Sáng chế và giải pháp hữu ích là đối tượng quyền sở hữu trí tuệ có nhiều điểm tương đồng trong đối tượng của quyền Sở hữu trí tuệ. Chúng đều tạo ra những giải pháp, quy trình có giá trị trong các lĩnh vực sản xuất kinh doanh cũng như trong đời sống. Tuy nhiên, với nhiều nét tương đồng, hiện nay nhiều người còn nhầm lẫn giữa hai đối tượng quyền sở hữu trí tuệ này. Công ty Luật Việt An tổng hợp các vấn đề pháp lý liên quan giúp Quý khách hàng phân biệt sáng chế và giải pháp hữu ích một cách cụ thể nhất.
Cơ sở pháp lý
Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022.
Khái quát chung về sáng chế và giải pháp hữu ích
Thế nào là sáng chế?
Sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm (bao gồm cơ cấu hoặc chất) hoặc quy trình nhằm giải quyết một vấn đề xác định bằng việc ứng dụng các quy luật tự nhiên.
Các sản phẩm sáng chế được bảo hộ độc quyền thông qua việc cấp Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Ví dụ: Sáng chế trong chế điện thoại như ăng ten, sáng chế liên quan đến bộ phận nhập và xử lý tín hiệu, sáng chế liên quan đến bộ phận hiển thị (màn hình cảm ứng); mạch chức năng; nguồn cung cấp năng lượng (pin).
Bằng độc quyền sáng chế là gì?
Là văn bản pháp lý ghi nhận quyền sở hữu đối với sáng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhằm đảo bảo các độc quyền theo quy định của pháp luật với sáng chế đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ.
Thế nào là giải pháp hữu ích?
Khái niệm Giải pháp hữu ích không được quy định cụ thể trong Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành nhưng có thể hiểu giải pháp hữu ích cũng là giải pháp kĩ thuật, có tính mới hơn so với trình độ kĩ thuật trên thế giới. Tuy nhiên, nó không cần đáp ứng về trình độ sáng tạo như sáng chế. Mục đích của giải pháp hữu ích là tạo ra những sản phẩm nhằm cải tiến hoặc làm tăng thêm chức năng của các sáng chế đã có trước đó.
Điểm giống nhau giữa sáng chế và giải pháp hữu ích
Đều là đối tượng của Luật Sở hữu trí tuệ được pháp luật bảo hộ;
Đều phải đăng ký bảo hộ mới được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ và được pháp luật bảo hộ;
Tuân thủ đầy đủ mọi luật định của Luật Sở hữu trí tuệ về đăng ký, gia hạn, duy trì và chấm dứt sự bảo hộ;
Đều có tính mới và khả năng áp dụng công nghiệp;
Đều tồn tại dưới 3 hình thức là chất, cơ cấu hoặc quy trình;
Cách thức duy trì hiệu lực giống nhau: nộp lệ phí gia hạn hàng năm.
Điểm khác nhau giữa sáng chế và giải pháp hữu ích
Tiêu chí
Sáng chế
Giải pháp hữu ích
Hình thức bảo hộ
Chủ sở hữu sáng chế khi đăng ký bảo hộ sẽ được cấp Bằng độc quyền sáng chế.
Chủ sở hữu giải pháp hữu ích khi đăng ký bảo hộ được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Điều kiện bảo hộ
Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện bao gồm:
· Có tính mới;
· Có trình độ sáng tạo;
· Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích nếu đáp ứng các điều kiện:
· Không phải hiểu biết thông thường;
· Có tính mới;
· Có khả năng áp dụng công nghiệp.
Thời hạn bảo hộ
Thời hạn bảo hộ sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 20 năm kể từ ngày nộp đơn hợp lệ.
Thời hạn bảo hộ sáng chế dưới hình thức Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn hợp lệ
Tính sáng tạo của sáng chế
Thông qua bảng so sánh trên có thể thấy, pháp luật về sở hữu trí tuệ của Việt Nam hiện nay phân biệt bằng độc quyền sáng chế và độc quyền pháp hữu ích bằng yếu tố có tính sáng tạo. Sức sáng tạo của một sáng chế phải cao hơn một giải pháp hữu ích.
Sáng chế được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã được bộc lộ công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước hoặc ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký sáng chế trong trường hợp đơn đăng ký sáng chế được hưởng quyền ưu tiên, sáng chế đó là một bước tiến sáng tạo, không thể được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
Trên thực tế, hầu hết tại Việt Nam chủ yếu cấp bảo hộ đối với quyền giải pháp hữu ích mà ít cấp bảo hộ sáng chế hơn, do các đối tượng hầu hết chưa đáp ứng điều kiện về sáng tạo trên phạm vi thế giới.
Theo đó, trong đơn đăng ký sáng chế đều có thêm một lựa chọn cho chủ đơn là tự động chuyển thành đăng ký giải pháp hữu ích khi không đáp ứng điều kiện bảo hộ sáng chế. Tránh trường hợp khi đối tượng không đáp ứng tiêu chuẩn bảo hộ sáng chế chủ đơn phải nộp lại thành đơn đăng ký giải pháp hữu ích.
Thủ tục đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích
Hồ sơ đăng ký giải pháp hữu ích tương tự như hồ sơ đăng ký sáng chế.
Bước 1: Tra cứu khả năng bảo hộ trước khi nộp đơn
Để tránh xung đột với quyền sở hữu trí tuệ của người khác, tránh mất thời gian, bước đầu tiên cần phải tiến hành là tra cứu tại website của Cục Sở hữu trí tuệ hoặc Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) trước khi gửi đơn đăng ký bảo hộ sáng chế/ giải pháp hữu ích.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ đăng ký tại Cục sở hữu trí tuệ
Những chủ thể có nhu cầu đăng ký sáng chế sẽ nộp đơn thông qua các hình thức:
Gửi qua đường bưu điện tới Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ;
Nộp đơn trực tiếp tới Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ.
Thông qua tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ như Luật Việt An để tiến hành các thủ tục nộp đơn.
Theo đó, Cục Sở hữu trí tuệ đặt trụ sở tại Thành phố Hà Hội và có 2 văn phòng đại diện tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Sau khi đã chuẩn bị xong hồ sơ đăng ký sáng chế, chủ đơn đăng ký nên sớm nộp đơn đăng ký để có ngày ưu tiên đăng ký sớm nhất. Tại Việt Nam, nguyên tắc ngày ưu tiên được áp dụng, do đó, ai nộp đơn trước sẽ được hưởng quyền ưu tiên trước.
Bước 3: Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định hình thức hồ sơ
Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành kiểm tra việc tuân thủ các quy định về hình thức đối với đơn, đồng thời xem xét yêu cầu duy trì hiệu lực trong vòng 1 tháng kể từ ngày nhận được yêu cầu. Từ đó, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đưa ra kết luận đơn có hợp lệ hay không.
Nếu hồ sơ không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ấn định thời hạn 2 tháng kể từ ngày ra thông báo. Chủ thể nộp đơn sẽ tiến hành sửa chữa thiếu sót hoặc có ý kiến phản hồi. Sau thời hạn trên, nếu không sửa chữa thiếu sót hoặc sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu, không có ý kiến phản đối hay ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định từ chối thẩm định đơn.
Bước 4: Công bố đơn
Sau khi có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Bước 5: Cục Sở hữu trí tuệ thẩm định nội dung đơn
Những hồ sơ hợp lệ sẽ tiếp tục đem đi thẩm định về mặt nội dung. Sau khi nhận được yêu cầu thẩm định nội dung từ chủ thể, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thẩm định thông qua việc đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng đã nêu trong đơn dựa trên điều kiện bảo hộ.
Bước 6: Nhận giấy chứng nhận đăng ký bảo hộ sáng chế/ giải pháp hữu ích
Đơn đăng ký sau khi trải qua các giai đoạn thẩm định và kết quả cho thấy đơn đủ điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ, chủ đơn sẽ tiến hành nộp phí cấp văn bằng và sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bản gốc giấy chứng nhận đăng ký sáng chế.
Công ty Luật Việt An được khách hàng biết đến là một Tổ chức đại diện sở hữu trí tuệ hoạt động hợp pháp và có uy tín tại Việt Nam, chuyên hỗ trợ doanh nghiệp và cá nhân xác lập quyền đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ được tài sản sở hữu trí tuệ tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới. Nếu có bất kì khó khăn vướng mắc liên quan tới pháp luật sở hữu trí tuệ Quý khách hàng vui lòng liên hệ Công ty luật Việt An để được tư vấn chi tiết!