Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất mới, một điểm đến an toàn và tiềm năng cho đổi mới sáng tạo. Dấu hiệu tích cực này đã dẫn đến sự gia tăng đáng kể số lượng đơn đăng ký sáng chế tại Việt Nam trong những năm gần đây. Một trong những chế định quan trọng trong bảo hộ sáng chế Việt Nam là thiết lập các quy định về “quyền tạm thời”. Quyền tạm thời có thể mang lại cho chủ đơn sáng chế những lợi ích đáng kể ngay cả trước khi đơn đăng ký của họ chấp nhận bảo hộ. Tuy nhiên, trong thực tế, nhiều khách hàng vẫn chưa hiểu và nắm bắt được chế định này.
Căn cứ pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022.
Sáng chế là gì?
Là một trong những đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp, sáng chế không chỉ được biết đến là công cụ hữu hình mà còn bao gồm quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tư nhiên.
Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (viết tắt là WIPO) đã đưa ra định nghĩa về sáng chế, theo đó, sáng chế là một độc quyền được cấp cho một giải pháp là sản phẩm hoặc quy trình đưa ra cách thức mới để thực hiện một điều gì đó hoặc đưa ra một giải pháp công nghệ mới cho một vấn đề.
Tại Việt Nam, căn cứ khoản 12 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ quy định sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Sự cần thiết của quy định quyền tạm thời sáng chế
Sáng chế mang đặc tính sáng tạo về kỹ thuật và tính mới trong sử dụng và thương mại. Để được bảo hộ, chủ thể sáng tạo hay nhà đầu tư bắt buộc phải nộp đơn đăng ký đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Sau khi đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận hợp lệ, thông tin về sáng chế sẽ được công khai trên công báo sở hữu công nghiệp với mục đích tránh việc nghiên cứu trùng lặp, đồng thời đây cũng là cơ sở để người thứ ba có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về sáng chế, qua đó xem xét việc cấp hay không cắp văn bằng bảo hộ với sáng chế đó.
Tuy nhiên, điều này cũng có thể dẫn đến một rủi ro khác đó là các chủ thể khác có thể dựa vào thông tin được công bố để sử dụng sáng chế mà không có sự xin phép hay trả thù lao cho chủ sở hữu sáng chế trong khoảng thời gian sáng chế chưa được cấp văn bằng bảo hộ, ảnh hưởng đến quyền khai thác sáng chế mà pháp luật ghi nhận nhằm bảo vệ quyền lợi cho chủ sở hữu.
Từ những căn cứ trên, có thể thấy việc quy định quyền tạm thời đối với sáng chế là vô cùng cần thiết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ sở hữu sáng chế đã được pháp luật quy định.
Quyền tạm thời đối với sáng chế
Quyền tạm thời đối với bằng sáng chế được hiểu là một chế định pháp lý được thiết lập nhằm cung cấp một số biện pháp bảo vệ nhất định cho các chủ đơn sáng chế trong khi họ đang chờ cơ quan có thẩm quyền cấp Bằng độc quyền sáng chế cho mình. Quyền tạm thời cung cấp cho chủ đơn một công cụ pháp lý để chống lại việc sử dụng trái phép sáng chế của họ trong giai đoạn chờ cấp bằng.
Quyền tạm thời cho phép chủ đơn sáng chế thực hiện các hành động chống lại những người vi phạm khai thác thương mại sáng chế của họ sau khi đơn sáng chế được công bố trên công báo sở hữu công nghiệp, nhưng trước khi cấp bằng độc quyền sáng chế.
Căn cứ Điều 131 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009, 2019, 2022, quyền tạm thời được quy định như sau:
Trường hợp người nộp đơn đăng ký sáng chế biết rằng sáng chế đang được người khác sử dụng nhằm mục đích thương mại và người đó không có quyền sử dụng trước thì người nộp đơn có quyền thông báo bằng văn bản cho người sử dụng về việc mình đã nộp đơn đăng ký, trong đó chỉ rõ ngày nộp đơn và ngày công bố đơn trên Công báo sở hữu công nghiệp để người đó chấm dứt việc sử dụng hoặc tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp đã được thông báo mà người được thông báo vẫn tiếp tục sử dụng sáng chế thì khi Bằng độc quyền sáng chế được cấp, chủ sở hữu sáng chế, có quyền yêu cầu người đã sử dụng sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí phải trả một khoản tiền đền bù tương đương với giá chuyển giao quyền sử dụng sáng chế đó trong phạm vi và thời hạn sử dụng tương ứng.
Như vậy, quyền tạm thời giúp khuyến khích đổi mới sáng tạo bằng cách cung cấp cho các tác giả sáng chế mức độ bảo vệ pháp lý nhất định trong khi họ đang chờ đơn đăng ký của mình được cấp văn bằng bảo hộ. Nếu không có các quyền này, tác giả sáng chế có thể ngần ngại đầu tư vào việc phát triển các ý tưởng hoặc thiết kế mới, do biết rằng họ có thể phải đối mặt với tình trạng sử dụng trái phép hoặc vi phạm tài sản trí tuệ của họ trong khi đơn đang được thẩm định.
Lưu ý: Việc cấp bằng cho sáng chế không phải là chắc chắn sẽ thực hiện được, vì vậy, quyền tạm thời có thể không được thực hiện nếu đơn đăng ký sang chế đó cuối cùng bị từ chối. Sự không chắc chắn này có thể gây khó khăn cho chủ sở hữu trong việc thực thi các quyền của họ trong thời gian áp dụng.
Hệ quả pháp lý của quyền tạm thời
Từ những phân tích trên, có thể thấy một số hệ quả pháp lý của quyền tạm thời có thể xảy ra, đó là:
Bên thứ ba có nghĩa vụ tôn trọng quyền tạm thời đối với sáng chế của chủ sở hữu sau khi đơn đăng ký đã được công báo hợp lệ.
Dừng sử dụng sáng chế sau khi nhận được thông báo của chủ sở hữu về việc sáng chế đã được đăng ký bảo hộ;
Trả thù lao tương ứng với thời gian và quy mô sử dụng sáng chế, trong trường hợp vẫn tiếp tục sử dụng sáng chế sau khi nhận được thông báo trên;
Đối với hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế được quy định tại khoản 2 Điều 126 Luật Sở hữu trí tuệ, việc sử dụng sáng chế mà không trả tiền đền bù theo quy định về quyền tạm thời quy định tại Điều 131 của Luật này, bên thứ ba sẽ bị xử lý bởi các chế tài hành chính, dân sự, hình sự theo quy định của pháp luật.
Một số câu hỏi liên quan
Chủ sở hữu sáng chế là ai?
Theo quy định của pháp luật, chủ sở hữu sáng chế là tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ sáng chế (hoặc đã đăng ký cấp văn bằng bảo hộ quốc tế và được cơ quan có thẩm quyền công nhận).
Chủ sở hữu sáng chế cũng có thể là người được chuyển giao quyền sở hữu sáng chế theo hợp đồng chuyển nhượng quyền sở hữu sáng chế được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh quyền tạm thời đối với sáng chế, chủ sở hữu sáng chế còn có các quyền gì theo quy định của pháp luật?
Theo quy định của pháp luật, quyền tạm thời đối với sáng chế là một trong những quyền cơ bản của chủ sở hữu sáng chế. Bên cạnh đó, chủ sở hữu sáng chế còn có một số các quyền khác như:
Quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng sáng chế;
Quyền ngăn cấm người khác sử dụng sáng chế;
Quyền định đoạt sáng chế.
Quyền tạm thời có được áp dụng cho tất cả các sáng chế đã nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế hay không?
Theo quy định của pháp luật, quyền tạm thời chỉ áp dụng cho các đơn đăng ký sáng chế đã được công bố trên công báo, vì vậy, mọi sáng chế chưa được công bố hay nộp đơn đăng ký đều không được bảo vệ bởi quyền này.
Quyền tạm thời chỉ quy định quyền thông báo cho bên thứ ba về hành vi bị cáo buộc vi phạm, không có quyền yêu cầu cơ quan thực thi pháp luật Việt Nam xử lý hành vi bị cáo buộc vi phạm đó.
Quý khách hàng có nhu cầu tư vấn về quyền tạm thời đối với sáng chế, đăng ký sáng chế tại Việt Nam và nước ngoài xin vui lòng liên hệ Công ty Luật Việt An để được hỗ trợ tốt nhất.