốc của sáng chế hoặc cung cấp thông tin không chính xác. Sáng chế dựa trên nguồn gen và tri thức truyền thống về nguồn gen thường cần phải tuân thủ các quy định về quản lý và bảo vệ nguồn gen. Nếu đơn đăng ký không tuân thủ các quy định này hoặc cung cấp thông tin không chính xác, văn bằng bảo hộ sáng chế có thể bị hủy bỏ để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ quy định pháp luật.
Tất cả các trường hợp này đều nhấn mạnh sự quan trọng của việc tuân thủ quy định pháp luật và đảm bảo tính minh bạch trong các quá trình đăng ký sáng chế và nhãn hiệu. Việc hủy bỏ văn bằng bảo hộ trong các trường hợp này là biện pháp quan trọng để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, an ninh quốc gia và tuân thủ các quy định về nguồn gen và tri thức truyền thống.
Hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực của bằng độc quyền sáng chế
Bên cạnh các trường hợp khiến cho bằng độc quyền sáng chế bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực theo khoản 1 Điều 96 Luật Sở hữu trí tuệ thì khoản 2 Điều 96 đã ghi nhận những trường hợp mà bằng độc quyền sáng chế có thể bị hủy bỏ một phần hoặc toàn bộ hiệu lực. Các trường hợp đó bao gồm:
Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được người có quyền đăng ký chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế.
Sáng chế không đáp ứng các điều kiện bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ
Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sáng chế làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn;
Sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó;
Sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế;
Sáng chế không đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên
Trên đây là bài viết trình bày chi tiếtvề vấn đề hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền sáng chế. Nếu có bất kì khó khăn vướng mắc liên quan tới pháp luật sở hữu trí tuệ, Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được tư vấn chi tiết!