Hầu hết trên bao bì của các sản phẩm hàng hoá trên thị trường đều được in những mã số, mã vạch. Có thể nói, mã số, mã vạch chính là “căn cước” của sản phẩm đó. Mặc dù việc sử dụng mã số, mã vạch không phải là thủ tục bắt buộc. Tuy nhiên, việc sử dụng mã số, mã vạch trên sản phẩm lại giúp doanh nghiệp lấy được sự tin tưởng của người tiêu dùng. Vì thế, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đều đăng ký sử dụng mã số, mã vạch trên sản phẩm. Qua bài viết này, Luật Việt An xin chia sẻ tới Quý khách hàng về thủ tục, lệ phí cấp, duy trì mã số mã vạch. Mời Quý khách hàng cùng theo dõi.
Mã số mã vạch là gì?
Khi mua các sản phẩm, người tiêu dùng đều có thể thấy các mã số, mã vạch được in trên các bao bì sản phẩm. Vậy, mã số, mã vạch là gì? Và, chúng có ý nghĩa như thế nào?
Theo khoản 1, khoản 2 Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BKHCN giải thích khái niệm mã số, mã vạch như sau:
Mã số là một dãy số hoặc chữ được sử dụng để định danh sản phẩm, dịch vụ, địa điểm, tổ chức, cá nhân.
Mã vạch là phương thức lưu trữ và truyền tải thông tin của mã số bằng: loại ký hiệu vạch tuyến tính (mã vạch một chiều); tập hợp điểm (Data Matrix, QRcode, PDF417 và các mã vạch hai chiều khác); chip nhận dạng qua tần số vô tuyến (RFID) và các công nghệ nhận dạng khác
Có thể thấy, mã số, mã vạch chứa đựng các thông tin của sản phẩm và cũng là phương thức mà nhà nước quản lý hàng hoá trên thị trường.
Lệ phí cấp, duy trì mã số mã vạch
Theo quy định tại điều 4 của Thông tư 232/2016/TT-BTC thì từ ngày 01/01/2017 mức thu phí cấp mã số mã vạch như sau:
Mức thu phí cấp và hướng dẫn sử dụng mã số mã vạch
Phân loại phí
Mức thu (đồng/mã)
Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 (không phân biệt mã số đăng ký sử dụng)
1.000.000
Sử dụng mã địa điểm toàn cầu (GLN)
300.000
Sử dụng mã số thương phẩm toàn cầu 8 chữ số EAN-8 (GTIN-8)
300.000
Mức thu phí đăng ký (xác nhận) sử dụng mã số mã vạch nước ngoài
Phân loại
Mức thu
Hồ sơ có ít hơn hoặc bằng 50 mã sản phẩm
500.000 đồng/hồ sơ
Hồ sơ trên 50 mã sản phẩm
10.000 đồng/mã
Mức thu phí duy trì sử dụng mã số mã vạch hàng năm (niên phí)
Phân loại phí
Mức thu (đồng/năm)
Sử dụng mã doanh nghiệp GS1
Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 10 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 100 số vật phẩm)
500.000
Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 9 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 1.000 số vật phẩm)
800.000
Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 8 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 10.000 số vật phẩm)
1.500.000
Sử dụng mã doanh nghiệp GS1 loại 7 số (tương ứng với trường hợp doanh nghiệp được sử dụng 100.000 số vật phẩm)
2.000.000
Sử dụng mã địa điểm toàn cầu (GLN)
200.000
Sử dụng mã số thương phẩm toàn cầu 8 chữ số EAN-8 (GTIN-8)
200.000
Thủ tục cấp, duy trì mã số mã vạch
Theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 6 Thông tư 10/2020/TT-BKHCN, thủ tục cấp mã số, mã vạch được thực hiện như sau:
Cá nhân, tổ chức có nhu cầu đăng ký mã số, mã vạch (sau đây gọi cung là cá nhân, tổ chức) chuẩn bị bộ hồ sơ bao gồm các tài liệu như sau:
Đơn đăng ký sử dụng mã số, mã vạch
Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc Quyết định thành lập.
Thời hạn giải quyết thủ tục
Hồ sơ hợp lệ: Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng mã số, mã vạch trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan có thẩm quyền thông báo để cá nhân, tổ chức sửa đổi, bổ sung hồ sơ.
Thủ tục duy trì mã số mã vạch
Theo khoản 4 Điều 6 Thông tư 10/2020/TT-BKHCN, thời hạn của Giấy chứng nhận có hiệu lực trong thời hạn 03 năm, kể từ ngày cấp. Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 19b Nghị định 74/2018/NĐ-CP thì tổ chức sử dụng mã số mã vạch có trách nhiệm phải nộp phí cấp và phí duy trì quyền sử dụng mã số, mã vạch theo quy định. Việc nộp phí duy trì phải được thực hiện trước 30/6 hàng năm.
Như vậy, có thể hiểu rằng để duy trì mã số, mã vạch, cá nhân, tổ chức chỉ cần nộp lệ phí quy trì hằng năm theo quy định.
Ý nghĩa của mã số, mã vạch trên sản phẩm
Việc sử dụng mã số và mã vạch trên sản phẩm đóng vai trò quan trọng đối với người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.
Đối với người tiêu dùng
mã số và mã vạch giúp họ xác định và kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm để đảm bảo tính an toàn và chất lượng. Nhờ đó, họ có thể dễ dàng nhận biết sản phẩm chính hãng, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái độc hại.
Đối với doanh nghiệp sản xuất hàng hoá
Đối với doanh nghiệp, việc sử dụng mã số và mã vạch giúp họ quản lý thông tin sản phẩm một cách chính xác, hiệu quả, từ đó tối ưu hóa quy trình sản xuất, vận chuyển và bán hàng. Quản lý thông tin sản phẩm cẩn thận cũng giúp doanh nghiệp xây dựng uy tín với khách hàng, tăng tốc độ phản hồi khi có vấn đề liên quan đến sản phẩm.
Đối với cơ quan Nhà nước
Đối với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, việc sử dụng mã số và mã vạch giúp họ theo dõi, kiểm soát dễ dàng lượng hàng hoá lưu thông trên thị trường. Thông qua việc theo dõi về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm, cơ quan nhà nước có thể đảm bảo quyền lợi và an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời ngăn chặn nguy cơ buôn lậu, hàng giả và giữ vững sự công bằng trong thị trường kinh doanh.
Nhìn chung, việc sử dụng mã số và mã vạch trên sản phẩm không chỉ đơn thuần là một hình thức định danh, mà còn phản ánh sự chất lượng, an toàn và tính minh bạch của sản phẩm.Điều này đồng thời mang lại lợi ích cho người tiêu dùng, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước trong quy trình sản xuất, tiêu thụ và quản lý hàng hoá.
Quý khách hàng có yêu cầu tư vấn, hỗ trợ thực hiện thủ tục đăng ký, nộp lệ phí cấp, duy trì mã số mã vạch hoặc các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ tới Luật Việt An để được hỗ trợ kịp thời.